Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nổ mìn khai thác đá tại TP. Đà Nẵng: Người dân sống dưới gầm thảm họa
Ngọc Tân - 19/03/2016 19:39
 
Nhiều năm qua, người dân sinh sống tại Khu đô thị Phước Lý (thuộc địa phận 2 phường Hoà An, Hoà Phát - quận Cẩm Lệ và phường Hoà Minh - quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) liên tục gửi đơn kêu cứu trước tình trạng ô nhiễm môi trường do tình trạng khai thác đá tại núi Phước Tường gây ra.

Đe dọa an toàn của người dân

Mặc dù đã quá thời hạn mà TP. Đà Nẵng thông báo là sẽ đóng cửa các mỏ đá tại núi Phước Tường, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên và phản ánh của các hộ dân, hiện tại hoạt động sản xuất xay nghiền đá vẫn diễn ra bình thường ở khu vực này. Các xe ô tô tải vẫn ra vào khu mỏ đá như mọi ngày để vận chuyển vật liệu.

Ông Phạm Đình Phúc, một cư dân  ở Khu đô thị (KĐT) Phước Lý nói: “Mỗi lần họ báo còi hú cái là nổ mìn. Nổ bự (to) lắm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân ghê gớm. Nếu cứ tình trạng nổ mìn xảy ra liên tục như thế thì sợ rằng sẽ hỏng chân núi, đến mùa mưa sập núi, đất đá sẽ trôi xuống khu dân cư”.

Người dân tại Khu đô thị Phước Lý nơm nớp lo sợ khi các mỏ đá trên núi Phước Tường vẫn đang khai thác
Người dân tại Khu đô thị Phước Lý nơm nớp lo sợ khi các mỏ đá trên núi Phước Tường vẫn đang khai thác

Một người dân khác là chị Hoàng Thị Trang cho biết, gia đình chị mua lô đất tại KĐT này từ 3 năm trước, lúc đó mặc dù khá lo lắng vì lô đất nằm sát mỏ đá, tuy nhiên, chủ đầu tư đã trấn an rằng các mỏ đá hoạt động tại đây sẽ đóng cửa khi người dân vào sinh sống. Nhưng rồi từ đó đến nay, các mỏ đá vẫn hoạt động, gây ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và an toàn cho cư dân.

“Mỗi khi họ nổ mìn là nhà cửa rung lên bần bật, khói bụi mờ mịt bay xuống phủ đầy nhà. Nhà mình đóng cửa suốt ngày, vậy mà trong nhà khi nào cũng có bụi bám vào. Cháu nhỏ nhà mình do hít phải bụi cứ bị sổ mũi quanh năm. Họ không những nổ mìn mà còn xay đá từ 4 h sáng cho đến 10 h đêm”, chị Trang cho biết.

Không chỉ gây ra tình trạng ô nhiễm, hoạt động khai thác các mỏ đá tại khu vực núi Phước Tường hiện nay cũng gây ra nguy cơ mất an toàn giao thông. “Các phương tiện vận chuyển đá thường xuyên làm rơi vãi đá, bụi đá xuống đường do không được che chắn. Tốc độ tham gia giao thông của các xe vận chuyển đá là khá nhanh, việc này đã diễn ra nhiều năm gây bức xúc trong nhân dân”, ông Nguyễn Nam Vũ, Phó chủ tịch UBND phường Hoà Phát (quận Cẩm Lệ) cho biết.

Doanh nghiệp kêu khó

Được biết, tại khu vực núi Phước Tường có 7 đơn vị đang hoạt động khai thác đá, gần khu vực KĐT Phước Lý có 3 đơn vị gồm: Công ty cổ phần Đá xây dựng Hòa Phát (mỏ đá Hòa Phát); Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng (mỏ đá Phước Tường); Công ty TNHH Nho Chiến (mỏ đá Phước Lý).

Trước phản ánh liên tục của người dân, vào ngày 6/4/2015, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu 3 đơn vị trên đến ngày 31/12/2015 phải dừng hẳn mọi hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển đá và có trách nhiệm lập đầy đủ thủ tục đóng cửa mỏ, di dời toàn bộ thiết bị liên quan ra khỏi khu vực; đồng thời tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực theo đúng quy định.

Theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, UBND Thành phố đã có chủ trương đóng cửa các mỏ đá gây ảnh hưởng đến khu dân cư Phước Lý vào cuối năm 2015. Việc hoạt động nghiền đá tại đây hiện nay chỉ là tiến hành thu dọn lượng đá còn tồn đọng và sẽ di dời địa điểm khai thác đến vị trí mới.

Ông Nguyễn Nho Chắn, Giám đốc Công ty TNHH Nho Chiến, một trong 3 mỏ đá bị yêu cầu dừng hoạt động cho rằng: “Các mỏ đá ở đây tồn tại từ lâu rồi, có mỏ đá như mỏ Hoà Phát tồn tại hơn 40 năm, giờ không phải tự nhiên mà xoá bỏ ngay được. Chúng tôi cũng nhất trí chủ trương di dời mỏ đá của Thành phố thôi, nhưng không phải nói di dời là đi ngay được. Vốn liếng đầu tư, vật liệu, máy móc thiết bị giờ di chuyển đi không phải ngày một ngày hai mà xong”. Theo ông Chắn, hiện nay Công ty Nho Chiến đang lên phương án di chuyển máy móc, hệ thống băng chuyền xay nghiền đá vào sát mỏ đá Phước Lý, cách khu dân cư gần 1 km về hướng Tây Bắc. Vị trí mới nằm ở giữa 2 khe núi nên sẽ hạn chế được khói bụi và ô nhiễm, phương án này trước đây cũng đã được các cơ quan chức năng xem xét và nhất trí.

Cũng theo ông Chắn, núi Phước Tường là khu vực có nguồn vật liệu đá xây dựng chất lượng tốt nhất tại Đà Nẵng, có thể đáp ứng việc thi công các công trình quan trọng. Nếu các mỏ đá di chuyển lên các khu vực núi khác thì chất lượng vật liệu sẽ không đảm bảo, ngoài ra doanh nghiệp sẽ tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc để có thể đưa vào hoạt động một mỏ đá mới. Ông Chắn cho rằng, khi quy hoạch KĐT Phước Lý, cơ quan quy hoạch đã không tính đến việc quy hoạch này chồng lên quy hoạch mỏ khai thác đá, để bây giờ doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả.

Đối lập quan điểm này, ông Đặng Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung (DMT), đơn vị chủ đầu tư Dự án KĐT Phước Lý cho rằng, việc quy hoạch xây dựng KĐT Phước Lý là chủ trương lớn của Thành phố trong việc giải quyết tình trạng đô thị hoá. “Nói quy hoạch đô thị chồng lên mỏ đá là không đúng. Hiện nay, tốc độ đô thị hoá của Đà Nẵng đã diễn ra nhanh hơn trước đây rất nhiều, các doanh nghiệp cũng nên thông cảm với Thành phố. Đà Nẵng đang hướng đến thành phố môi trường, thành phố đáng sống, nếu cứ để các mỏ đá nằm sát khu dân cư thì không được”, ông Bình nhấn mạnh.

Đà Nẵng chốt phương án di dời ga đường sắt
Sáng 15/3, đại diện tư vấn của Ngân hàng thế giới đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư