Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Nút thắt của ngành công nghiệp dệt may
Thế Hải - 16/08/2013 08:43
 
Kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng nguyên phụ liệu dệt may hầu như vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Vì thế, phân khúc sợi, dệt – nhuộm – hoàn tất đang là nút thắt cổ chai của toàn ngành. Vinatex khởi công Nhà máy sợi tại Thừa Thiên Huế Vinatex dốc sức cho dự án nguyên phụ liệu  

Trong 7 tháng đầu năm 2013, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may (chưa kể xơ sợi) là 9,636 tỷ USD, tăng 16,3%, thì nhập khẩu nguyên phụ liệu toàn ngành đã đạt 7,646 tỷ USD và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng nguyên phụ liệu hầu như vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và đó chính là nỗi băn khoăn của không ít doanh nghiệp (DN) trong việc tạo thế chủ động trong sản xuất kinh doanh.

Phân khúc sợi, dệt – nhuộm – hoàn tất đang là nút thắt cổ chai
của toàn ngành dệt may

Đặc biệt, khi mà Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), bởi lẽ, với ưu đãi thuế suất 0% khi xuất hàng vào Mỹ, với giá trị kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chiếm tới 45% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, thì tất nhiên, mối băn khoăn đó càng tăng thêm.

Cần phải nói thêm rằng, điều kiện để đáp ứng ưu đãi thuế suất 0%, sản phẩm dệt may phải áp dụng công thức “từ sợi trở đi”.

Điều này có nghĩa là, ưu đãi chỉ có khi các khâu đoạn từ kéo sợi, dệt – nhuộm – hoàn tất và may phải được làm tại Việt Nam.

Thực tế này đã gây ra nhiều trở ngại cho ngành dệt may Việt Nam, bởi phân khúc sợi, dệt – nhuộm – hoàn tất đang là nút thắt cổ chai của toàn ngành. Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Liên, Phó giám đốc Công ty May công nghiệp Đồng Nai cho rằng, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nước ngoài. Đây là thách thức với cả ngành dệt may trong việc tận dụng thuế 0% vào Mỹ khi TPP có hiệu lực.

Nhiều năm qua, ngành dệt may phụ thuộc lớn vào nguồn cung nguyên liệu, trong khi hầu hết các nước Việt Nam nhập nguyên liệu lại không nằm trong khối các nước sẽ tham gia đàm phán TPP.

Câu chuyện về đầu tư để nội địa hóa quá trình sản xuất nguyên phụ liệu từ nhiều năm qua đến nay vẫn là mục tiêu và vẫn tiếp tục là vấn đề trăn trở nhiều nhất của ngành dệt may. Mặc dù, những năm gần đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cùng nhiều DN lớn trong ngành, kể cả khối DN FDI đã đổ một lượng vốn lớn xây dựng nhà máy xơ sợi, dệt nhuộm…, nhưng mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu.

Bà Liên cũng cho rằng, mua nguyên liệu trong nước, giá không những cao hơn nhập khẩu, mà thời gian giao hàng chậm, thời gian gửi mẫu lâu ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của DN.

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), năm 2012, tổng nhập khẩu nguyên phụ liệu để phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa năm qua đạt 11,3 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu bông 875 triệu USD (chiếm 98% nhu cầu), xơ sợi các loại 1,4 tỷ USD (chiếm 54%), nhập khẩu vải lên tới 6,8 tỷ mét, trị giá 7,045 tỷ USD (chiếm 88%) phụ liệu các loại 2,043 tỷ USD.

Số liệu thống kế từ ngành công nghiệp dệt may cho thấy, 7 tháng 2013, Việt Nam nhập khẩu 103.000 tấn bông (trị giá 680 triệu USD, tăng 30%), 4,741 tỷ USD vải (tăng 18,8%), 1,369 tỷ USD phụ liệu các loại (tăng 18,2%), 133.000 tấn xơ sợi , trị giá 857 triệu USD (tăng 7,5%).

Ông Vũ Ngọc Thuần, Giám đốc Công ty May Đồng Tiến (Đồng Nai) băn khoăn, ngoài nguyên vật liệu thiếu, tỷ lệ nội địa hóa máy móc của các doanh nghiệp còn thấp, địa phương có xu hướng không mặn mà thu hút đầu tư vào các ngành dệt nhuộm vì sợ ô nhiễm môi trường, đang tiếp tục là thực tế khó cho ngành trong nỗ lực cải thiện sự chênh lệch này.

Là DN có vai trò đầu tầu, từ đầu năm đến nay, Vinatex đã khởi công 5 dự án sản xuất nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là các nhà máy sợi. Tuy nhiên, trong khi các dự án nguyên liệu thì có hạn, nhu cầu của DN lại lớn, các DN đang có thêm hy vọng về việc các bên tham gia đàm phán TPP đã đưa ra sáng kiến áp dụng có thời hạn giải pháp “nguồn cung thiếu hụt”.

Theo đó, cho phép ngành dệt may của các nước trong khối (chủ yếu là Việt Nam, Malaysia, Mexico) tiếp tục mua nguyên liệu từ bên ngoài khối để sản xuất hàng may mặc xuất vào khối các nước trong TPP với mức thuế suất 0% nhưng chỉ trong thời hạn nhất định (dự kiến là 3 năm).

Nhưng, nếu không nhanh chóng có những đầu tư tổng lực vào những dự án khâu đầu, dệt, nhuộm, hoàn tất… thì “khoảng cách” giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành tiếp tục là một bài toán khó giải.

Việc trước đây một số ngành kinh tế của Việt Nam đã phải trả một giá đắt cho việc “làm quen” khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chắc chắn sẽ là một bài học mà các doanh nghiệp ngành dệt may không nên quên khi “mốc” TTP đang cận kề.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư