Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
OPEC+ được dự báo nghiêng về phương án tăng cung
Lê Quân - 05/03/2021 08:02
 
Nếu không có sự can thiệp của OPEC+, thật khó tưởng tượng giá dầu lại hồi phục mạnh mẽ như gần đây, kể từ xuống đáy âm trong lịch sử giao dịch vào năm ngoái.
Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Aramco, Saudi Arabia. Ảnh: AFP
Nhà máy lọc dầu của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Aramco, Saudi Arabia. Ảnh: AFP

Sự can thiệp đó cho thấy sức mạnh của liên minh OPEC + khi nắm quyền kiểm soát giá dầu. OPEC +, nói đúng hơn là cuộc họp của liên minh này, một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý. Mọi con mắt đều đổ dồn vào Saudi Arabia và Nga - hai "tay chơi" lớn nhất trong thế trận kiểm soát nguồn cung dầu mỏ.

Dầu Brent và dầu thô liên tiếp chịu áp lực bán tháo trong 3 ngày qua, nhưng giá dầu đã phần nào phục hồi trong hôm qua 3/3. Dầu Brent được giao dịch ở mức 62,89 USD/thùng, tăng 21% tính từ đầu năm đến nay, trong khi dầu thô tăng gần 23% so với hồi đầu năm.

Trong các tác nhân dìm giá dầu thế giới xuống đáy âm 37,63 USD/thùng trong ngày giao dịch lịch sử 20/4/2020 tại Mỹ, Covid-19 và diễn biến tiêm vaccine vẫn là tác nhân chi phối hàng đầu.

Các nhà đầu tư dầu mỏ tin rằng vaccine kháng Covid-19 sẽ chấm dứt thảm họa hiện nay, đồng thời đưa thế giới về gần các hoạt động kinh tế thông thường. Sự lạc quan của họ đã phần nào kích thích nhu cầu dầu mỏ, đẩy giá dầu nhích lên so với hồi đầu năm.

Liên minh OPEC + dự kiến nhóm họp trực tuyến vào chiều 4/5 (giờ London). Sau khi cuộc họp này kết thúc, sẽ diễn ra buổi họp báo công bố quyết định về nguồn cung dầu. Giới giao dịch dầu mỏ dự đoán OPEC + sẽ tăng cung ra thị trường, bởi họ cho rằng những ảnh hưởng bất lợi nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 lên nguồn cung và nhu cầu dầu mỏ đã bắt đầu thuyên giảm.

Do đó, đã đến lúc các cường quốc dầu mỏ "xả" thêm hàng ra thị trường. Hầu hết các thương nhân dầu mỏ nhận định Saudi Arabia, một "tay chơi" dẫn dắt nguồn cung dầu mỏ, sẽ không cắt giảm nguồn cung đơn phương nữa và nhiều khả năng quốc gia này sẽ duy trì nguồn cung dầu mỏ ra thị trường ở mức vừa phải.

Các thành viên OPEC + có chung quan điểm về việc tăng cung ra thị trường, bởi đơn giản là họ đều muốn vậy. Nhưng điều họ sẽ tranh luận tại cuộc họp là nên hay không nên đưa nguồn cung 1,5 triệu thùng/ngày trở lại thị trường.

Cuộc họp lần này đề ra hai mục tiêu chính, bao gồm: xem xét khả năng trở lại mức sản lượng 500.000 thùng/ngày vào tháng 4; và xác định nguồn cung của Saudi Arabia sau khi nước này cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày.

Theo đánh giá của OPEC +, tình trạng dư cung do hoạt động kinh tế toàn cầu chậm lại trong thời gian qua sẽ hoàn toàn chấm dứt vào tháng 8 tới.

Giá dầu được "tiên đoán" sẽ rất nhạy cảm trong 24 giờ tới hoặc sau đó. Thậm chí, giá dầu sẽ rung lắc kịch tính hơn nếu xuất hiện bất đồng giữa các nhà hoạch định chính sách của OPEC+. Saudi Arabia thường do dự trong quyết định tăng cung lớn, trong khi Nga lại đau đầu khi xả van dầu mỏ.

Các thương nhân dầu mỏ rỉ tai nhau về khả năng nguồn cung sẽ tăng cao hơn và một số thành viên OPEC+ sẽ rời khỏi cuộc họp và tỏ rõ bất đồng. Những đồn đoán này nếu trở thành hiện thực, thì cũng là điều hết sức bình thường của OPEC+. Bất luận diễn biến cuộc họp ra sao, các nhà đầu cơ dầu mỏ vẫn tận dụng "sắc mặt" của các thành viên OPEC+ làm cơ hội để giao dịch kiếm lời.

Ông Naeem Aslam, nhà môi giới hàng hóa và cổ phiếu giàu kinh nghiệm về các thị trường đang phát triển và thị trường mới nổi, dự đoán trên Forbes rằng nguồn cung dầu mỏ sẽ tăng trở lại. Nếu OPEC+ thống nhất trở lại sản lượng 500.000 thùng/ngày, sẽ không có nhiều biến động trên thị trường dầu mỏ, nhưng nếu họ chấp thuận tăng cung thêm một triệu thùng/ngày hoặc hơn, dầu mỏ sẽ hứng chịu làn sóng bán tháo dữ dội.

Giá dầu đi xuống, sắc xanh vẫn phủ khắp chứng khoán châu Á
Đa số các chỉ số chứng khoán lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng cửa ngày giao dịch 19/2 trong sắc xanh, dù Phố Wall đêm qua diễn biến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư