Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Nóng chuyện liên kết dạy thêm, học thêm
Mộc An - 22/10/2023 19:40
 
Bước vào năm học 2023-2024, vấn đề dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, dạy liên kết trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Câu chuyện dạy thêm, học thêm đã được đề cập từ nhiều năm nay. Hiện tại, việc học thêm, dạy thêm vẫn diễn ra tràn lan và còn có nhiều biến tướng, núp dưới danh nghĩa học chính khóa hoặc tự nguyện.

Nhiều phụ huynh bức xúc vì họ và con em họ bị đẩy vào tình thế “tự nguyện bắt buộc” bằng hình thức như viết đơn “tự nguyện” để nhà trường danh chính ngôn thuận chèn tiết học liên kết vào giờ học chính khóa.

Việc liên kết với các trung tâm để dạy học trong trường, đặc biệt là xếp lịch vào cả giờ chính khóa rõ ràng làm ảnh hưởng đến vai trò, chức năng của chương trình giáo dục quốc dân, thậm chí phản giáo dục.

Bên cạnh việc lợi dụng hoạt động liên kết dạy thêm để thu tiền của phụ huynh, vấn đề chất lượng giảng dạy của các trung tâm liên kết cũng là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Một giáo viên ở Hà Nội cho hay, do liên quan đến lợi nhuận nên các đơn vị sẽ cố gắng để “trúng thầu”, không loại trừ tiêu cực nảy sinh, vì thế chất lượng cũng sẽ không được đảm bảo.

Ở một góc nhìn khác, ý kiến của một phụ huynh ở Nghệ An chia sẻ, vài năm nay, các con của phụ huynh này đang phải đóng mỗi tháng gần một triệu đồng cho việc học “tiếng Anh tăng cường” với thời lượng là 2 tiết/tuần.

Chương trình “tiếng Anh tăng cường” do một trung tâm Anh ngữ hợp tác với nhà trường để triển khai. Vị phụ huynh này cũng cho biết, hiện tại trung tâm này đang hợp tác với nhiều trường học trên địa bàn. Điều kinh ngạc là, trung tâm tiếng Anh liên kết với trường nào thì giáo viên trường ấy dạy, chứ trung tâm tiếng Anh liên kết chỉ có khoảng hơn 20 giáo viên, không thể dạy nổi chừng đó học sinh.

Thu số tiền khổng lồ hàng tỷ đồng/tháng, nhưng mỗi tiết dạy, giáo viên nhà trường chỉ được trả vài chục ngàn đồng, còn lại Trung tâm hưởng hoặc chia chác với lãnh đạo trường theo tỷ lệ đã được thoả thuận.

Vậy là, trung tâm không cần xây dựng trường lớp, không cần tuyển dụng giáo viên, chỉ việc giao dịch với hiệu trưởng các trường theo cơ chế “hai bên cùng có lợi” thì tất cả cơ sở vật chất và con người trong hệ thống giáo dục quốc dân liền biến thành công cụ thu tiền của phụ huynh một cách có hệ thống.

Để ngăn chặn vấn nạn này, nhiều địa phương đã ban hành lệnh cấm. Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định yêu cầu các trường không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh...

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, địa phương cũng quyết định tạm dừng việc liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống. Việc dạy kỹ năng sống cho học sinh vẫn được các nhà trường triển khai thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 5333/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở GDĐT về việc rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.

Nhiều địa phương cấm dạy thêm trong dịp nghỉ hè
Nhiều địa phương yêu cầu nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào, không tổ chức dạy trước chương trình,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư