Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nông sản muốn xuất sang EU phải đáp ứng tiêu chuẩn GAP
Thu Phương - 11/08/2020 08:26
 
Nông sản của Việt Nam muốn gia tăng xuất khẩu vào thị trường châu Âu bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practices - thực hành nông nghiệp tốt).

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi, nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu sẽ có lợi thế cạnh tranh. Song, muốn gia tăng xuất khẩu, nông sản bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practices - thực hành nông nghiệp tốt).

.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

EVFTA được đánh giá là cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU. Cụ thể những mặt hàng nông sản nào có lợi thế để tăng tốc trong thời gian tới, thưa ông?

EVFTA mở ra cơ hội cho các mặt hàng nông sản tại thị trường EU, đặc biệt là rau quả. Trước khi EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi (GSP), nhưng vẫn ở mức khá cao (10 - 20%). Từ ngày 1/8/2020, EVFTA có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng rau, quả của Thái Lan, Trung Quốc, khi họ chưa có hiệp định thương mại tự do với EU.

Riêng với mặt hàng rau quả, EVFTA khác biệt so với các FTA ký trước đó, không có hạn chế về mặt hàng và kim ngạch, nên không phải đàm phán từng mặt hàng cụ thể. Việt Nam có thể xuất khẩu bất cứ loại rau quả nào sang EU, miễn là mặt hàng đó được sản xuất tại Việt Nam và đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Cụ thể về các mặt hàng, những mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu thô thì thuế không thay đổi nhiều, do đang ở mức thấp 0 - 5%, nhưng những mặt hàng đã qua chế biến và chế biến sâu, thì thuế sẽ chênh lệch nhiều, giảm từ mức trên dưới 10% xuống 0%.

Theo ông, với những ưu đãi từ Hiệp định, xuất khẩu mặt hàng nông sản sang EU có tăng mạnh trong thời gian tới?

Chắc chắn, các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ tăng. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang EU đạt kim ngạch 148 triệu USD, tăng 28,5% so với năm 2018, nhưng mới chỉ chiếm 0,08% tổng nhu cầu nhập khẩu rau, quả của EU.

Với cơ hội từ EVFTA, rau quả Việt Nam sẽ tăng thị phần tại EU. Tôi cho rằng, năm nay, kim ngạch xuất khẩu tăng lên, nhưng không nhiều, khoảng 200 triệu USD, do chúng ta phải thích nghi với hàng rào kỹ thuật, cộng thêm hiện tại vấn đề vận chuyển còn khó khăn khi tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Được hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng EU là thị trường có yêu cầu rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nông sản Việt làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu, thưa ông?

Dù EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS (các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm) linh hoạt, nhưng EU là thị trường rất khó tính với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… rất khắt khe. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp, mà cả ngành. Do đó, việc sản xuất an toàn theo hướng GAP là yêu cầu bắt buộc.

Hiện tại, nông sản của Việt Nam vẫn sản xuất theo hướng manh mún nhỏ lẻ, người nông dân cần phải liên kết với doanh nghiệp hình thành các vùng trồng có diện tích lớn, áp dụng phương thức trồng trọt an toàn theo các quy chuẩn như VietGAP, Global GAP, như vậy mới đảm bảo số lượng và chất lượng để sang EU. Tiếp theo, phải quan tâm đến vấn đề bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo sau khi vận chuyển chất lượng hàng không bị giảm sút. 

Ngoài ra, khi sản xuất sạch theo các quy chuẩn như VietGAP, Global GAP, tỷ lệ rau quả không đạt yêu cầu về mẫu mã, hình thức để xuất tươi sẽ tăng lên. Do đó, việc chế biến sâu sẽ giúp tận dụng được các sản phẩm này vào làm nguyên liệu cho chế biến là điều cần quan tâm.

Theo tôi, để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa nông sản Việt tới được với các thị trường đòi hỏi cao, người sản xuất bất kể ở quy mô lớn hay nhỏ đều phải tham gia vào chuỗi giá trị nông sản, trong đó chất lượng và an toàn thực phẩm phải là vấn đề tiên quyết.

Các doanh nghiệp phải xây dựng được vùng nguyên liệu an toàn, đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chú trọng đến các yếu tố quan trọng khác như tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, lao động, môi trường... Quan tâm hơn về vấn đề nghiên cứu thị trường, tìm hiểu từng nước, từng vùng họ đang cần mặt hàng nào. Vấn đề này, Nhà nước cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các tham tán thương mại tại các nước EU.

Ở chiều nhập khẩu, người tiêu dùng Việt Nam được lợi gì với những mặt hàng nông sản từ các nước EU và doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh như thế nào?

Thực thi EVFTA, Việt Nam giảm hầu hết các loại thuế cho hàng hóa của EU vào thị trường nội địa, trong đó có thực phẩm. Có thể nói, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội sử dụng thực phẩm châu Âu với chất lượng vượt trội, an toàn. Với mặt hàng trái cây, doanh nghiệp tuy có gặp phải sức cạnh tranh nhưng không nhiều, bởi các loại nông sản Việt Nam và EU có tính bổ trợ. Nông sản Việt Nam đa phần là loại nông sản nhiệt đới, còn EU có thế mạnh về hàng ôn đới.

Nhìn tổng thể, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, hàng hóa nước ngoài dễ dàng có mặt trên kệ tại các siêu thị trong nước với giá cả cạnh tranh, là thách thức không nhỏ với hàng hóa Việt Nam.

Không còn cách nào khác, các nhà sản xuất, cung ứng nội địa phải tự thay đổi, đổi mới, nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. Tôi cho rằng, đây cũng là cơ hội để thay đổi cách nghĩ, cách làm.

EC công bố hạn ngạch nhập khẩu gạo và nông sản Việt Nam theo thỏa thuận của EVFTA
Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố và nêu rõ phương thức quản lý về hạn ngạch nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông nghiệp và gạo của Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư