Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Nước mắm Phú Quốc lo thiếu cá cơm
Huy Thịnh - 26/08/2013 07:54
 
Chính quyền, người sản xuất nước mắm ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) hân hoan vì vừa được Liên minh châu Âu (EU) trao Chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu Nước mắm Phú Quốc. Vấn đề đặt ra là, mọi người trong cuộc phải quyết tâm giữ được chất lượng và thương hiệu trong bối cảnh nguyên liệu chính là cá cơm dần cạn kiệt.

Có vé thông hành vào thị trường EU

Là sản phẩm đầu tiên của các nước ASEAN vừa được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại 28 nước thành viên EU, Nước mắm Phú Quốc cũng là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ Chỉ dẫn địa lý.

Lễ trao Chứng nhận tên gọi xuất xứ được bảo hộ cho thương hiệu
nước mắm Phú Quốc của Liên minh châu Âu

Theo đó, với việc tên gọi Nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tại thị trường EU, thì chỉ có sản phẩm nước mắm được sản xuất và đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc mới được phân phối ở thị trường EU với tên gọi xuất xứ “Phú Quốc”.

Điều này đảm bảo người tiêu dùng mua đúng sản phẩm nước mắm Phú Quốc có chất lượng đặc trưng và chính hiệu, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái nước mắm Phú Quốc tại thị trường EU thời gian qua.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, mới đây, UBND huyện đã quyết định thành lập Ban kiểm soát nước nắm Phú Quốc và ban hành Quy chế tạm thời về hoạt động kiểm soát Chỉ dẫn địa lý Phú Quốc.

Theo đó, nhãn hiệu nước mắm được mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc phải đảm bảo các điều kiện theo Quyết định của UBND tỉnh là: vùng sản xuất, nguyên liệu, dụng cụ chế biến, vật liệu chế biến, phương pháp chế biến, yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường, ghi nhãn, bảo quản.

Riêng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang là nơi cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý, còn Ban kiểm soát nước mắm Phú Quốc cấp chứng nhận lô hàng. Sau khi được 2 đơn vị trên hoàn tất thủ tục liên quan, thì các lô hàng nước mắm mới đủ điều kiện pháp lý mang Chỉ dẫn địa lý Phú Quốc.

Thiếu các điều kiện trên, nước mắm dán nhãn Phú Quốc được xem là hàng giả chỉ dẫn địa lý Phú Quốc. Đến nay, huyện Phú Quốc đã có 68/87 cơ sở sản xuất nước mắm đăng ký xác lập quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc.

Hội Sản xuất nước mắm huyện Phú Quốc cũng đã ban hành quy chế kiểm soát nội bộ và Ban kiểm soát nội bộ của Hội. Ban này có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm.

Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc cũng quy định cụ thể, chi tiết về vùng khai thác, loại nguyên liệu, tỷ lệ cá tạp (ngoài cá cơm) không quá 15%, dụng cụ chế biến và vật liệu sản xuất dụng cụ, phương pháp chế biến, các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ghi nhãn và kỹ thuật bảo quản...

Lo ngại cạn kiệt cá cơm

84 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nước mắm trên đảo Phú Quốc hàng năm đưa ra thị trường khoảng 12 triệu lít nước mắm thành phẩm; xuất khẩu hơn 500.000 lít. Ngoài ra, các địa phương khác trong tỉnh Kiên Giang hiện có trên 160 cơ sở chế biến nước mắm với tổng sức chứa khoảng 45 - 50 triệu tấn ủ chượp (bán thành phẩm), sản lượng mỗi năm đạt từ 36 đến 43 triệu lít nước mắm.

Hiện trên toàn tỉnh có khoảng 230 tàu khai thác đánh bắt cá cơm, với tổng công suất 68.685 CV. Riêng 7 tháng đầu năm 2013, sản lượng khai thác đạt trên 81.000 tấn cá cơm. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc tại huyện đảo Phú Quốc cho biết, hiện mỗi ngày có khoảng 200 tấn cá cơm - nguyên liệu sản xuất nước mắm Phú Quốc được thương lái mua, sơ chế, đưa đi tiêu thụ ngoài địa bàn huyện đảo.

“Với đà này, chỉ trong 5-10 năm tới, nghề làm nước mắm truyền thống tại Phú Quốc có nguy cơ bị khai tử. Do đó, việc chúng ta mất cả chục năm đeo đuổi để nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tại thị trường 28 nước thành viên EU sẽ trở nên vô nghĩa”, bà Tịnh lo ngại và cho biết, vào lúc cao điểm, Phú Quốc có hơn 100 nhà thùng ủ chượp nước mắm, sản lượng đạt khoảng 30 triệu lít/năm. Gần đây, do bị tranh mua, giá cá cơm nguyên liệu có lúc bị đẩy lên 18.000-20.000 đồng/kg (gấp 3 lần so với trung bình các năm).

Trong khi đó, việc kinh doanh nước mắm chủ yếu thông qua các kênh bán lẻ tại TP.HCM, nên các nhà thùng ủ chượp nước mắm không chủ động được giá bán, đồng thời tình trạng hàng giả, hàng nhái cũng ngày càng tinh vi, phổ biến. Thực trạng này đã khiến 1/3 cơ sở sản xuất nước mắm tại Phú Quốc bị phá sản hoặc ngưng sản xuất do làm ăn thua lỗ.

Theo đánh giá của Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn nguyên liệu do nạn khai thác chưa theo quy trình, chưa được kiểm soát chặt chẽ, khai thác tràn lan cá nguyên liệu, đánh bắt quanh năm, thậm chí đánh bắt ngay trong mùa sinh sản khiến cá không có nhiều cơ hội để hồi phục bầy đàn, dẫn đến cạn kiệt nguồn cá cơm.

Nước mắm “Phú Quốc” ra thế giới, vừa mừng vừa lo
Theo các chuyên gia phân tích, việc đăng bạ bảo hộ PDO thành công sản phẩm này tại 28 nước thành viên EU là điều kiện tốt để đưa sản phẩm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư