Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
“Nóng” cuộc đua xây trung tâm dữ liệu
Tú Ân - 06/08/2024 14:31
 
Hàng loạt doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu (data center), đón đầu nhu cầu lưu trữ, sử dụng ngày càng lớn tại Việt Nam.

Đua xây data center

Nhu cầu các dịch vụ dữ liệu của Việt Nam ngày càng lớn. Thị trường data center Việt Nam thu hút sự đầu tư lớn của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp công nghệ như VNPT, Viettel, CMC, FPT… đang đầu tư, xây dựng phát triển các data center hiện đại, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và cung cấp các dịch vụ đẳng cấp thế giới.

Mới nhất, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Tập đoàn Công nghệ CMC thông qua chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm dữ liệu siêu quy mô (DC Hyperscale), tại Khu công nghệ cao (phường Tăng Nhơn Phú, TP. Thủ Đức). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 7.677 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất hơn 3 ha.

Trước đó, tháng 2/2022, CMC hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào kinh doanh CMC Data Center Tân Thuận, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam dự kiến đạt mức 1,03 tỷ USD vào năm 2028, hơn 1,26 tỷ USD năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8% mỗi năm. 

Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, HĐQT FPT Telecom quyết nghị chủ trương đầu tư Dự án Data Center HN03, với tổng mức đầu tư trước thuế 3.000 tỷ đồng. Dự án sẽ triển khai từ năm 2024 đến năm 2032. Hiện doanh nghiệp này có 3 data center đang vận hành và 2 data center đang xây dựng tại TP.HCM và Đà Nẵng.

Không chịu kém cạnh, Viettel vừa khánh thành Data Center Viettel Hòa Lạc, với 60.000 máy chủ, hơn 2.400 rack, 21.000 m2 mặt sàn. Đây là data center lớn nhất Việt Nam hiện nay. Viettel cũng đang đầu tư xây dựng data center tại TP.HCM, với vốn đầu tư 14.700 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động từ quý IV/2025.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel không ngừng đầu tư các data center. Theo lộ trình, tới năm 2025, Viettel sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Đến năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỷ đồng với quy mô 34.000 rack.

Mới đây, VNG hợp tác với ST Telemedia Global Data Centres (Singapore) xây data center thứ hai tại Khu chế xuất Tân Thuận. Data Center số 2 dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2026. VNPT cũng mới khai trương Data Center Hòa Lạc, nâng tổng số trung tâm dữ liệu hiện có lên con số 8, với 4.619 rack. Còn MobiFone đang hoàn thiện kế hoạch đầu tư một data center lớn tại Hòa Lạc…

Không chỉ doanh nghiệp nội, mà các công ty nước ngoài cũng tích cực gia tăng hợp tác, đầu tư data center tại Việt Nam như Tập đoàn Alibaba, Công ty Australia Edge Centres, Quỹ đầu tư GAW Capital, Tập đoàn NTT Global Data Centres…

Việt Nam hiện có 32 data center vừa và nhỏ, với tổng số hơn 20.000 rack. Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam phải đầu tư xây dựng 3 data center loại trung bình thì mới có thể đáp ứng nhu cầu.

Cạnh tranh ngày càng lớn

Luật Viễn thông 2023 chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2025 với định nghĩa, hướng dẫn rõ ràng cho các dịch vụ data center và điện toán đám mây dưới dạng dịch vụ viễn thông, được kỳ vọng tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của ngành, có khả năng thu hút thêm đầu tư nước ngoài với việc tự do hóa các điều kiện tiếp cận thị trường. Luật cho phép đầu tư nước ngoài 100% vào các dịch vụ data center. Đây cũng là áp lực lớn cho các nhà đầu tư data center của Việt Nam.

So với doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư data center Việt Nam còn non trẻ cả về kinh nghiệm, công nghệ và tài chính. Cạnh tranh được dự báo sẽ trở nên khốc liệt trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thành Danh, Giám đốc điều hành VNG Data Center đánh giá, Việt Nam chưa có thương hiệu và tên tuổi trên thị trường quốc tế, hạ tầng và vận hành chưa hoàn toàn đạt yêu cầu của các công ty nước ngoài tầm cỡ, hạn chế trong quan hệ với các khách hàng quốc tế, hạn chế về vốn... Bù lại, doanh nghiệp Việt có lợi thế là sự hiểu biết về thị trường, am hiểu quy định pháp luật trong nước, dịch vụ chăm sóc khách hàng kịp thời hơn, chi phí dịch vụ cũng rẻ hơn.

Theo ông Danh, việc hợp tác với các đối tác ngoại sẽ nâng cao chất lượng data center về hạ tầng lẫn vận hành, tăng sức cạnh tranh của các data center trong nước so với các công ty lớn trên thế giới.

Ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc Viettel IDC cho rằng, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ tăng trưởng Cloud và DC. Dư địa tăng trưởng cho 10 năm nữa là rất lớn với tốc độ của mảng data center là 15%/năm, Cloud là 22%/năm, mảng MSSP (Managed Security Service Provider) là 26%/năm. Thị trường rộng mở, nhưng rõ ràng sẽ có sự chọn lọc gay gắt.

“Mảng Cloud phải khai thác và tận dụng lợi thế từ các chính sách quản lý dữ liệu, chính sách bảo hộ dữ liệu của Chính phủ để thuyết phục được khách hàng từ Bigtech chuyển về Viettel IDC bằng chính các sản phẩm và giải pháp, tính năng do Viettel IDC làm chủ. Tiếp tục tập trung cho chiến lược MSP và MSSP trong nước, tạo tiền đề cho việc tiến ra thị trường nước ngoài”, ông Ngọc nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đầu tư các data center là một loại đầu tư mới của các nhà mạng viễn thông. Không đầu tư vào đây thì nhà mạng không có không gian tăng trưởng mới, sẽ bị thay thế. Đầu tư data center phải đi cùng với dịch vụ cloud. Nếu không thì chỉ đơn thuần là cho thuê vị trí. Các nhà mạng Việt Nam phải chú ý phát triển dịch vụ cloud và cho thuê cloud.

“Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông, trong đó quy định dữ liệu của cơ quan nhà nước phải lưu trữ tại Việt Nam. Sử dụng hạ tầng số, dịch vụ số Make in Việt Nam vừa đảm bảo hiệu quả hơn, chi phí tối ưu hơn, hiệu suất an toàn và linh hoạt hơn, đồng thời cũng chính là chung tay đóng góp cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Hà Nội tăng tốc hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch
Hà Nội phát động phong trào thi đua cao điểm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch số hóa dữ liệu hộ tịch từ tháng 7 đến hết ngày...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư