Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nợ xấu “bừng tỉnh”
Hà Tâm - 13/05/2015 11:34
 
Nhiều lo lắng đang đổ dồn về nợ xấu, khi số lượng nợ xấu dự báo tăng mạnh trong quý II/2015. Trong khi đó, các “cửa” xử lý vẫn chưa có gì sáng sủa.

157.000 tỷ đồng có nguy cơ trở thành nợ xấu

Số liệu mới nhất về nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước cập nhật mới đến tháng 1/2015, song đã cho thấy, nợ xấu đang tăng trở lại. Cụ thể, nợ xấu tháng 1/2015 ở mức 3,49%, trong khi tháng 12/2014 chỉ là 3,25%. Đáng ngại hơn, nợ xấu sẽ có nguy cơ phình nhanh trong quý II/2015, bởi Quyết định 780/2012/QĐ-NHNN (Quyết định 780) về cơ cấu nợ đã hết hiệu lực từ ngày 1/4/2015, trong khi việc phân loại nợ sẽ được siết chặt theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN.

Nợ xấu ngân hàng đang đứng trước nguy cơ bùng phát. Ảnh: Đức Thanh
Nợ xấu ngân hàng đang đứng trước nguy cơ bùng phát. Ảnh: Đức Thanh

 

Các chuyên gia dự báo, ngay sau khi Quyết định 780 kết thúc, nhiều khoản nợ từ nhóm 1, nhóm 2 sẽ được chuyển sang nợ xấu (nhóm 3, 4 hoặc 5) trong một vài tháng tới. Điều này cũng có nghĩa, tổng nợ xấu của toàn hệ thống sẽ tăng mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh nhận định: “Khi Quyết định 780 hết hiệu lực và những chuẩn mực mới về tính toán nợ theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN được áp dụng, thì nợ xấu sẽ tăng lên”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tiết lộ: “Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đang ôm “bom nổ chậm”, bởi những khoản nợ được cơ cấu lại trước đây đang dần quay lại bảng nợ xấu. Trên thực tế, thời gian qua, số doanh nghiệp được ngân hàng tái cơ cấu nợ theo Quyết định 780 khỏe lên không nhiều”.

Trước đó, năm 2012, hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu đã được giải cứu khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 780 cho phép các tổ chức tín dụng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Tuy nhiên, phương thuốc “gửi nợ cho tương lai” đã chính thức hết tác dụng.

Tháng 9/2014, trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, trong tổng số nợ cơ cấu lại hơn 300.000 tỷ đồng, có khoảng 157.000 tỷ đồng nếu không cơ cấu lại nợ thì đã trở thành nợ xấu và con số này vẫn đang có nguy cơ chuyển thành nợ xấu. Hiện chưa rõ, liệu trong số 157.000 tỷ đồng này, sẽ có bao nhiêu phần trăm sẽ quay trở về nợ nhóm 3 đến nhóm 5.

Dù nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh, song nhiều chuyên gia dự đoán, năm nay, nợ xấu hoàn toàn có thể giảm về mức 3% như yêu cầu của Chính phủ, bởi Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản ấn định mức bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) của từng tổ chức tín dụng. Theo đó, đến ngày 30/6/2015, các thành viên phải bán được tối thiểu 75% “chỉ tiêu được giao” và đến ngày 30/9/2015 phải bán hết 100% số nợ xấu được giao.

Nhìn thẳng vào thực tế nợ xấu

Rất nhiều lo ngại được đưa ra khi nợ xấu đang dần được phát lộ, phình to. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, hiện là thời điểm phải nhìn thẳng vào thực tế để có những giải pháp quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu.

Cụ thể, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu cứ mãi “giam nợ”, đảo nợ, chuyển nợ ngắn hạn thành dài hạn…, thì nợ xấu dù không hiển thị, nhưng vẫn nằm yên, không được xử lý.

Ngay cả với những khoản nợ VAMC mua về, theo các chuyên gia, cũng nên có cái nhìn đúng đắn. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC là nợ đã được xử lý là không đúng, bởi khối nợ này hầu như vẫn nằm im. Tính đến cuối năm 2014, VAMC đã mua vào 140.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng chỉ xử lý được hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân mới đây tổ chức mới đây tại Nghệ An, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng bày tỏ quan điểm, Ngân hàng Nhà nước nên công khai số liệu nợ xấu để tất cả “cùng lo”, bao gồm cả số nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780 nay biến thành nợ xấu, và cả số nợ xấu bán cho VAMC.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trước khi công khai số liệu nợ xấu, điều cần thiết hiện nay là phải giải tỏa các cơ chế xử lý nợ xấu. Hiện tại, tuy một số vướng mắc của VAMC đã được tháo gỡ, như được tăng vốn điều lệ, được phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ theo giá thị trường…, song những điểm mấu chốt nhất thì lại chưa có cơ chế để xử lý, đó là các quy định liên quan đến phát mãi tài sản đảm bảo.

Được biết, hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc mua nợ xấu của Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản, song do những vướng mắc về quyền sở hữu nợ và giá cả, nên việc bán nợ mới chỉ dừng lại ở quá trình đàm phán.

Nhà đầu tư nước ngoài rất muốn mua nợ xấu
Trả lời câu hỏi của báo Đầu tư, ông Keithe Pogson, lãnh đạo cấp cao Dịch vụ tài chính ngân hàng của Ernst & Young (EY) khu vực châu Á Thái Bình Dương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư