Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Ông Trương Gia Bình chia sẻ cách khởi nghiệp thành công
Minh Trí (Vnexpress) - 20/10/2016 09:41
 
Đam mê kinh doanh, nắm rõ thị hiếu tiêu dùng, cả chủ lẫn nhân viên phải thay đổi tư duy không ngừng sẽ giúp doanh nghiệp trường tồn.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình vừa có buổi nói chuyện với học viên, cựu học viên MiniMBA, MBA của Viện Quản trị Kinh doanh FSB về kinh doanh và quản trị. Đó là kinh nghiệm mà ông đúc rút từ những chuyến hội thảo thế giới, đặc biệt là Diễn đàn kinh tế thế giới Davos quy tụ 2.500 người, trong đó có khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và Câu lạc bộ Founder’s Mentality với sự tham dự của CEO Michael Dell.

Ông cho rằng, để doanh nghiệp phát triển bền vững, người lãnh đạo cần hội đủ 3 yếu tố gồm khát vọng cháy bỏng, ám ảnh khách hàng và tư duy người chủ. Quan trọng hơn nữa là người đứng đầu còn phải hiểu rõ và chia sẻ, truyền cảm hứng cho cấp dưới thấm nhuần 3 yếu tố trên.

Muốn biết mình có khát vọng cháy bỏng hay không, một cá nhân khi khởi nghiệp cần tự đặt ra câu hỏi sứ mệnh khi thành lập công ty là gì và đó sẽ là kim chỉ nam cho quá trình kinh doanh. "Ông chủ Starbucks mở quán cà phê chỉ đơn giản vì muốn chia sẻ niềm say mê cà phê của mình đến với những người đồng điệu, giới thiệu hương vị hay cách thưởng thức mới mẻ. Khi xác định được giá trị cốt lõi, doanh nghiệp sẽ tự định hình bước phát triển phù hợp nhất", Chủ tịch FPT ví dụ.

Còn yếu tố ám ảnh khách hàng có nghĩa là người làm kinh doanh phải thấu hiểu, đoán biết được họ thật sự muốn gì. Để làm điều này thì phải có sự tôn trọng khách hàng, phục vụ với thái độ tận tâm, có sự tương tác tốt. Từ đó doanh nghiệp sẽ tạo nên sự khác biệt thu hút khách hàng đến với mình.

Đơn cử như trường hợp ngân hàng Bank of America, dù lượng khách hàng không nhiều bằng những nhà băng khác nhưng lợi nhuận thu về vẫn cao hơn đáng kể. Đây là kết quả từ chiến lược thấu hiểu nhu cầu của từng khách hàng để đưa ra sản phẩm phù hợp với mỗi giai đoạn riêng biệt. Cụ thể, ngân hàng biết rõ khi nào thì khách hàng của mình tốt nghiệp đại học, đi làm, nhận tháng lương đầu tiên, chuyển đổi công việc, thăng tiến, mua nhà hay cưới vợ sinh con. Từ đó, ngân hàng sẽ thiết kế những gói sản phẩm tương ứng cho từng thời điểm, giới thiệu đến người dùng và đạt tỷ lệ thành công cao.

Theo ông Bình, thị trường toàn cầu đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên nền tảng kỹ thuật số. Những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo sẽ có đủ khả năng tư duy, phân tích, suy nghĩ hay cảm xúc, dần thay thế công việc của con người. Vì thế, các doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi, người làm chủ bắt buộc đổi mới tư duy.

"Xu hướng này là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là ngành công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, tạo vị thế trên thị trường toàn cầu. Tốc độ sẽ là yếu tố then chốt. Vì vậy doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thời gian thật, nghĩa là sẵn sàng phản ứng ngay lập tức với những vấn đề vừa mới phát sinh, như vậy mới có thể tồn tại và vươn lên", ông Bình chia sẻ.

Trong bối cảnh hiện tại, tư duy làm chủ cần phải thay đổi so với trước đây. Có nghĩa là không chỉ người lãnh đạo mà cả nhân viên cũng phải thấu hiểu tư duy làm chủ, từ đó giúp họ hiểu rõ và đồng cảm với sứ mệnh công ty, chăm sóc khách hàng, tạo nên một khối thống nhất. Đi đôi với đó là quy trình chuẩn mực, cơ chế thông thoáng để khuyến khích sáng tạo, phân quyền nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát một cách thông minh. Xây dựng tư duy làm chủ cho cán bộ nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp tạo nền tảng phát triển bền vững, lâu dài.

Buổi hội thảo "Tư duy người chủ" diễn ra mô phỏng theo một buổi học thông thường của chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh chuẩn quốc tế FeMBA và MiniMBA của Viện Quản trị Kinh doanh FSB. Chương trình giúp các nhà quản lý Việt Nam tiếp cận với cách giảng dạy của doanh nhân trong chương trình FeMBA, MiniMBA, xác định mức độ phù hợp của chương trình với nhu cầu học tập của mình trước khi quyết định theo học tại FSB.

Chương trình đào tạo của FSB mang tính thực tiễn cao với 30% giảng viên là các doanh nhân, nhà lãnh đạo đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Nội dung học gắn liền với thực tiễn thông qua 100 tình huống nổi tiếng (case study) về quản trị trên thế giới và Việt Nam.

Viện Quản trị Kinh doanh FSB là một trong trong những trường đầu tiên tại Việt Nam đào tạo MBA với bề dày hơn 21 năm, là đối tác đào tạo cho top 10 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Vietnam Airlines, Dầu khí PVI, VNPT, Viettel, Vietcombank, Điện lực EVN... 

"Tiền đâu?" - Câu hỏi đầu tiên khi bắt đầu khởi nghiệp
Đó không chỉ là nỗi trăn trở của riêng doanh nhân Trần Việt Anh, Công ty Nam Thái Sơn mà còn là nỗi niềm chung của nhiều doanh nghiệp startup tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư