Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ cho nông sản Việt
Linh Nguyễn - 31/12/2024 16:36
 
Tại Hội nghị Đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong sản xuất nông nghiệp thì điều đầu tiên là phải xây dựng và lan tỏa thương hiệu nông sản.

Tại Hội nghị, câu hỏi của ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã Cà phê Bích Thao tại xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đã làm nổi bật một vấn đề cốt lõi trong phát triển nông nghiệp, đó là làm gì để gia tăng giá trị cho nông sản Việt Nam.

Ông Thao bày tỏ: “Hiện có một thực tế là, hầu hết hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu tập trung chủ yếu dưới dạng thô, hoặc chỉ qua sơ chế, chưa có các sản phẩm chế biến sâu, có thương hiệu, nên giá trị chưa cao. Ví dụ như cà phê, người nông dân chỉ mới bán sản phẩm ra ở dạng nhân, tiền thu về chỉ được một phần, còn hai phần rơi vào các nhà rang xay, chế biến và thương mại”.

 Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã Cà phê Bích Thao tại xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La đưa ra kiến nghị. Ảnh: Dân Việt

Để khắc phục điều này, ông Thao đề nghị Chính phủ có các giải pháp nhằm nâng cao giá trị nông sản thông qua chế biến sâu và xây dựng thương hiệu, đồng thời hỗ trợ nông dân đầu tư thiết bị hiện đại nhằm cải thiện hệ thống chế biến theo chuỗi giá trị.

Hồi âm câu hỏi của ông Nguyễn Xuân Thao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, vấn đề chế biến sâu và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam là mối quan tâm lớn của Chính phủ. Thủ tướng cho rằng, cần thay đổi tư duy từ sản xuất những gì mình có sang sản xuất những gì thị trường cần.

“Chúng ta đang sản xuất những sản phẩm chúng ta có, chưa có nhiều sản phẩm mà thị trường cần. Tư duy sản xuất và tư duy thị trường rất quan trọng. Doanh nghiệp phải làm cho người nông dân, Chính phủ phải làm cho người nông dân, nghiên cứu thị trường và kết nối với doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực nghiên cứu thị trường. Cụ thể, Bộ Ngoại giao hàng quý tổ chức kết nối giữa các tỉnh, doanh nghiệp trong nước với quốc tế, còn Bộ Công thương được giao nhiệm vụ hàng tháng tổ chức các hội nghị tìm hiểu nhu cầu và dự báo xu hướng thị trường toàn cầu. Những dự báo này giúp Chính phủ đưa ra các chỉ đạo kịp thời nhằm định hướng sản xuất và xuất khẩu. Ông cũng nhấn mạnh rằng các ngành hàng chủ lực như tôm, gạo, cà phê, cá tra cần được ưu tiên nâng cao giá trị thông qua chế biến sâu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Mịnh Chính trả lời kiến nghị. Ảnh: Dân Việt

Thủ tướng khẳng định, chế biến sâu và kết nối doanh nghiệp với nông dân là hai khâu yếu mà Việt Nam cần khắc phục. Để làm được điều này, ông yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bao gồm ưu đãi về thuế đất, phí, lệ phí, và tín dụng. Việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực sản xuất.

Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của hợp tác xã trong việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Ông khuyến nghị sửa đổi Luật Hợp tác xã và Luật Đầu tư để giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hợp tác xã hoạt động hiệu quả. “Hợp tác xã  muốn thành công phải hoạt động lành mạnh, và người đứng đầu cần được tín nhiệm, suy tôn,” Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng việc xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản là nhiệm vụ cốt lõi trong phát triển nông nghiệp. Ông lấy ví dụ về cà phê Brazil với giá trị xuất khẩu cao gấp đôi Việt Nam, phần lớn nhờ vào thương hiệu mạnh. Để đạt được điều đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học, báo chí, truyền thông và chính người nông dân.

Thủ tướng nhắc lại, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, năm 2024, Ngân hàng nhà nước đã tung ra 2 gói tín dụng hàng chục nghìn tỷ để hỗ trợ ngành thủy sản và lâm sản. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã được cung cấp thêm vốn để hồi phục sản xuất, mang lại kết quả xuất khẩu như hiện nay.

Cũng theo Thủ tướng, vừa qua, ông đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu, nhanh chóng sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư. Theo Thủ tướng, đây đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, cần có sự điều chỉnh và đổi mới trong chính sách, luật pháp để tháo gỡ, mở đường cho nông nghiệp Việt Nam.

Tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai cho phát triển nông nghiệp
Tại Hội nghị Đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024, nhiều kiến nghị, đề xuất thực chất đã được nêu ra xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư