Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Nóng chuyện doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp xã hội
Hồng Sơn - Lê Toàn - 06/05/2014 15:51
 
Trong dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) hiện có thêm chương về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và có điểm mới là loại hình doanh nghiệp xã hội (DNXH). Nội dung này nhận được nhiều ý kiến góp ý tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban kinh tế (Quốc hội khóa XIII) được tổ chức sáng nay, 6/5, tại TP.HCM.
TIN LIÊN QUAN
  Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban kinh tế (Quốc hội khóa XIII) , Luật DN sử đổi  
  Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban kinh tế (Quốc hội khóa XIII) được tổ chức sáng nay, 6/5, tại TP.HCM  

TS. Trần Du Lịch cho rằng, nếu đưa chương DNNN vào Luật doanh nghiệp (sửa đổi) thì sẽ là bước thụt lùi so với Luật doanh nghiệp hiện hành.

“Đây là sân chơi chung, Nhà nước tham gia với tư cách là nhà đầu tư thì cũng phải tuân thủ luật chơi chung”, ông Lịch phân tích và dẫn chứng, hiện nay còn tình trạng công ty mẹ là DNNN, rồi đầu tư thành lập ra công ty con và thế là công ty con cũng là DNNN. Như vậy không đúng, vì nhà nước chỉ sở hữu vốn điều lệ của công ty mẹ chứ không phải sở hữu tài sản của công ty mẹ. Cách suy nghĩ này cần thay đổi…

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm UBKT của Quốc hội nêu băn khoăn về cách giải thích từ ngữ.

  Phó chủ nhiệm UBKT Nguyễn Đức Kiên  
  Phó chủ nhiệm UBKT Nguyễn Đức Kiên  

“Tôi vẫn giữ quan điểm là chỉ có loại hình doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước mới được gọi là DNNN, chứ chỉ có 51% vốn cũng gọi là DNNN thì đó là cá lớn nuốt cá bé ”, ông Kiên nói và cho rằng, trong chương DNNN còn có chỗ bất bình đẳng về lương. Đó là, về nguyên tắc lương là do chủ sở hữu trả, nhưng không nói rõ lương của DNNN có trả theo nguyên tắc thị trường, trả theo lợi nhuận hay là lấy nguồn khác…

Đồng tình với việc không nên có chương về DNNN trong dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT SaigonCo.op viện dẫn thêm, hiện nay, nhằm mục đích tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, chúng ta đã không còn sự phân biệt nhà đầu tư là doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước, tổ chức hay cá nhân…

Do đó, Luật doanh nghiệp (sửa đổi) cũng không nên có sự phân biệt doanh nghiệp có hay không có vốn Nhà nước…

Trong khi đó, với quy định về doanh nghiệp xã hội (DNXH), TS. Cao Sỹ Kiêm đánh giá đây là nội dung khá mới được đưa vào Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Tuy nhiên, ông Kiêm cũng băn khoăn là, nội dung được đề cập về DNXH chưa nhiều, chưa chi tiết.

  Ông Cao Sỹ Kiêm  
  Ông Cao Sỹ Kiêm  

“Vấn đề cần được quan tâm là, bên cạnh những ưu đãi cụ thể để cho DNXH phát triển, cũng cần có quy định đảm bảo để DNXH có sự bình đẳng, tự do cạnh tranh với các loại hình doanh nghiệp khác”, TS. Kiêm nói.

Ở chiều ngược lại, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, quy định DNXH được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế, tín dụng… lại là “rào cản” trong thực hiện, vì hiện nay chúng ta có rất nhiều sắc thuế, nhiều quy định ưu đãi tín dụng. Quy định như vậy không chỉ gây khó khăn cho ngành chức năng trong thực hiện, mà còn tạo sự thiếu bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp cũng đang được khuyến khích phát triển.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nêu ý kiến, cần có sự tách bạch giữa DNXH và các loại hình doanh nghiệp khác, nhất là DNNN có thực hiện nhiệm vụ công ích.

“Cần có những quy định chi tiết về ưu đãi trong từng thời kỳ cụ thể để tránh chuyện các doanh nghiệp lách luật, lợi dụng để hưởng ưu đãi cao nhất”, bà Ánh đề xuất.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, điểm khác biệt giữa DNXH và doanh nghiệp thông thường, đó là toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp là để giải quyết vấn đề xã hội hay môi trường. Mục tiêu, sứ mệnh này được xác định ngay từ khi thành lập, được duy trì trong suốt quá trình hoạt động; phần lớn lợi nhuận thu được sẽ được tái đầu tư trở lại để giải quyết vấn đề xã hội hay môi trường đã đăng ký…

Cũng theo Thứ trưởng Đông, do còn những bất cập trong thực tế, trong đó có vấn đề về DNXH, nên môi trường kinh doanh ở nước ta đã và đang bị đánh giá ở mức không cao trong các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (thứ hai từ phải sang), Phó Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên  
  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (thứ hai từ phải sang), Phó Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (thứ hai từ trái sang) trao đổi với các đại biểu bên lề phiên họp  

“Khảo sát thực tế và tham vấn chính sách cho thấy chủ sở hữu, người quản lý và các bên có liên quan đều mong muốn DNXH  được quy định và thừa nhận chính thức sự tồn tại về mặt pháp lý của DNXH”, Thứ trưởng Đông nói và cho rằng, qua đó có thể có những chính sách phù hợp tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển DNXH, phù hợp với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trở thành lực lượng bổ sung cho Nhà nước, đồng hành cùng Nhà nước trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường của đất nước.

Trao đổi về các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trước đây đã có Luật DNNN riêng nhưng nay đã bỏ rồi, nếu đưa vào thành một chương trong Luật doanh nghiệp (sửa đổi) là rất khó.

“Cần phải có luật cho DNNN nhưng đưa vào luật cụ thể nào thì cần phải tính toán, bàn bạc thêm”, Bộ trưởng Vinh nói và cho rằng nếu tiếp tục để lại trong Luật doanh nghiệp (sửa đổi) thì phải xem xét một cách cụ thể, thấu đáo…

Về vấn đề DNXH, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá, vì là lần đầu được đưa vào luật nên có nhiều nội dung chưa được kỹ, cần phải làm rõ hơn.

“Không phải tất cả các DNNN trong lĩnh vực công ích đều đưa vào loại hình DNXH. Không thể có chuyện lập lờ, các doanh nghiệp phải cạnh tranh bình đẳng với nhau”, Bộ trưởng Vinh nói và nhấn mạnh, DNXH chỉ là doanh nghiệp liên quan đến xã hội, không phân biệt thành phần kinh tế; các DNXH phải dành toàn bộ nguồn lực, mục tiêu để làm công tác xã hội…

TIN LIÊN QUAN
Số phận cửa hàng Pizza Hut và "người hùng Đồi Ngô"
Nhà nước có thực sự muốn thay đổi vai trò
Chấm dứt tình trạng “tay không bắt giặc”
Bỏ ghi ngành nghề kinh doanh theo điều kiện
Lập DN chỉ 3 ngày, giải thể mất ít nhất 3 tháng
Cuộc đối đầu giữa "Luật không cấm" và "Luật cho phép"

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư