Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nỗi buồn quy hoạch
Hà Nguyễn - 15/11/2013 14:04
 
Chuyện Chính phủ đề nghị loại bỏ 424 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án, đang làm nóng nghị trường Quốc hội, đồng thời làm tăng nỗi lo của dư luận về chất lượng làm quy hoạch. >>>
TIN LIÊN QUAN

Đành rằng, như Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nói, quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ, chỉ mang tính định hướng, không phải là quy hoạch bất biến, cố định, mà mang tính động và mở, nên qua từng thời kỳ có thể rà soát, sửa đổi, nhưng cũng hoàn toàn có lý khi các đại biểu Quốc hội bức xúc trước tình trạng thủy điện mọc lên như nấm và loại bỏ… “cũng như nấm”. 424 dự án bị loại bỏ, chiếm 34% số lượng dự án hiện nằm trong quy hoạch, là một con số quá lớn.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng

Cũng đành rằng, như khẳng định của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, không có căn cứ về việc dừng các dự án thủy điện sẽ gây tổn thất cho nhà đầu tư, trừ hai dự án Đồng Nai 6 và 6A, “phí” khoảng 12 tỷ đồng, song không thể nói “không có thiệt hại gì” cho Nhà nước và xã hội.

Còn chi phí cho xây dựng, rồi lại phải tổ chức rà soát quy hoạch và cả những chi phí cơ hội khi quy hoạch treo nhiều năm để đấy không triển khai…

Cách đây ít ngày, khi thảo luận Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, có đại biểu Quốc hội cũng đã than rằng, đừng để người dân khổ vì quy hoạch nữa. Chỉ một ví dụ rằng, Làng đại học Đà Nẵng sau 17 năm vào quy hoạch vẫn chỉ là kế hoạch trên giấy, khiến người dân trong vùng quy hoạch đi không được, ở không xong, xây nhà không được cấp phép và buộc phải sống trong những ngôi nhà không ra nhà…, cũng đủ cho thấy những thiệt hại vô kể khi quy hoạch treo kéo dài.

Ai chịu trách nhiệm cho những lãng phí này?

Và không chỉ là lãng phí. Một khi chất lượng quy hoạch còn yếu kém, khó có thể có một ngành hay lĩnh vực nào đó được phát triển đúng tầm, ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

Thực tế, những bất cập của công tác quy hoạch không phải bây giờ mới được nói tới và cũng không chỉ trong lĩnh vực thủy điện. Quy hoạch sắt thép, xi măng, điện, sân bay, cảng biển… đều có vấn đề. Vậy nên, mới lạm phát cảng biển, thừa mứa xi măng, sắt thép…

Manh mún, chắp vá, thiếu tính liên kết, thiếu tầm nhìn xa, thậm chí đôi khi không khả thi… là những điều mà dư luận thường nói về chất lượng của các loại quy hoạch, bao gồm cả quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội…

Bất cập không chỉ xuất hiện trong khâu lập quy hoạch, mà còn cả trong khâu thực thi. Đầu tư phá vỡ quy hoạch là một thực tế nan giải đối với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong thời gian qua.

Bởi thế, đổi mới công tác lập quy hoạch, xây dựng một Luật Quy hoạch là những đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn, để không bao giờ phải có những “nỗi buồn quy hoạch”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư