Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Ôsin bệnh viện: Danh thấp nhưng lương cao
Bảo Chi - 20/12/2013 20:09
 
Không cần bằng cấp, chẳng lo chỗ ở, mỗi tháng vẫn có thể kiếm cả chục triệu đồng. Đó là lý do khiến họ bỏ cả ruộng vườn, nhà cửa, dắt díu nhau lên Hà Nội để hành nghề ôsin bệnh viện.
TIN LIÊN QUAN
Chị Phượng đang túc trực bên giường bệnh nhân
Chị Phượng đang túc trực bên giường bệnh nhân

Cần là có
Chị Hồng Vân (ở chung cư 93 Lò Đúc, Hà Nội) đưa bố bị đột quỵ vào điều trị tại khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị đã được 7 ngày, chia sẻ: “Nhà neo người, vợ chồng mình cùng với vợ chồng cậu em đều là công chức, con còn nhỏ... Bác sĩ cho biết, ông cụ phải điều trị dài ngày, nên gia đình đã họp và quyết định mượn người trông“. Theo giới thiệu của y tá khoa, gia đình chị Vân mượn được anh Thao, nhà ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ đã có thâm niên làm ôsin bệnh viện 3 năm. Nhìn anh Thao khỏe mạnh, nhanh nhẹn, sạch sẽ, không nề hà lau rửa, bế ẵm ông, chị Vân rất yên tâm. Theo thỏa thuận, anh Thao sẽ nhận trông bệnh nhân 24/24h, với mức lương tính là 300.000 đồng/ngày, cứ 5 ngày nhận lương một lần.

"Dù công việc rất vất vả, không phải ai cũng làm được nhưng với mức thù lao 150.000 - 200.000đồng/ngày (người mới vào nghề) và 250.000 -300.000 đồng/ngày (người có kinh nghiệm) thì quả là khoản thu nhập lý tưởng với người dân nông thôn. Vì vậy, những ai đã gắn bó với công việc này rất ít khi bỏ việc...”.
Chị Nguyễn Thị Phượng
quê Vĩnh Phúc, hiện đang làm ôsin tại
Bệnh viện Hữu Nghị chia sẻ

Chị Thu Hiền (ở Thanh Xuân, Hà Nội) có mẹ đang nằm điều trị ở Khoa Thần kinh cho hay: “Mẹ mình nằm viện gần chục ngày rồi, đây là lần thứ 2 trong năm, cụ phải nhập viện, lần nào cũng nằm ngót nghét cả tháng. Cụ ốm đau nên khó tính, con cái cũng phân công lần lượt vào chăm cụ, nhưng cụ vẫn hay phàn nàn. May sao đợt này, gia đình mượn được một chị giúp việc ở Thanh Hóa, trông nom cẩn thận mà khéo chuyện, bà cụ ưng ý. Giá thuê là 280.000 đồng/ngày, tốn tiền đấy nhưng nhẹ cả người, con cái yên tâm làm việc, giờ chỉ thay phiên nhau chạy đi chạy lại thôi”.

Cũng như gia đình chị Vân, chị Hiền, nhiều gia đình đô thị neo người, lại bận rộn công việc cơ quan, chăm sóc con cái, nên khi cha mẹ, người thân ốm đau phải nằm viện, giải pháp tối ưu họ tìm đến là đội ngũ ôsin bệnh viện. Có lẽ vì thế mà tại Phòng Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, có 6 bệnh nhân nằm điều trị thì có tới 5 gia đình thuê người trông nom. Cả nhà làm ôsin
10h30,trong khuôn viên sân của Bệnh viện Hữu Nghị, từng tốp cả nam lẫn nữ độ tuổi từ 30-50 đang rôm rả vừa tranh thủ ăn trưa vừa trò chuyện. Đó chính là đội quân chuyên nhận chăm sóc người bệnh tại bệnh viện này. Chị Nguyễn Thị Phượng (quê ở Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Từ 8h30 đến 11h, bọn em phải ra ngoài phòng bệnh để bác sĩ, y tá thăm khám, nên giờ tranh thủ ăn để còn kịp vào trông bệnh nhân. Em làm ở đây cũng gần 5 năm rồi”. Chỉ tay vào chị Nguyễn Thị Thúy ngồi bên cạnh, chị Phượng cho biết cả 2 vợ chồng đều làm nghề này.
Chị Thúy kể: 5 năm trước, chị theo bạn lên Hà Nội làm công việc này. Sau 3 năm làm ôsin bệnh viện, thành thạo các công việc như làm vệ sinh cá nhân, cho bệnh nhân ăn qua ống thông, túc trực theo dõi tình trạng bệnh nhân nếu có bất thường phải ngay lập tức thông báo cho bác sĩ… chị đã bàn với chồng gửi cô con gái lúc đó đã lên lớp 6 và cậu con trai lên lớp 3 cho ông bà nội rồi cùng lên Hà Nội làm nghề chăm bệnh. “Làm nghề này vất vả lắm, nhưng thu nhập đúng là mơ ước đối với vợ chồng tôi, nên đành cố. Giờ còn khỏe, tranh thủ làm ăn, sau về già có tý lưng vốn cho con cái học hành”, chị Phượng phân trần.
Chị Thúy cho biết, trong đội ngũ ôsin bệnh viện, nhiều người là người thân trong gia đình... người nọ dắt díu người kia vào bệnh viện kiếm sống. “Bệnh nhân là người già với nhiều bệnh mãn tính như: Tiểu đường, hen suyễn, tim mạch, ung thư... và thường phải nằm điều trị tại viện trong thời gian dài. Trong khi hầu hết các gia đình đều neo người, nên chúng em ít khi thất nghiệp”, chị Thúy cho hay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư