Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Ông Hồ Nghĩa Dũng rút khỏi thành viên HĐQT Đèo Cả
Sơn Thắng - 24/09/2014 15:05
 
() Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả khẳng định, ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải chỉ tham gia HĐQT Công ty với tư cách là thành viên HĐQT độc lập, không tham gia góp vốn và điều hành.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
VietinBank giải ngân 1.800 tỷ cho Dự án Hầm Đèo Cả
Nhà thầu dự án Đèo Cả phải chọn bảo lãnh ngoài VietinBank
Đèo Cả nghiên cứu đầu tư tiếp hầm qua đèo Cù Mông

Chiều 24/9, HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (DCIC) đã chính thức công bố thông tin liên quan đến việc triển khai dự án hầm đường bộ Đèo Cả và làm rõ vai trò của nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng tại Công ty.

  Phối cảnh Dự án hầm Đèo Cả  
  Phối cảnh Dự án hầm Đèo Cả  

Theo thông tin gửi cho báo chí, ông Hồ Minh Hoàng, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DCIC cho biết, trên cơ sở phản ánh, góp ý của dư luận thời gian gần đây, HĐQT DCIC nhận thức sâu sắc vấn đề, nhìn nhận sự việc mời ông Hồ Nghĩa Dũng tham gia HĐQT là không phù hợp với quy định pháp luật, không khách quan

“HĐQT Công ty nghiêm túc nhận khuyết điểm, ngày 19/9/2014 HĐQT  đã có buổi làm việc và thống nhất để ông Dũng thôi làm thành viên HĐQT độc lập, mà chỉ hỗ trợ dự án với cương vị cố vấn”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng, nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng là người cùng với các lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải thời bấy giờ, và cả Bộ trưởng đương nhiệm Đinh La Thăng đều là những người có trách nhiệm, tâm huyết để Dự án ra đời, triển khai và đưa vào hoạt động nhằm đáp ứng sứ mệnh lịch sử của nó là giảm thiểu tai nạn giao thông qua Đèo Cả, đem lại lợi ích, ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội cho đất nước.

Theo đó, Dự án hầm Đèo Cả được Bộ Giao thông - Vận tải đồng ý cho phép lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 3/2001. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp về quy mô và kỹ thuật, vả lại nguồn vốn đầu tư quá lớn nên không có khả năng thực hiện.

“Sau khi các nhà đầu tư trước đây lần lượt rút lui, đến năm 2010, liên doanh các nhà đầu tư mới của chúng tôi đã đề xuất thực hiện Dự án này và được Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng phê duyệt tại Quyết định số 2860/QĐ-BGTVT ngày 5/10/2010. Trên cơ sở hồ sơ dự án do Tư vấn Egis Bceom International (Pháp) lập vào tháng 10/2011 Bộ trưởng Đinh La Thăng ký Quyết định số 47/QĐ-BGTVT  ngày 6/1/2012 phê  duyệt Dự án hầm  Đèo Cả theo hình thức BOT và BT”, ông Hoàng nói.

Tuy nhiên, sau đó, Dự án gặp nhiều khó khăn như khả năng thu xếp vốn của ngân hàng Pháp, các yêu cầu bảo lãnh vay vốn từ Chính phủ, lựa chọn nhà thầu Pháp thực hiện hình thức EPC… kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ, giá thành dự án...

Chính vì vậy,  Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo tiến hành thu xếp vốn trong nước và sử dụng nhà thầu có năng lực của Việt Nam, không thực hiện hình thức hợp đồng EPC nữa. Nhờ vậy, khoảng 12 tháng nay, Dự án có những thay đổi rất lớn, đi vào ổn định, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

“Ban đầu, để Dự án được thực hiện thuận lợi, HĐQT DCIC có mời nhiều chuyên gia, người có kinh nghiệm, năng lực vào vai trò cố vấn chuyên môn cho Dự án như PGS.TS Trần Chủng, TS. Nguyễn Thế Phùng, TS. Hoàng Tùng…, trong đó có nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng”, ông Hoàng cho biết.

Cũng theo ông Hoàng, do tập trung nhiều vào hoạt động chuyên môn của Dự án, lãnh đạo DCIC đã thiếu quan tâm đến các thông tin trên Website, nên các nội dung đưa ra chưa hoàn toàn chính xác.

“Thực chất, ông Dũng chỉ làm thành viên HĐQT độc lập với vai trò cố vấn cho HĐQT, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Dự án, không tham gia góp vốn vào dự án, không tham gia công tác điều hành và không nhận thù lao thành viên HĐQT”, ông Hoàng khẳng định.

Vì vậy, theo ông Hoàng, việc ông Dũng cũng như một số chuyên gia, cố vấn khác khi về hưu tham gia vào Dự án Đèo Cả là do tâm huyết, muốn góp trí tuệ, kinh nghiệm cùng Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả thực hiện một mô hình mới, có sự hợp tác công - tư để xây dựng một công trình lớn, có lợi cho đất nước, chứ không hề vì mục đích kinh doanh hay nghĩ đến lợi ích.

“Qua sự việc này, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp của dư luận, giúp chúng tôi có thêm bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, điều hành dự án theo đúng quy định của pháp luật”, ông Hoàng nhìn nhận.

Dự án trọng điểm quốc gia hầm đường bộ qua Đèo Cả do Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (DCIC) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 15.603 tỷ đồng, có chiều dài hơn 13,4 km qua Đèo Cả và Đèo Cổ Mã, thuộc địa phận 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.

Dự án nhận được sự đồng thuận và đánh giá rất cao của người dân, của các cơ quan Trung ương, địa phương. Dự án được khởi công vào cuối năm 2012.

Sau gần 2 năm vượt qua nhiều khó khăn, đến nay dự án đang triển khai thuận lợi, tiến độ được đảm bảo, thậm chí có hạng mục còn rút ngắn thời gian thi công đến 6 tháng như hầm Cổ Mã sẽ thông vào tháng 10 năm nay.

Dự kiến, đến năm 2017 toàn bộ dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động .

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư