Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
OPEC+ "rắn mặt" ghim kế hoạch sản lượng như cũ, bất chấp áp lực từ Mỹ
Lê Quân - 05/11/2021 11:36
 
OPEC+ vừa nhất trí tiếp tục thực hiện kế hoạch sản lượng hiện nay, đồng thời không nới lỏng nguồn cung ra thị trường trong bối cảnh giá dầu thô tăng cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
OPEC+ vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng dần sản lượng khai thác dầu thêm 400.000 thùng mỗi ngày trong tháng.
OPEC+ vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng dần sản lượng khai thác dầu thêm 400.000 thùng mỗi ngày.

Theo đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch sản lượng đã thống nhất vào hồi tháng 8 rằng họ sẽ tăng dần sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng dầu mỗi ngày trong tháng.

"Quyết định được đưa ra trước đó là tăng sản lượng 400.000 (thùng/ngày) mỗi tháng và tôi nhấn mạnh là mức tăng này là hàng tháng, cho đến cuối năm 2022. Hôm nay, quyết định này được tái khẳng định để duy trì các tham số đã được ấn định trước đó", Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết tại cuộc họp báo hôm 4/11. 

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn thế giới đạt mức 81,68 USD/thùng lúc 1:20 chiều 4/11 (giờ ET), giảm 34 cent so với ngày hôm trước.

Khi được hỏi tại sao OPEC+ không tăng sản lượng bất chấp những chỉ trích và sức ép từ những quốc gia tiêu thụ nhiều dầu mỏ như Mỹ, Ấn Độ, và Nhật Bản, Bộ trưởng Novak cho biết OPEC+ đang duy trì sự cân bằng thị trường và vẫn thận trọng trước những thay đổi nhu cầu có thể xảy ra.

Bộ trưởng Novak lý giải: "Từ tháng 8 đến nay, chúng tôi đã bổ sung thêm sản lượng 2 triệu thùng dầu cho thị trường". "Vì vậy, theo kế hoạch, chúng tôi đang cung cấp cho thị trường ngày càng nhiều sản lượng hơn khi thị trường phục hồi, đồng thời chúng tôi cũng nhận thấy nhu cầu dầu mỏ giảm theo mùa trong quý IV và đầu năm, bên cạnh một số dấu hiệu như sự sụt giảm nhu cầu dầu thành phẩm ở EU vào tháng 10".

Bộ trưởng Năng lượng Nga cho rằng điều này "về cơ bản nhấn mạnh đến thực tế là nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn đang chịu áp lực từ biến thể Delta của Covid-19 do việc duy trì các biện pháp hạn chế phòng dịch ở một số quốc gia".

Giá dầu thô thế giới gần đây đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2014 và các nước nhập khẩu nhiều dầu thô đang sốt ruột với giá dầu tăng cao. Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã thẳng thắn chỉ trích việc OPEC+ lừng khừng bơm thêm dầu ra thị trường là nguyên nhân khiến giá năng lượng ở Mỹ và trên thế giới tăng mạnh.

Trước việc báo chí đề nghị bình luận về sự thất vọng của các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu mỏ đối với giá dầu hiện nay, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Suhail Al Mazrouei đã lái câu trả lời về sự tập trung của OPEC+ vào vấn đề cung - cầu.

"Tôi muốn nhắc lại tầm quan trọng của các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ đối với chúng tôi với tư cách là nhà sản xuất. Họ là đối tác, chúng tôi hợp tác với họ để tiến tới sự phục hồi suôn sẻ sau đại dịch", Bộ trưởng Suhail Al Mazrouei nói.

"Vì vậy, điều quan trọng đối với một liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ như chúng tôi là phải thực hiện các biện pháp phù hợp, giải quyết những lo ngại mà chúng tôi đã nhận được từ nhiều quốc gia", ông Suhail Al Mazrouei nói thêm, đồng thời dự đoán thị trường dầu mỏ sẽ dư cung vào quý I/2022.

Bộ trưởng Năng lượng UAE cũng cho rằng quyết định tăng sản lượng 400.000 thùng mỗi ngày sẽ "đưa chúng ta đến lúc đó (dư cung - BTV) một cách suôn sẻ và chúng tôi đang hy vọng rằng tái cân bằng thị trường sẽ diễn ra trong quý I và quý II (2022)".

Mỹ hối thúc OPEC+ tăng sản lượng khai thác dầu
Ngày 11/8, giới chức Mỹ hối thúc OPEC+ tăng sản lượng dầu nhằm đối phó với giá dầu đang tăng đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư