Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 05 tháng 11 năm 2024,
Ôtô dưới 7 chỗ không dán nhãn năng lượng bị phạt thế nào?
Hoàng Nam - 24/12/2014 08:53
 
Bắt đầu từ ngày 1/1/2015, tức là chỉ còn 7 ngày nữa, xe ô tô dưới 7 chỗ ngồi được sản xuất mới và nhập khẩu sẽ buộc phải dán nhãn năng lượng. Đây là quy định bắt buộc của Thông tư liên tịch 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT – Thông tư 43). Tuy vậy, hiện có không ít doanh nghiệp thắc mắc, sẽ xử lý ra sao với doanh nghiệp cố tình không thực hiện quy định này. Nguyên do Thông tư 43 đã không cụ thể hóa chế tài xử lý.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Rối với tem xanh, tem vàng
Những bước cần làm khi chọn mua ôtô cũ
Ô tô đồng loạt nằm im chờ giảm thuế

Không chỉ có vậy, sự băn khoăn còn được thể hiện ở chỗ, Thông tư 43 quy định “cơ quan quản lý chất lượng” có quyền quyết định đình chỉ dán nhãn năng lượng và đưa thông tin lên trang thông tin điện tử của mình khi cơ sở sản xuất, nhập khẩu kinh doanh xe vi phạm việc dán nhãn năng lượng, nhưng lại không chỉ ra “cơ quan quản lý chất lượng” là cơ quan nào.

Ôtô dưới 7 chỗ không dán nhãn năng lượng bị phạt thế nào?
Mức xử phạt cao nhất đối với doanh nghiệp cố tình không thực hiện quy định có thể lên tới 200 triệu đồng

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) cũng cho hay, Cục này có quyền không cấp đăng kiểm cho xe ô tô của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu xe là dựa trên các tiêu chuẩn cần phải có để được công nhận đủ điều kiện lắp ráp, sản xuất hoặc nhập khẩu. Còn liên quan đến dán nhãn năng lượng xe, Cục Đăng kiểm không có thẩm quyền xử lý nếu doanh nghiệp không thực hiện.

“Chắc là cơ quan Quản lý thị trường của Bộ Công thương mới được xử phạt với các cơ sở kinh doanh những loại xe được sản xuất mới hoặc nhập khẩu từ ngày 1/1/2015 nếu không dán nhãn năng lượng khi đưa ra bán trên thị trường”, đại diện Cục Đăng kiểm phỏng đoán.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã quy định việc xử phạt này.

Như vậy là, dù tới ngày 1/1/2015 ô tô du lịch dưới 7 chỗ ngồi mới phải dán nhãn năng lượng, nhưng chuyện xử phạt các doanh nghiệp không tuân thủ việc này đã được quy định từ tháng 10/2013. Cụ thể là Điều 26 và 30 của Nghị định 134/2014/NĐ-CP đã quy định rất chi tiết việc xử phạt.

Cũng theo quy định tại Điều 40 và Điều 41, Nghị định 134/2013/NĐ-CP, các doanh nghiệp có sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô thuộc diện bị dán nhãn năng lượng sẽ phải chịu sự giám sát của 3 cơ quan liên quan là Chánh thanh tra giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải), cơ quan quản lý thị trường và Chủ tịch UBND tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương). Mức xử phạt cao nhất cho hành vi vi phạm trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương thuộc phạm vi quản lý có thể lên tới 200 triệu đồng.

Cho tới thời điểm này, trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn tiếp tục công bố danh sách các loại xe cần dán nhãn năng lượng, nhưng vẫn chỉ theo hình thức tự công bố, tức là sẽ dán tem năng lượng màu vàng. Mặc dù vậy cũng đã có hãng xe như Hyundai Thành Công đã gửi hồ sơ đến đăng ký công bố tem năng lượng màu xanh lá cây, tức là các thông số tiêu thụ năng lượng đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận đã kiểm định.

Theo nhận định của Phòng Xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), không loại trừ tình trạng, các xe ô tô được nhập khẩu, sản xuất trước thời điểm ngày 1/1/2015 nhưng chưa tiêu thụ được sẽ lại nộp hồ sơ để công bố mức tiêu hao nhiên liệu và thực hiện dán nhãn. Nguyên do là, nếu không được dán nhãn năng lượng, người tiêu dùng sẽ có thể không mua. “Nếu doanh nghiệp đổ xô đi dán nhãn năng lượng cho cả các xe không thuộc diện phải dán nhãn, thì cơ quan đăng kiểm rất hoan nghênh và sẵn sàng phục vụ”, đại diện Phòng Xe cơ giới nhận xét.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư