Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Ồ ạt bán tháo cuối phiên, VN-Index “bốc hơi” gần 20 điểm
Tùng Linh - 17/10/2023 18:18
 
Bất ngờ đảo chiều rơi sâu trong phiên ATC, VN-Index giảm gần 20 điểm (-1,73%). Điều này cũng khiến chứng khoán Việt Nam trở thành một trong số ít thị trường đóng cửa trong sắc đỏ, thậm chí giảm mạnh nhất đến thời điểm hiện tại.

Cú “knock-out” cuối phiên đầy VN-Index giảm gần 20 điểm

Cú lao dốc cuối phiên không khỏi khiến nhà đầu tư bất ngờ. Hàng loạt cổ phiếu rơi sâu, thậm chí giảm kịch biên độ. Thanh khoản tăng vọt dù giao dịch ảm đạm trước phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC).

Dù phần lớn thời gian giao dịch trên mốc tham chiếu, đà bán tháo đã hạ “knock-out” chỉ số cũng như hàng loạt cổ phiếu. VN-Index giảm 19,77 điểm (-1,73%), xuống 1.121,65 điểm. HNX-Index giảm 4,63 điểm (-2,72%), xuống 230,03 điểm. UpCoM-Index giảm 0,7 điểm (-0,8%), xuống 86,65 điểm.

Trên cả ba sàn, có tới 503 mã giảm, 37 mã giảm kịch biên độ. Trong khi đó, chỉ có 194 mã vẫn còn trụ lại được với sắc xanh, cá biệt 27 mã tăng trần.

Kể từ sau 14 giờ, một số cổ phiếu có vốn hóa lớn bất ngờ bị bán mạnh và theo đó ảnh hưởng đến phần còn lại của thị trường. “Tội đồ” kéo VN-Index giảm sâu nhất lần lượt là GVR (-5,83%), FPT (3,82%), VHM (-2,31%), GAS (-1,96%) và VIC (-2,22%). Cổ phiếu dòng chứng khoán, hóa chất, thủy sản cũng giao dịch tiêu cực với khá nhiều đại diện dư bán giá sàn. Cổ phiếu Hóa chất Đức Giang (DGC) giảm kịch biên độ. Nhiều đại diện ngành bất động sản như KBC, VCG cũng giảm sâu.

Cổ phiếu VPBank ngược dòng và góp nhiều điểm tăng nhất cho thị trường. Dư bán khá lớn, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lực cầu hấp thụ khá lớn giúp VPB vẫn tăng giá.

Lực bán chủ yếu từ nhà đầu tư cá nhân  

Điểm tương đối tích cực của thị trường hôm nay là sự trở lại của dòng vốn ngoại. Chủ yếu nhờ mua mạnh STB (144 tỷ đồng), IDC (70 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu bị bán mạnh gồm VHM (-137 tỷ đồng), VPB (86,5 tỷ đồng). VPB vẫn giữ được sắc xanh nhưng áp lực bán mạnh của khối ngoại tại Vinhomes là một trong các nguyên nhân khiến cổ phiếu này bốc hơi 2,31%.

Trong khi đó, lực bán chủ yếu từ nhà đầu tư cá nhân. Theo thống kê của Fiingroup, trên sàn HoSE, các nhà đầu tư cá nhân mua ròng 338,4 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, tổ chức trong nước giải ngân ròng 69,5 tỷ đồng, khối tự doanh mua ròng 194 tỷ đồng, khối ngoại mua ròng 74,5 tỷ đồng. Trên cả ba sàn, khối ngoại mua ròng 111,4 tỷ đồng. Thanh khoản toàn thị trường đạt 16.388 tỷ đồng, vẫn giảm 10% so với phiên hôm qua dù đã có lượng giao dịch đột biến phiên ATC.

Dòng tiền tập trung chính vào cổ phiếu khối tài chính, dẫn đầu là SSI (500 tỷ đồng), VPB (585 tỷ đồng) và VND (386 tỷ đồng).

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng phiên thứ hai liên tiếp lên 4,75%/năm, phục hồi từ mức giảm 15 điểm cơ bản vào tuần trước và trái phiếu 30 năm đã vượt lên trên 4,9%/năm, khi các nhà giao dịch tiếp tục đánh giá triển vọng chính sách tiền tệ và tác động của cuộc chiến Israel-Hamas. Bài phát biểu của Chủ tịch Fed Powell tại Câu lạc bộ Kinh tế New York vào thứ Năm tuần này sẽ là tâm điểm của giới đầu tư, để hiểu rõ hơn về các bước tiếp theo của  Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với giá trị 17.950 tỷ đồng. Trong tuần này, sẽ có 30.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn với giá trị 10.000 đồng mỗi ngày từ 18/10 đến 20/10. Đến cuối tuần trước, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức 205.700 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ năm 2014,

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư