Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
PAN đẩy nhanh tiến độ thâu tóm Bibica và VFC
Anh Hoa - 01/05/2021 10:45
 
PAN đẩy nhanh tốc độ mua lại thêm cổ phần Bibica từ Lotte và nâng tỷ lệ sở hữu tại VFC lên trên 50%, để hoàn thiện chuỗi giá trị trong mảng nông nghiệp.

CTCP Tập đoàn PAN (HNX: PAN) đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2021.

Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.680 tỷ đồng, tăng 31% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 50 tỷ đồng, tăng 75% so với quý I/2020. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 22,4 tỷ, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng doanh thu quý I năm nay chủ yếu đến từ mảng tôm xuất khẩu (tăng 36%), giống, nông sản (tăng 11%), bánh kẹo (tăng 63%) và cà phê (tăng 41%).

Riêng mảng hạt điều, PAN đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh các sản phẩm giá trị gia tăng có thương hiệu, giảm tỷ trọng kinh doanh điều thô vốn mang lại doanh thu cao nhưng tỷ suất sinh lời rất thấp.   

Về lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 50 tỷ đồng, tăng 75% và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 22,4 tỷ, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn so với cùng kỳ năm trước được đóng góp chủ yếu từ các mảng giống và nông sản (tăng 111%, đạt 34 tỷ), hạt (tăng 195%, đạt 5.5 tỷ), bánh kẹo (tăng gấp gần 6 lần từ 1 tỷ quý I/2020 lên 7,5 tỷ quý I/2021), nước mắm truyền thống (tăng 32%, đạt 6.5 tỷ). Mảng cà phê cũng giảm lỗ so với cùng kỳ 2020, đạt mức hòa vốn.

Mảng tôm xuất khẩu tăng 36%, đóng góp tăng trưởng doanh thu quý 1 năm nay cho PAN
Mảng tôm xuất khẩu tăng 36%, đóng góp tăng trưởng doanh thu quý I năm nay cho PAN

Do chi phí logistic và nguyên liệu đầu vào tăng cao trong quý I, mảng tôm xuất khẩu mặc dù doanh thu tăng trưởng 36% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 23%, đạt 31 tỷ. Công ty liên kết VFC đạt lợi nhuận sau thuế 32 tỷ tăng 29% so với cùng kỳ 2020, đóng góp 11 tỷ (tương đương quý I/2020) vào lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn.

Tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn đạt 11.929 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu kỳ. Các chỉ số khả năng thanh toán và hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cũng gần mức tương đương số tại thời điểm 31/12/2020.

Quý I/2021 sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong vận tải và logistics.

Tình trạng thiếu container rỗng diễn ra phổ biến, làm tăng chi phí vận chuyển, là chi phí đầu vào chính của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ở trong nước, dịch bệnh bùng phát lần 3 ở thời điểm trùng với Tết Nguyên đán cũng khiến nhu cầu đi lại, tiêu thụ hàng hoá sụt giảm. Nhiều mặt hàng nông sản tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội không tiêu thụ được. Việc canh tác của bà con và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên các địa bàn này gặp nhiều khó khăn.

Trong các quý tiếp theo, PAN tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi, tập trung tiết giảm chi phí.

Đáng chú ý, PAN sẽ đẩy nhanh việc mua lại cổ phần BBC từ Lotte để thực hiện kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại BBC lên 100%, đồng thời tiếp tục nâng tỉ lệ sở hữu tại CTCP Khử trùng Việt Nam  (VFC) lên trên 50% để hoàn thiện chuỗi giá trị trong mảng nông nghiệp.

PAN chào mua công khai để sở hữu toàn bộ Bibica, được xem là một tín hiệu mới, giúp đa dạng hơn các xu hướng phát triển của các doanh nghiệp Việt
PAN chào mua công khai để sở hữu toàn bộ Bibica là một tín hiệu giúp đa dạng hơn các xu hướng phát triển của các doanh nghiệp Việt

Cuối năm 2020, PAN công bố kết quả chào mua công khai cổ phiếu VFG của VFC.  PAN đã mua thành công 2,15 triệu cổ phiếu trên tổng số 4,8 triệu đơn vị dự kiến chào mua. Tỉ lệ thành công tương ứng là 45%.

Sau giao dịch, tổng lượng cổ phiếu VFG mà PAN Group nắm giữ là 15,3 triệu đơn vị, tương đương 47,97% vốn điều lệ của Khử trùng Việt Nam. Với tỉ lệ sở hữu hiện tại, PAN vẫn chưa thể nắm quyền chi phối tại VFC.

Trước đó, PAN đã thông tin về kế hoạch chào mua công khai hơn 4,8 triệu cổ phiếu VFG, tương đương 15% vốn điều lệ của công ty với giá 50.000 đồng/cp.

Nếu chào mua thành công, PAN sẽ nâng sở hữu tại VFG từ 41,26% lên 56,25%. Với mức giá chào mua trên, ước tính PAN sẽ chi ra khoảng 240 tỷ đồng để thâu tóm VFC.

Nguồn vốn thực hiện lấy từ vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tổng vốn chủ sở hữu của PAN tại ngày 30/6 là 5.960 tỷ đồng.

PAN định hướng phát triển thành công ty về nông nghiệp và thực phẩm nhờ chiến lược phát triển hữu cơ, mua lại và hợp nhất các công ty hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm.

Theo đó, PAN sẽ tập trung theo đuổi mục tiêu dài hạn là phát triển ba mảng kinh doanh lớn gồm nông nghiệp, thực phẩm và phân phối hàng tiêu dùng nên việc chào mua công khai cổ phần của VFG sẽ giúp PAN khép kín qui trình sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, tối ưu hoá lợi nhuận.

PAN và Lotte tiếp tục “bất đồng” tại Bibica
Theo Nghị quyết và biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của CTCP Bibica (mã: BBC) vừa đăng tải hôm nay, đã có hàng loạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư