-
Quy hoạch TP.HCM đã thể hiện tư duy đổi mới, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn -
Cho ý kiến chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội -
Chính phủ triển khai kế hoạch xây dựng Trung tâm tài chính tại TP.HCM, Đà Nẵng -
TP.HCM cần trên 4,4 triệu tỷ đồng đầu tư các dự án theo quy hoạch -
Xây dựng Trung tâm tài chính: TP.HCM và Đà Nẵng đã sẵn sàng -
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cơ hội vàng để Việt Nam đón nguồn lực tài chính dịch chuyển
Bứt phá ấn tượng năm 2024
Ngành nông nghiệp Việt Nam đã đi qua năm 2024 bằng nhiều cung bậc cảm xúc, từ nỗi lo vì chuỗi logistics toàn cầu bị ảnh hưởng, cho đến sự đau xót vì những hậu quả nặng nề do cơn bão Yagi để lại, rồi cuối cùng là niềm vui vỡ òa khi toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu ở mốc 62,5 tỷ USD. Con số này vượt xa mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản là 55 tỷ USD trong năm 2024. Thậm chí, nếu so với định hướng phát triển chung là tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông – lâm - thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 60-62 tỷ USD vào năm 2030, thì toàn ngành đã về đích trước 6 năm.
Trong năm 2024, ngành nông nghiệp có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD, gồm gỗ và sản phẩm gỗ (16,2 tỷ USD), rau quả (7,12 tỷ USD), gạo (5,75 tỷ USD), cà phê (5,48 tỷ USD), hạt điều (4,38 tỷ USD), tôm (đạt 3,86 tỷ USD), cao su (đạt 3,46 tỷ USD).
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, có được kết quả ngày hôm nay, trước hết đến từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, với các biện pháp khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, tái thiết sản xuất sau cơn bão Yagi. “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, toàn ngành nông nghiệp đã tỏa đi các địa phương đánh giá mức độ thiệt hại, đưa ra các giải pháp khôi phục sản xuất, ưu tiên các nhóm cây ngắn ngày, các loại thủy cầm, gia cầm; khuyến khích các địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão lũ tăng tốc sản xuất”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Đây cũng là kết quả của một quá trình dài toàn ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương bền bỉ thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu. Tiêu biểu như ngành cà phê, chương trình tái canh cây cà phê được khởi động từ những năm 2009, 2010 đã đem về trái ngọt. Giữa lúc biến đổi khí hậu làm suy giảm nguồn cung cà phê toàn cầu, cà phê Việt Nam vươn lên với những thời điểm giá neo ở mức cao nhất thế giới. Dù giảm sản lượng xuất khẩu, nhưng nguồn ngoại tệ mà loại hạt “vàng nâu” mang về vẫn tiếp tục tăng gần 30% trong năm 2024. Cây cà phê trở thành “cây ATM”, giúp người nông dân đổi nhà, đổi xe và đổi đời.
Với ngành lúa gạo, Việt Nam cũng lần đầu tiên chạm mốc xuất khẩu 9 triệu tấn gạo, mang về mức kim ngạch kỷ lục là 5,75 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao nhất nhì thế giới, bất chấp việc Ấn Độ mở cửa trở lại hoạt động xuất khẩu gạo. “Nếu Việt Nam thực hiện thành công Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, chắc chắn giá trị của ngành hàng lúa gạo còn tăng cao hơn nữa. Đó chính là lợi thế của quốc gia”, ông Tiến nhấn mạnh.
Đáng chú ý, công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường trong nhiều năm qua đã tạo nền tảng vững chắc để nông sản, đặc biệt là nhóm hàng rau quả tươi, xuất khẩu vượt kỳ vọng. Mục tiêu đề ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ngành hàng rau quả trong năm nay là xuất khẩu 6-6,5 tỷ USD. Nhưng kim ngạch xuất khẩu rau quả sau 11 tháng đã "về đích" sớm và kết thúc năm ở mức 7,12 tỷ USD, tăng hơn 24% so với năm 2023. Đến nay, Việt Nam đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang hơn 60 quốc gia và vùng lãng thổ, với các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài.
Nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2025
Nối tiếp những kỷ lục của năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2025. Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia, dưới tác động của các cuộc xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn...
Trong bối cảnh đó, Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của các mặt hàng nông sản Việt Nam. “Mỹ là thị trường tiêu dùng lớn các sản phẩm như cà phê, hạt điều, hồ tiêu..., nhưng không có thế mạnh để sản xuất. Đây cũng là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ, còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, đặc biệt với các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, các loại trái cây lệch mùa vụ, trái cây nhiệt đới mà sản lượng trong nước hạn chế...”, ông Phong đánh giá.
Về phía Trung Quốc, ngoài nhu cầu với các mặt hàng rau quả và thủy sản, vị trí địa lý thuận lợi là điểm cộng để các nông sản Việt Nam vẫn giữ được chất lượng tự nhiên và độ tươi ngon khi tiếp cận thị trưởng tỷ dân. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc, từ đó rút ngắn thời gian vận chuyển hàng rau quả tươi, giảm đáng kể chi phí logistics so với các nước khác. Các cảng biển ở Trung Quốc cũng nằm gần các cảng của Việt Nam, giúp tăng thêm tính cạnh tranh cho ngành hàng rau quả Việt Nam.
Đặc biệt, Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi được ký kết với Trung Quốc vào tháng 8/2024 sẽ giúp ngành rau quả Việt Nam có thêm nguồn thu ngoại tệ trong năm 2025.
“Chúng tôi kỳ vọng, ngành rau quả sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD. Riêng các sản phẩm như sầu riêng đông lạnh và dừa tươi, mỗi mặt hàng có thể mang về thêm 200-300 triệu USD”, ông Đặng Phúc Nguyên dự báo.
Tuy vậy, năm 2025, hoạt động xuất khẩu nông nghiệp nói chung và nông sản nói riêng, cũng đối mặt không ít thách thức. Sau bầu cử Tổng thống tại Mỹ, nước này có thể có nhiều thay đổi về chính sách vĩ mô, tác động đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2025 như tiền tệ, thuế, rào cản thương mại... Các quy định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh, bền vững đang đặt ra bài toán phải phát triển song song cả về lượng lẫn về chất cho nhiều quốc gia xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, trong đó có Việt Nam.
Sau rất nhiều nỗ lực trong việc mở cửa thị trường, tích cực ký kết các nghị định thư, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại song phương, đa phương, ngành nông nghiệp Việt Nam được xem như đã có đường đi, nhưng làm sao để đi cho đúng là một vấn đề cần quan tâm. Các đặc trưng của ngành nông nghiệp như quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chuỗi liên kết còn rời rạc... là những rào cản làm suy giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt.
Trong khi đó, sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế chịu sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều quốc gia khác. Như sầu riêng, mặt hàng được mệnh danh là “trái cây tỷ USD”, tại thị trường Trung Quốc, ngoài Việt Nam còn có Thái Lan, Malaysia tham gia xuất khẩu sầu riêng, thậm chí Trung Quốc cũng có mặt hàng sầu riêng nội địa, dù sản lượng còn hạn chế.
Tương tự, dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc cũng phải chịu sự cạnh tranh với các cường quốc về dừa như Indonesia, Philippines.
Với cái nhìn thận trọng, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, trong năm 2025, thay vì chỉ chú ý đến các con số tăng trưởng, ngành hàng nông sản nên chú trọng tăng cường "sức khoẻ của ngành"; tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng…
Ông Hiếu cũng nhận định, nguy cơ vi phạm quy định đang “hiển hiện trước mắt”, khi các doanh nghiệp đua nhau mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng sản lượng xuất khẩu mà lại buông lỏng kiểm soát chất lượng, trong khi chỉ một vài vi phạm nhỏ có thể ảnh hưởng tới cả lô hàng.
“Đã đến lúc, chúng ta không nên chủ quan với việc tăng kim ngạch mấy chục phần trăm như những năm vừa qua, mà không để tâm đến việc các đối thủ không đứng yên. Họ cũng luôn cải thiện vị trí của mình trên thị trường, cạnh tranh với Việt Nam. Do đó, về phía các doanh nghiệp, cần quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường các chứng nhận bền vững về trách nhiệm xã hội, môi trường…”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật khuyến nghị.
-
Xây dựng Trung tâm tài chính: TP.HCM và Đà Nẵng đã sẵn sàng -
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cơ hội vàng để Việt Nam đón nguồn lực tài chính dịch chuyển -
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trung tâm tài chính là việc mới, việc khó, nhưng khó mấy cũng phải làm -
Nâng cao hiệu quả của trung tâm học tập cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi -
Khánh Hòa thông tin về nguyên nhân 46 dự án phải xác định lại giá đất -
Bộ Công an có tân Thứ trưởng -
Thủ tướng chỉ thị chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân
- GREENFEED và hành trình nỗ lực kiến tạo nền nông nghiệp bền vững
- Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cộng đồng - Cần một hợp tác toàn diện
- 1Business - Chìa khóa vàng trong quản trị doanh nghiệp thời đại số
- La Queenara Hội An: Bí quyết đầu tư khách sạn tạo dòng tiền
- Petrocons thông báo Danh mục thoái vốn tại các đơn vị doanh nghiệp (Kỳ 3)
- Khu công nghiệp Gilimex: Xây dựng nền tảng cho ngành công nghiệp hiện đại và bền vững