Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Nới trần làm thêm giờ qua lý lẽ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Nguyễn Lê - 10/03/2022 14:38
 
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về đề xuất nới trần làm thêm giờ.
.
Theo quy định hiện hành tại Điều 107 Bộ luật Lao động, doanh nghiệp được phép sử dụng người lao động trên cơ sở thoả thuận để làm thêm giờ không quá 4 giờ/ngày (Ảnh minh hoạ).

Việc đề xuất tăng giới hạn làm thêm giờ từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng là một nội dung cấp bách phù hợp với nguyện vọng của doanh nghiệp và người lao động trên nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, theo lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét  việc ban hành Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động vào chiều 10/3, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Nâng lên 72 giờ là chấp nhận được

Về nâng giới hạn làm thêm giờ trong 1 tháng từ 40 giờ lên 72 giờ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thời gian qua đã nhận được đề nghị của nhiều ngành, hiệp hội doanh nghiệp đề nghị nâng giới hạn làm thêm trong tháng, thậm chí đề nghị bỏ giới hạn làm thêm trong tháng, do đã có giới hạn làm thêm trong ngày trong năm.

Theo quy định hiện hành tại Điều 107 Bộ luật Lao động, doanh nghiệp được phép sử dụng người lao động trên cơ sở thoả thuận để làm thêm giờ không quá 4 giờ/ngày. Giả sử bỏ quy định giới hạn làm thêm giờ trong tháng, theo quy định giờ làm thêm tối đa trong ngày, mỗi tháng người lao động cũng chỉ làm thêm tối đa được 104 giờ/tháng (ứng với 26 ngày công). Như vậy, mức 72 giờ/tháng được xem là ở mức trung bình của đề xuất trên (104 giờ/tháng) và quy định pháp luật hiện hành (40 giờ). 

So sánh với nhiều nước trong khu vực châu Á, Bộ cho rằng, mức đề xuất như trên là có thể chấp nhận được. Mặt khác, Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng ngắn hạn, có tính thời điểm cấp bách để giải quyết tình thế trong vài tháng, đến hết 31/12/2022.

Như vậy, nếu dự thảo Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong tháng 3/2022 thì cũng chỉ còn thời gian áp dụng trong vòng 9 tháng và giả sử doanh nghiệp chưa sử dụng quỹ thời gian làm thêm giờ những tháng đầu năm 2022 thì tổng thời gian doanh nghiệp áp dụng giới hạn làm thêm giờ không quá 72 giờ/tháng tối đa không quá 4 tháng. Còn nếu tính trung bình số thời gian làm thêm theo ngày là 72 giờ/26 ngày = 2,7 giờ làm thêm/ngày, vẫn thấp hơn giới hạn cho phép theo quy định hiện hành là không quá 4 giờ làm thêm/ngày nên vẫn bảo đảm sức khoẻ làm việc của người lao động.

"Tóm lại, việc đề xuất tăng giới hạn làm thêm giờ từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng là một nội dung cấp bách và cần thiết trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, được tính toán phù hợp, có so sánh, đối chiếu với giới hạn làm thêm giờ của các nước trên thế giới, được áp dụng trong khoảng thời gian rất ngắn (hết 31/12/2022, sau đó được thực hiện bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành), có tính chất thời điểm cấp bách, để giải quyết tình thế do thiếu hụt lực lượng lao động cục bộ, ngắn hạn tại các khu vực sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, phù hợp với nguyện vọng của doanh nghiệp và người lao động trên nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", báo cáo nêu rõ.

Cần thiết "mở toang"cho tất cả các ngành nghề

Quá trình thẩm tra, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng áp dụng mức 300 giờ làm thêm trong năm với tất cả các ngành, nghề, công việc mà không có sự phân biệt tính chất đặc thù với một số ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số đối tượng lao động đặc biệt…(theo hướng loại trừ) hoặc chỉ quy định các đối tượng được mở rộng (như ngành, nghề, công việc thiếu lao động cục bộ).

Lãnh đạo Bộ giải trình, theo quy định hiện hành của Bộ luật Lao động 2019, đã có nhiều ngành, nghề, lĩnh vực được sử dụng lao động làm thêm không quá 300 giờ/năm như: Dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thuỷ sản, điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước; trường hợp được phép làm thêm đến 300 giờ/năm áp dụng với mọi lĩnh vực, ngành nghề như trường hợp thiếu lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao hoặc các trường hợp giải quyết công việc có tính cấp bách không thể trì hoãn, các công việc phát sinh không dự liệu trước, do thiên tai, hoả hoạn, địch hoạ, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố dây chuyền sản xuất.

Ngoài những ngành, nghề, lĩnh vực đã được quy định nêu trên, trong bối cảnh hiện nay, sự tác động nghiêm trọng, chưa có tiền lệ của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội và cộng đồng doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề chẳng hạn như giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ, xây dựng, sản xuất cơ khí, thu mua nông lâm sản, trồng trọt, chăn nuôi…

Trong khi đó, sự bùng phát của dịch bệnh có thể xảy ra tại bất kỳ doanh nghiệp nào mà không thể dự liệu trước được. Khi dịch bệnh bùng phát, người lao động phải nghỉ việc để điều trị hoặc bị cách ly y tế sẽ dẫn tới sự thiếu hụt lao động cục bộ trong thời gian ngắn, làm tăng nhu cầu sử dụng lực lượng lao động còn lại làm thêm giờ để duy trì sản xuất tại thời điểm có tính chất cấp bách, giải quyết tình thế.

Do dịch bệnh có thể xảy ra ở mọi doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề có sử dụng lao động nên việc thiếu hụt lao động cục bộ tại từng thời điểm cũng có thể xảy ra tại bất kỳ doanh nghiệp nào và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đang trong giai đoạn phải hoàn thành các hợp đồng, đơn hàng, nhất là phục vụ xuất khẩu.

Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cho rằng, cần thiết phải điều chỉnh phạm vi được phép áp dụng làm thêm giờ lên 300 giờ/năm đối với mọi đối tượng doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề có sử dụng lao động và chỉ có doanh nghiệp nào thực sự cần thiết, cấp bách và thiếu hụt lực lượng lao động cục bộ trong thời gian ngắn do dịch bệnh Covid-19 mới tổ chức làm thêm tối đa đến 300 giờ/năm để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.

Bộ cũng khẳng định việc điều chỉnh không ảnh hưởng đến việc áp dụng đối với lao động nữ cũng như những người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do thời gian làm việc và điều kiện lao động của các nhóm đối tượng này đã bị giới hạn bởi quy định tại Bộ luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động và các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

“Nới” trần giờ làm thêm: Có nên mở toang cho toàn bộ các ngành nghề
Câu hỏi "nới" trần giờ làm thêm ở mức nào để vừa hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mà vẫn bảo đảm quyền lợi chính đáng của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư