Thứ Năm, Ngày 01 tháng 05 năm 2025,
Nơi bản cao… không còn cao nữa
Sĩ Chức - 07/11/2014 19:11
 
() Sau 4 năm (2009-2013) triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn 7 huyện miền núi (Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân và Như Xuân) đã đem lại nhiều thành quả rất đáng khích lệ cho tỉnh Thanh Hóa. Bộ mặt nông thôn mới tại các bản làng đã có nhiều thay đổi. Một vùng miền núi giàu tiềm năng đang được thức tỉnh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thanh Hóa sẽ có thêm cảng hàng không 1.000 tỷ đồng
Mường Thanh khai trương khách sạn tại Thanh Hóa
Nghi Sơn tiếp nhận và quản lý KCN Hoàng Long
Thanh Hóa yêu cầu kiểm tra, xử lý, bảo vệ thương hiệu "nem chua Thanh Hóa"

Chuyện ghi ở các xã vùng cao

Từ thị trấn Cành Nàng huyện vùng cao Bá Thước, chúng tôi đi men theo con đường nhỏ ngoằn nghèo, khúc khuỷu ven sườn núi, ngược về phía Bắc khoảng 20 km đến xã Lũng Cao (giáp xã Cù Pin, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Một bức tranh thủy mặc hiện ra trước mắt, những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ đang được bà con cấy lúa nước, xa xa thấp thoáng nếp nhà sàn lẫn trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng.

   
  Cuộc sống của người dân thị trấn Mường Lát được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ dân đã thoát nghèo  

Sau nhiều năm không ghé thăm Bá Thước, nơi đây đã thay đổi quá nhiều. Gặp lại những “chiến hữu” từng ngồi uống rượu cần thâu đêm, anh Ngân Văn Trung, nay là Phó chủ tịch UBND xã Lũng Cao tranh thủ đưa chúng tôi đi xuống bản Cao, vừa đi anh Trung vừa kể: Bản Cao là một trong 12 thôn, bản của xã trước đây rất nghèo, nhưng nay nhờ có chương trình 30a mà bà con đã biết trồng lúa, trồng ngô, nuôi lợn, gà..., nay đời sống của bà con không còn bị ám ảnh bởi cái đói, cái nghèo nữa.

Đón chúng tôi vào ngôi nhà sàn của người Thái là ông Hà Văn Phượng, Bí thư Chi bộ và ông Vi Văn Bàn, Trưởng bản Cao. Vừa pha trà, ông Bàn vừa nói: “Hôm nay, nhận được thông tin có nhà báo về công tác tại bản, nhưng anh em chúng tôi vẫn phải tranh thủ thu xếp công việc thu hoạch vụ mùa”.

Khi được hỏi bản Cao đã vận động như thế nào để bà con từ bỏ những phong tục lạc hậu, biết đi nương, làm rẫy? Trầm ngâm một lúc, ông Phượng nói: “Người dân bản Cao chúng tôi trước kia đói lắm, nhưng nhờ có Đảng, có Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn, lại cử cán bộ về hướng dẫn cách làm, cách nuôi, được bà con tin yêu, nên đã nghe theo lời cán bộ, từ bỏ cái cũ, cái xấu, biết trồng cây lúa, nuôi con lợn, con gà, biết đi nương làm cái rẫy”.

   
  Uống rượu cần tại bản Cao  

Đồng tình với nhận định của ông Phượng, ông Trung cho biết thêm, bản nghèo vùng cao không những nay đã no ấm, mà còn có cả điện chiếu sáng, có điện thoại nữa rất tiện. “Tết này, nhiều hộ bản Cao đã sắm được xe máy, tivi, có gạo, có gà, có thịt lợn nuôi để ăn Tết! Cái đói, cái nghèo không còn đeo bám bản Cao nữa”, ông Trung vui mừng cho biết.

Rời bản Cao, chúng tôi theo chân đoàn cán bộ văn phòng huyện ủy về xã Lâm Xa, một trong những xã nghèo nhất, nhì của huyện Bá Thước. Con đường hun hút với những rừng keo, tràm; đường vào xã tuy chưa được rải nhựa, nhưng cũng tương đối bằng phẳng, thi thoảng gặp những ổ voi, ổ gà do xe tải thường xuyên chở sắn của bà con về cho nhà máy, chiếc xe gầm cao cứ nhảy chồm lên, rồi lại hạ xuống

Anh Hà Văn Ban (dân tộc Mường), Chủ tịch UBND xã tiếp chúng tôi như người thân lâu ngày trở về. Sau tuần trà nóng xua đi cái lạnh buốt giá của vùng cao, anh Ban cho biết: xã Lâm Xa có hơn 1.000 hộ, chủ yếu là bà con các dân tộc Mường, Thái, Kinh sinh sống. Nhờ có chương trình 30a, bà con được hỗ trợ vốn sản xuất, được cán bộ về hướng dẫn sản xuất, nên bà con đã biết trồng lúa, trồng ngô, trồng sắn cho nhà máy, biết nuôi lợn, gà. Đời sống của bà con đã khấm khá dần lên. Đặc biệt, nhiều hộ không chỉ sản xuất giỏi, mà còn biết kinh doanh nhiều ngành nghề, như dịch vụ vận tải, xay xát, cơ khí…

Điển hình như gia đình anh Khương Văn Lương và chị Bùi Thị Dần ở thôn Vận Tải, do tận dụng được vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 8 triệu đồng và tiền hỗ trợ của Nhà nước 13,4 triệu đồng, anh chị đã đầu tư vào chăn nuôi, trồng sắn, mía và trồng rừng. Đến nay, anh chị đã trả gần hết nợ cho Ngân hàng và đã xây dựng được ngôi nhà ngói 3 gian lợp proximang trị giá 150 triệu đồng.

Trong câu chuyện, chị Dần tâm sự: “Trước kia gia đình tôi đói lắm, đến nay, tôi vẫn còn nhớ cái mùi gây gây củ sắn mỗi ngày trong bếp lửa; lẫn trong cái đói nghèo, cùng cực. Khi được hỗ trợ vốn làm ăn từ các chương trình chính sách, gia đình đã biết kết hợp giữa trồng rừng, trồng lúa và chăn nuôi. Nhờ có Đảng, Nhà nước và các cơ quan, doanh nghiệp đã hết sức quan tâm gia đình tôi mới có được như ngày hôm nay, nên nay gia đình tôi đã xin rút khỏi diện hộ nghèo để các gia đình khác có điều kiện vay vốn phát triển sản xuất”.

Xây dựng nông thôn mới

Tạm biệt Bá Thước, chúng tôi lại tiếp tục rong ruổi lên huyện vùng cao Mường Lát, nơi tận cùng phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Đường lên xứ Mường nay đã được đổ nhựa phẳng lỳ, chốc chốc lại gặp những cô gái Mường, Thái đi rừng về gùi những cây măng rừng, những bó củi trên lưng.

Từ thị trấn Mường Lát, tiếp tục hành trình “Tây tiến” trên con đường dài hơn 40 km đến với Mường Chanh, một xã tận cùng của tỉnh Thanh Hóa, nơi tiếp giáp với Lào. Bên đường, những nương ngô xanh bạt ngàn, xen giữ những rừng xoan đào, lát hoa đã góp phần phủ xanh lại những vạt rừng trơ trụi, cháy xém trước kia. Bản làng của đồng bào Mông, Thái, Dao, Khơ Mú thấp thoáng trong nắng sớm.

Sau gần một giờ đồng hồ uốn lượn theo các triền núi, Mường Chanh đã hiện ra phía cuối con dốc. Dọc con đường dẫn vào trung tâm xã ken dày các hàng quán. Một khung cảnh nhộn nhịp mà tôi tưởng chỉ có ở một xã miền xuôi.

Đón chúng tôi ngay đầu bậc tam cấp trụ sở, ông Lương Đức Sang, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh cho biết, xã có 9 bản nằm trải rộng trên diện tích hơn 65.000 ha dọc biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa - phăn của nước bạn Lào. Tuy vậy, hơn 3.200 nhân khẩu của xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, một số ít là đồng bào người Khơ mú.

Trong câu chuyện, ông Sang nhớ lại, chỉ cách đây chừng 5 - 6 năm, cuộc sống của người dân nơi đây còn ngập chìm trong muôn vàn khốn khó. Con đường dẫn vào bản chưa được như bây giờ, muốn ra hay vào trung tâm phố huyện, cán bộ và bà con phải đi bộ mất non một ngày đường rừng. Nhiều khi chỉ cần một một trận mưa lớn là mọi liên lạc với thế giới bên ngoài xem như bị cắt đứt. “Đến hẹn lại lên”, mùa giáp hạt năm nào bà con dân bản cũng lả đi vì đói. Những đôi chân trần của trẻ thơ bầm máu vì phải theo cha mẹ lên rẫy, thay vì cắp sách đến trường…, khó khăn nói sao cho hết.

Nhờ Đảng, Nhà nước và các cơ quan, doanh nghiệp đã hết sức quan tâm, hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội (134, 135, Chương trình 30a…) đến với các huyện vùng cao, đã và đang góp phần làm thay đổi đời sống của đồng bào nơi đây một cách toàn diện và rõ nét. Từ một xã vùng biên nghèo, bà con Mường Chanh nhận được sự hỗ trợ đã vươn lên, tự chủ được lương thực, phát triển chăn nuôi, có thể sắm sửa được tivi, xe máy, có điện chiếu sáng…, trẻ em trong độ tuổi đi học đã được cắp sách tới trường.

Cũng từ cơ sở đó, Mường Chanh vươn lên, phấn đấu xây dựng trở thành một xã điểm, tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại miền núi. Đến nay, xã đã làm xong chi tiết quy hoạch tổng thể và đang bắt tay vào quy hoạch chi tiết từng hạng mục. Khởi điểm, Mường Chanh đã đạt được 2 tiêu chí cơ bản là an ninh trật tự và hệ thống chính trị vững mạnh. Trong năm 2012, xã hoàn thành thêm 3 tiêu chí: điện, nước sạch và y tế. Phấn đấu đến năm 2015, xây dựng xong 12/19 tiêu chí.

Ông chủ tịch xã vùng biên, trong cái cái bắt tay thật chặt như lời cam kết: “Người dân vùng cao chúng tôi rất xem trọng lời hứa. Ở  đây, lời hứa không chỉ đơn giản là làm cho qua chuyện, mà nó còn mang cả niềm hy vọng về một sự thay đổi lớn lao đối với bà con đồng bào vùng cao - điều mà chưa xã vùng biên nào của Thanh Hóa làm được từ trước đến nay”, ông Sang chia sẻ.

Thay lời kết

Chia tay người dân Xứ Mường với chén rượu cần nồng ấm đặc trưng của xứ rượu vừa ngọt ngọt, lại vừa chua chua. Dưới bóng chiều tà, mặt trời chiếu những tia nắng qua những ngọn đồi nhấp nhô, xa xa những nóc nhà sàn cuộn lên những ngọn khói chiều. Trong lòng tôi lại nhớ đến những câu nói của chị Dần, anh Phượng, anh Bàn...: “Cám ơn Đảng, cám ơn Nhà nước, cám ơn Nghị quyết 30a. Đến nay gia đình tôi, thôn bản tôi đã không còn cái đói, cái nghèo theo bám nữa...”.

Các bản làng vùng cao Xứ Thanh đang từng ngày thay da, đổi thịt. Đó là hiệu quả mang lại từ những chương trình hỗ trợ cụ thể mà Đảng và Nhà nước đã dành cho đồng bào. Đặc biệt, ở đó đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng các doanh nghiệp và các tổ chức.n

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư