Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Ninh thuận vươn lên từ sự khác biệt
Tâm Đăng - 30/07/2016 15:05
 
Nhìn ra được những lợi thế tiềm năng chuyên biệt của mình, vừa qua, Ninh Thuận đã lập danh mục 57 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 để làm nền tảng phát triển kinh tế của tỉnh. Bao phủ hầu hết trong đó là những lĩnh vực mà tỉnh này có lợi thế như dịch vụ - du lịch - thương mại; xây dựng - bất động sản và công nghiệp.

Một thế giới thu nhỏ

Là một tỉnh nghèo nằm cuối dải duyên hải Nam Trung bộ, nhắc đến Ninh Thuận, người ta thường nghĩ ngay đến “đặc sản” nắng và gió, đã bao năm qua kìm hãm sự phát triển của Ninh Thuận.

Bước sang thế kỷ XXI, tư duy phát triển kinh tế mới dựa trên những lợi thế chuyên biệt được hình thành, cũng từ đây, cái nhìn tiêu cực về thứ đặc sản khắc nghiệt ấy dần được rũ bỏ, thay vào đó, người ta đã thấy được những tiềm năng có thể “hái ra tiền” từ gió và cát của Ninh Thuận.

Những bãi biển cát trắng tuyệt đẹp kéo dài đã trở thành điều kiện cần cho Ninh Thuận phát triển mạnh ngành du lịch. Ảnh: EDO
Những bãi biển cát trắng tuyệt đẹp kéo dài đã trở thành điều kiện cần cho Ninh Thuận phát triển mạnh ngành du lịch. Ảnh: EDO

Trước hết, nhiều chuyên gia địa chất thuỷ văn cũng đã khẳng định, chính thứ khí hậu khắc nghiệt đã tạo ra cho Ninh Thuận có được cảnh quan tự nhiên vô cùng đặc biệt, mà không nơi nào ở Việt Nam và cả toàn khu vực Đông Nam Á có thể có được.

Ninh Thuận mang trong mình dáng dấp của những khu vực nổi tiếng thế giới, đó là những đụn cát Nam Cương trải dài mênh mông mê hoặc lòng người mang dáng dấp của sa mạc Gobi (Bắc Trung Quốc và Nam Mông Cô); là cao nguyên Trung phần, với núi và đá khô khốc tựa hồ cảnh quan miền Tây nước Mỹ; là bãi biển Ninh Chữ, Cà Ná sóng vỗ rì rào khiến du khách phương xa khi lần đầu đến ngỡ lạc vào Địa Trung Hải; là Vườn quốc gia Núi Chúa đa dạng sinh học ăn sát ra biển như những cánh rừng nhiệt đới châu Phi…

Cùng với cảnh quan đặc biệt, Ninh Thuận còn chứa đựng sự hấp dẫn cho du khách phương xa bằng chính sự huyền bí về một nền văn hoá Chăm Pa cổ. Đó là Tháp Chàm, Tháp Po Klong Garai, Tháp Po Rome, Tháp Hoà Lai... là di sản tin thần với những kiệt tác như sử thi Akayet Deva Muno, những trường ca Ariya Cam-Bini, Ariya Sah Pakei; vũ điệu Chăm Pa cổ; nghệ thuật chế tác gốm Chăm Bàu Trúc nổi tiếng…và còn nhiều hơn thế!

TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn Vùng duyên hải miền Trung từng nhận định, thiên nhiên ưu đãi cho vùng biển Ninh Thuận những lợi thế để phát triển ngành du lịch. Với bờ biển thoai thoải, sạch đẹp, với nhiều vùng biển sâu, nhiều chân núi đâm ra biển kiến tạo nên những vũng, vịnh, cồn tuyệt đẹp, Ninh Thuận rất thích hợp trong việc xây dựng cảnh quan du lịch sinh thái.

“Vịnh Vĩnh Hy là bức tranh hoang sơ của núi và biển kêu gọi khách du lịch ưa thích mạo hiểm tìm đến khám phá, đây là một quần thể hài hoà bao gồm những bãi cát trắng sạch, đẹp, những dãy núi đá xếp chồng lên nhau, những hang động, núi rừng với môi trường và cảnh quan thiên nhiên còn nguyên thủy... Đây là những lợi thế để Ninh Thuận phát triển ngành công nghiệp du lịch, những dự án du lịch tầm cỡ quốc tế”, TS. Trần Du Lịch gợi ý.

Hiện thực hoá sự khác biệt từ đầu tư hạ tầng

Hiện nay, tư duy phát triển kinh tế mới đã được nhìn nhận lại và cho rằng, các đại phương chậm thu hút đầu tư không hẳn đã là bất lợi, mà có khi là điều tốt đối với họ. Sự phát triển đã dần làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ của tự nhiên, điều mà các nhà đầu tư tầm cở trên thế giới tìm kiếm ngành càng khan hiếm. Với Ninh Thuận, sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, cảnh quan rõ ràng đó là lợi thế, là tiềm năng không hề nhỏ đối với những ngành như du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, điện gió, điện mặt trời... Điều quan trọng, những lợi thế ấy phải được khai phá bằng những dự án có trọng tâm, trọng điểm, những dự án làm động lực cho sự phát triển chung của tỉnh, trước hết là cơ sở hạ tầng.

Căn cứ trên những tiềm năng và lợi thế, vừa qua UBND tỉnh Ninh Thuận đã xác định danh mục 57 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2010 (tổng vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng) làm nền tảng để phát triển kinh tế tỉnh. Trong đó, hầu hết các lĩnh vực chủ yếu tập trung vào các ngành kinh tế trụ cột mà tỉnh có lợi thế như du lịch - dịch vụ - thương mại; xây dựng - bất động sản và công nghiệp.

Trong đó có nhiều dự án đáng chú ý với số vốn kêu gọi lớn như Dự án Nâng cấp Cảng biển Ninh Chữ (2.600 tỷ đồng); Dự án Nhà máy điện gió Phước Dân (1.300 tỷ đồng); dự án nhà máy sản xuất cánh quạt gió, thân trụ điện gió (1.200 tỷ đồng) cùng các dự án xây dựng khu đô thị và khách sạn 5 sao, và tất nhiên là những khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp…

Có thể nói, chưa bao giờ tỉnh Ninh Thuận lại tỏ rõ sự quyết tâm như vậy đối với việc khai phá lợi thế của mình, đặc biệt là khai phá tiềm năng ngành du lịch. Không chỉ kêu gọi đầu tư, Ninh Thuận đã bắt tay vào chiến lược thu hút đầu tư của mình bằng những hành động cụ thể.

Trước hết, UBND tỉnh Ninh Thuận tiến hành đầu tư 166 tỷ đồng để thực hiện Dự án Bảo tồn Vườn quốc gia Núi Chúa (diện tích 29.860 ha bao gồm cả phần đất liền và biển, thuộc huyện Ninh Hải) nhằm bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rừng, biển và các loài động, thực vật quý hiếm  của Vườn, xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ tài nguyên rừng, biển trong toàn khu vực. Theo kết quả khảo sát mới nhất, Vườn có 84 loài thú, 163 loài chim, 83 loài bò sát, trong đó có 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ thế giới. Bên cạnh đó, vườn có 1.504 loài thực vật bậc cao, với 30 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ thế giới; 350 loài san hô và quần thể rùa biển. Việc bảo tồn không chỉ để bảo vệ cho các loại động thực vật mà còn là chiến lược để đưa Vườn quốc gia Núi Chúa trở thành điểm du lịch sinh thái ở tầm thế giới.

Cùng với đầu tư cho bảo tồn Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận kêu gọi nhà đầu tư có năng lực tiến hành đầu tư các công trình nghỉ dưỡng tại khu vực ven biển nhằm tạo điều kiện phát triển du lịch biển.

Trong chiến lược lấy hạ tầng làm đòn bẩy khai thác thế mạnh, Ninh Thuận đã thực hiện quy hoạch mở rộng không gian đô thị Phan Rang - Tháp Chàm về hướng Đông bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư tiền hành đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị. Điển hình trong số đó chính là Dự án Khu Đô thị du lịch biển Bình Sơn (25 ha, tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng) và Khu đô thị Đông Bắc (khu K1, Quảng trường 16/4, diện tích 60 ha, vốn đầu tư 800 tỷ đồng) do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thành Đông làm chủ đầu tư. Cả hai dự án trên đều là những dự án thuộc Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các dự án này là hạt nhân cho mục tiêu phát triển mở rộng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trở thành thành phố biển nghỉ dưỡng xanh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Dự kiến sau khi hoàn thành, các khu vực chính của dự án gồm: khu vui chơi giải trí và khu vườn tượng, khu đô thị du lịch biển có các khách sạn cao cấp, căn hộ và biệt thự biển và khu đô thị xanh sẽ đem đến diện mạo mới cho thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Ông Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết:“Việc huy động nguồn vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông đô thị là một hướng đi đúng đắn của tỉnh hiện nay. Điều này không chỉ tạo tiền đề cho việc phát triển du lịch biển, mà quan trọng hơn, một hạ tầng đồng bộ sẽ giúp Ninh Thuận trở thành một điểm đến hấp dẫn và không thể bỏ qua trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Hoa Sen muốn đầu tư 3,8 tỷ USD xây khu liên hợp luyện cán thép tại Ninh Thuận
Dự án dự kiến có diện tích trên 1.700 ha, công suất thiết kế tối đa 6 triệu tấn/năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư