Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
“Nội chiến” tại Dự án Roxana Plaza: “Thượng đế”... bỗng thành nạn nhân
Ngô Nguyên - 30/06/2022 07:45
 
“Nội chiến” tại Dự án Roxana Plaza (Bình Dương) lên tới mức “sinh tử” khi cả 2 nhóm cổ đông cùng tố tới cơ quan công an để quyết đưa nhau vào tội danh hình sự.
Hàng trăm khách hàng của Dự án Roxana Plaza bỗng trở thành nạn nhân nên bức xúc kéo nhau đi kêu cứu
Hàng trăm khách hàng của Dự án Roxana Plaza bỗng trở thành nạn nhân nên bức xúc kéo nhau đi kêu cứu.

Phán xử sai - đúng dành cơ quan có thẩm quyền, nhưng việc để cuộc nội chiến biến khách hàng thành nạn nhân khi chưa nhận được nhà, khi còn phải gồng mình trả lãi ngân hàng là điều không thể chấp nhận.

Dự án bất động sản bỗng bất động

Dự án Roxana Plaza (tổ hợp căn hộ, văn phòng nhà cao tầng tại phường Vĩnh Phú (TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) được Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh này cấp chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần 1 ngày 10/6/2020 cho Công ty TNHH Xây dựng, dịch vụ thương mại đầu tư bất động sản Tường Phong (Công ty Tường Phong).

Vào tháng 4/2017, Công ty Tường Phong ký kết Hợp đồng hợp tác với ông Nguyễn Anh Đào (Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Viethome, Chủ tịch HĐQT Công ty Naviland) để thành lập một công ty mới nhằm phát triển Dự án với tỷ lệ: Công ty Tường Phong do ông Lầu Nam Tường làm đại diện góp vốn bằng Dự án Roxana Plaza (giá trị 80 tỷ đồng), ông Đào góp vốn 10 tỷ đồng bằng tiền mặt (chia thành 2 đợt) và đảm bảo việc huy động vốn dự kiến là 507 tỷ đồng và cả khối lượng phát sinh theo thực tế, nếu không huy động đủ phải bỏ tiền cá nhân vào cho đủ để xây dựng hoàn thành dự án bàn giao cho khách. Mỗi bên sẽ được 50% lợi nhuận.

Sở xây dựng Bình Dương: Công ty Tường Phong chịu trách nhiệm toàn bộ về Dự án

Mới đây (ngày 20/6), tại cuộc họp cùng cư dân mua căn hộ tại Dự án, Trưởng phòng Quản lý nhà (Sở Xây dựng Bình Dương) khẳng định, không có bất cứ văn bản nào của tỉnh cho phép Naviland là chủ đầu tư hay có liên quan gì đến Dự án. Việc hợp tác giữa Naviland và Công ty Tường Phong sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng về mặt pháp lý, chịu trách nhiệm toàn bộ về dự án là Công ty Tường Phong. Để giải quyết nút thắt đảm bảo quyền lợi cho cư dân, chỉ cần chủ đầu tư tích cực tổ chức cuộc họp 3 bên gồm Công ty Tường Phong, Công ty Naviland và cư dân, cùng đi đến thống nhất, có văn bản gửi, Sở Xây dựng sẽ cấp phép mở bán.

Sau đó, Naviland của ông Đào được 2 bên dùng làm công ty mới với tỷ lệ góp vốn: Công ty Tường Phong sở hữu 51% cổ phần do bà Sỳ Cún Lìn là Chủ tịch HĐQT; ông Đào sở hữu 48% cổ phần và vợ ông là bà Dương Thị Phương Tuyền sở hữu 1% cổ phần, đồng thời là người đại diện theo pháp luật Naviland. Viethome là đơn vị được các bên giao độc quyền phân phối dự án.

Khoảng năm 2018, Naviland đứng ra ký hợp đồng mua bán với khách hàng cùng cam kết bàn giao căn hộ vào cuối tháng 12/2020 hoặc trễ hơn trong giới hạn cho phép là 180 ngày. Giá bán thời điểm này từ gần 800 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng/căn tùy vị trí.

Đến tháng 5/2021, Naviland gửi thông báo sẽ chuyển thời hạn bàn giao nhà vào khoảng thời gian từ tháng 8/2021 đến tháng 3/2022. Nhưng tới giờ này, người mua vẫn không nhận được nhà.  Nguyên nhân, tại buổi họp mặt nhóm khách hàng tháng 6/2021, Naviland thông tin nội bộ Công ty có mâu thuẫn, nên Dự án sẽ tạm ngưng xây dựng vô thời hạn và sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết tranh chấp nội bộ. 

Quyết đưa nhau vào tội danh hình sự

Hồ sơ của chúng tôi thể hiện, hiện Naviland có “hai phe” cổ đông gồm: Phía Công ty Tường Phong là ông Tường và vợ ông là bà Liên; phía Công ty Naviland (cũ) là ông Đào và vợ là bà Tuyền. 2 phe cùng làm đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng (bao gồm cả công an), “đấu” nhau đến mức “sinh tử” giành quyền đối với Dự án.

Cụ thể, trong tố cáo tới cả Bộ Công an, bà Liên cho rằng, ông Đào không những không đảm bảo việc góp vốn (10 tỷ đồng) theo hợp đồng hợp tác, mà còn chiếm đoạt. Bằng chứng, ngày 19/9/2019, Công ty Tường Phong đã chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của ông Đào 10 tỷ đồng để hoàn trả phần tiền cá nhân ông đã góp vốn kinh doanh Dự án. Tuy nhiên, sau này rà soát hồ sơ chứng từ tại Naviland thì phía không thấy số tiền này từ ông Nguyễn Anh Đào đưa vào. Trong năm 2021, Chủ tịch HĐQT Naviland là ông Lầu Nam Tường ký nhiều thư yêu cầu gửi ông Đào đề nghị góp vốn nhưng cũng không được.

Bộ Công an yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Bình Dương vào cuộc

Văn phòng Bộ công an vừa có Văn bản số 394/PC-C01 (P1) ngày 9/6/2022 chuyển đơn của bà Phạm Thị Ngọc Liên tới Cơ quản cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương yêu cầu giải quyết và báo cáo kết quả cho Văn phòng Bộ công an. Theo đơn, bà Phạm Thị Ngọc Liên cho rằng, vợ chồng ông Nguyễn Anh Đào bà Dương Thị Phương Tuyền có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tiêu hủy con dấu, tài liệu thông qua việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh chuyển nhượng Dự án Roxana Plaza.

Cũng theo bà Liên, khi mới hợp tác, để thuận tiện cho việc hợp tác kinh doanh, tháng 4/2017, Công ty Tường Phong đã ký Hợp đồng số 02/2017/HĐCNDA chuyển nhượng Dự án cho Naviland (cũ). Sau khi có được Hợp đồng hợp tác kinh doanh và Hợp đồng chuyển nhượng Dự án, nhóm ông Đào và bà Tuyền với lý do thuận tiện thực hiện Dự án, Công ty Tường Phong ký đến 2 Hợp đồng ủy quyền cho Naviland, nhưng 2 người đứng tên khác nhau làm đại diện là bà Tuyền và ông Nguyễn Huy Linh (em trai ông Đào); Đến ngày 18/8/2017 Công ty Tường Phong đã ký Hợp đồng số 02/2017/HĐDV Hợp đồng dịch vụ Phân phối độc quyền Dự án với Viethome (do ông Đào làm Tổng giám đốc). Nhưng cùng ngày 18/8/2017, Naviland do bà Tuyền làm đại diện lại ký một hợp đồng tương tự với Viethome do ông Đào làm đại diện.

“Tại thời điểm đó, Dự án đã bị ông Đào bà Tuyền chiếm quyền kiểm soát, trong khi không thực hiện cam kết, góp vốn theo hợp đồng hợp tác”, bà Liên nêu.

Bà Liên còn tố bà Tuyền, ông Đào đã tự ý chiếm đoạt của Naviland (mới) hơn 130 tỷ đồng tiền phí môi giới chuyển nhượng căn hộ, từ việc bán hơn 1.000 căn hộ và 1 shophouse thuộc Dự án.

Mặt khác, trong 3 năm (2018, 2019, 2020) Naviland có phát sinh doanh thu số tiền hơn 772 tỷ đồng từ việc bán hơn 1.000 căn hộ. Bà Tuyền có kê khai số tiền này với cơ quan thuế, tuy nhiên, chưa thực hiện nộp thuế; không kê khai thuế GTGT theo số tiền đã thu được từ việc bán hơn 1.000 căn hộ.

Ngược lại, phía ông Đào thì đâm đơn (kể cả tới công an tỉnh Bình Dương) cho rằng, đã chuyển hơn 7,2 tỷ đồng cho Công ty Tường Phong để góp vốn theo hợp đồng hợp tác.

Ngoài ra, sau khi hình thành Naviland mới, do phía Công ty Tường Phong cần nguồn tiền để trả nợ, nên hai bên đã đi đến ký kết Hợp đồng số 02/2017/HĐCNDA ngày 18/4/2017 nội dung: Công ty Tường Phong bán Dự án Roxana Plaza cho Naviland với giá 80 tỷ đồng. Naviland đã thanh toán 2 đợt tổng hơn 80 tỷ đồng như cam kết, nhưng Công ty Tường Phong vẫn không chuyển nhượng Dự án.

Việc Naviland ký kết các hợp đồng thiết kế, tư vấn, huy động vốn là được chấp thuận bởi Công ty Tường Phong khi ký Hợp đồng ủy quyền ngày 27/7/2017 nhằm đảm bảo từng bước thực hiện chuyển nhượng dự án.

Ông Đào còn cho rằng, ông Tường và bà Liên mới là phía kiểm soát Naviland. Ông Tường bà Liên lấy tư cách là cổ đông chi phối, Chủ tịch HĐQT chỉ đạo Naviland (do vợ ông Đào là đại diện pháp luật) ký giao tổng thầu cho Công ty CP KHC Group (KHC group do chính ông Tường là Chủ tịch và vợ là bà Liên là Tổng giám đốc), với tổng các gói thầu lên đến hơn 716 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với cam kết và so với giá trị của các công trình tương ứng tại thời điểm ký.

Công ty Tường Phong còn lập ra Công ty CP KHC Việt Vượng (Vvcons) do bà Sỳ Cún Lìn (mẹ ông Tường làm đại diện pháp luật) để nhận thầu lại từ KHC group. Sau đó Vvcons lại giao cho các nhà thầu phụ khác làm. Mặc dù ứng lượng tiền rất lớn từ Naviland và thi công đến đâu Naviland thanh toán đến đó, nhưng phía KHC Group, Vvcons không trả tiền cho các nhà thầu phụ, nên các nhà thầu phải dừng xây dựng.

Ông Nguyễn Anh Đào cũng tố, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 22/01/2021 đã thống nhất chuyển nhượng lại cổ phần của mình tại Naviland cho Công ty Tường Phong. Tuy nhiên, sau khi nhận bàn giao xong hồ sơ thì phía Công ty Tường Phong lại không thực hiện đúng cam kết.

Ông Đào còn tố, phía Công ty Tường Phong đã làm giả tài liệu (Biên bản họp ĐHĐCĐ; Quyết định số 01/QĐ-HĐQT của ĐHĐCĐ ngày 9/4/2021; Giấy ủy quyền ngày 9/4/2021) để chiếm đoạt vị trí đại diện pháp luật Naviland; cung cấp tài liệu giả cho công an…

Phải nhanh chóng cứu “thượng đế”

Theo hồ sơ của chúng tôi, tổng cộng đã có hơn 1.000 căn hộ đã được ký hợp đồng bán và khách hàng đã đóng tiền thậm chí đến 70% giá trị hợp đồng, nhưng đều chưa nhận được nhà. 

Bỏ tiền ra đầu tư mua căn hộ, nay bởi chuyện mâu thuẫn nội bộ của doanh nghiệp mà tê liệt và đặc biệt với việc Naviland được xác định không đủ điều kiện để ký kết mua bán (tháng 11/2021 UBND tỉnh Bình Dương xử phạt Naviland số tiền 275 triệu đồng do đưa vào kinh doanh dự án khi chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện, vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản) dễ dẫn tới hợp đồng bị vô hiệu, hàng trăm người mua nhà vô cùng bức xúc.

Tại buổi làm việc mới đây với người mua căn hộ tại Dự án, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho hay, cơ quan này đã nhận hàng trăm đơn kêu cứu.

Không chỉ vậy, suốt thời gian qua, hàng tuần, hàng trăm khách hàng căng băng-rôn kéo nhau đi tới các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương kêu cứu, đòi nhà, tạo thành điểm nóng của tỉnh.

Nguồn tin chúng tôi cho thấy, Công an Bình Dương đã vào cuộc xác minh tố cáo của các bên, nên phán quyết đúng sai dành cho cơ quan có thẩm quyền. Dù thế nào, cơ quan chức năng vẫn phải nhanh chóng có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà, bởi họ không phải là người gây nên chuyện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư