Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ông Nguyễn Thành Phong: Thủ Đức sẽ góp khoảng 7% GDP cả nước
Song An - 27/01/2021 13:50
 
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dự kiến sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 30% - 35% GRDP của TP.HCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.
.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. (Ảnh: QĐ)

Sáng 27/1, tham luận tại phiên thảo luận toàn thể Đại hội XIII, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nói đến một điểm đặc biệt trong triển vọng kinh tế của Thành phố.

Thủ Đức sẽ đóng góp 30% - 35% GRDP của TP.HCM 

Đặc biệt, Thành phố đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với việc thành lập Thành phố Thủ Đức. Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, ông Nguyễn Thành Phong phát biểu.

Chủ tịch TP.HCM cho biết, dự kiến sau khi thành lập và đi vào hoạt động Thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 30% - 35% GRDP của TP.HCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.

Năm 2020, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ tận tình của các bộ, ngành Trung ương, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM. Đây là cơ sở quan trọng giúp Thành phố hình thành tổ chức bộ máy đủ mạnh để có thể hiện thực hóa mục tiêu trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thành Phong, TP.HCM cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy các nghiên cứu khoa học công nghệ gắn với cuộc sống, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - nơi vừa có sự liên kết của các trường, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp, vừa có vai trò của chính quyền trong hỗ trợ đầu tư mạo hiểm cho các dự án khởi nghiệp.

Điển hình là hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo, thành lập các Hội đồng phát triển kinh tế ngành với sự tham gia của nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nghiên cứu và các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, TP.HCM còn quan tâm, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đưa nội dung đào tạo công nghệ thông tin, kỹ năng số vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng nguồn nhân lực số, hình thành đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật viên đủ chuẩn quốc tế. Xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở 08 ngành (công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị).

"Không ngừng nâng cao tính hiệu lực hiệu quả của bộ máy chính quyền, xây dựng một nền quản trị côngnăng động. Tập trung nâng cao năng lực dự báo, phản ứng chính sách của chính quyền TP.HCM để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm quản lý và phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số trong điều kiện phát triển mới; nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế tri thức", ông Nguyễn Thành Phong tham luận.

Cần chính sách đặc thù cho doanh nghiệp có khát vọng và bản lĩnh

Nhấn mạnh một điều quan trọng không thể thiếu là tạo niềm tin trong lòng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố, Chủ tịch TP.HCM nêu rõ, thực tiễn cho thấy việc tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa then chốt trong phát triển kinh tế tri thức. Những ứng dụng của công nghệ thông tin vào dịch vụ hành chính công, chính quyền điện tử, phát triển giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, khởi nghiệp sáng tạo… luôn được người dân và doanh nghiệp đồng tình và tích cực hưởng ứng.

Thành phố cũng quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước, kiều bào ở nước ngoài tham gia vào mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của Thành phố, đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tri thức. Chủ động và đón đầu trong việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển kinh tế dựa trên nền tảng tri thức.

Những giải pháp trên đã giúp kinh tế Thành phố đạt mức tăng trưởng khá cao, nếu không tính năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, giai đoạn 2016 - 2019 GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP quốc gia, hơn 26% thu ngân sách cả nước, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.

Trước Đại hội, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề xuất Chính phủ lựa chọn và có chính sách đặc thù đối với một số doanh nghiệp có khát vọng và bản lĩnh, có đủ năng lực và quy mô cho đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, tiên phong vươn tầm thế giới. Từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị khu vực, chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước làm chủ công nghệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hấp dẫn trong “sân chơi” toàn cầu.

Song song đó, cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ mạnh dạn đổi mới công nghệ, quy trình trình sản xuất và quản lý (TP.HCM hiện chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp có quy mô lớn, 98% doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tỷ lệ này đối với cả nước cũng gần tương tự).

"Một khi doanh nghiệp coi trọng đổi mới sáng tạo, quan tâm đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ sẽ có nhu cầu tuyển dụng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, từ đó góp phần lan tỏa ra xã hội, phát triển lực lượng lao động tay nghề cao, giàu chất xám, tri thức", ông Nguyễn Thành Phong bày tỏ.

Nhân sự Đại hội XIII: Trung ương chuẩn bị rất kỹ các trường hợp đặc biệt
Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Hầu A Lềnh trao đổi về công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư