Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
PCI Quảng Ninh 2019 - Đứng đầu bảng xếp hạng nhưng chưa phải cao nhất
Thu Lê - 25/05/2020 14:18
 
Đây là khẳng định của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại Hội nghị Phân tích chuyên sâu chỉ số PCI của tỉnh năm 2019 diễn ra trong sáng nay, ngày 25/5.

Trong 3 năm liên tiếp (từ 2017-2019), Quảng Ninh đã duy trì vị trí đầu bảng và 07 năm liên tiếp (từ 2013-2019) nằm trong top 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Tuy nhiên, PCI là một cuộc đua liên tục, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng và bền bỉ của mỗi địa phương.

Đối với Quảng Ninh, so sánh với mục tiêu, kỳ vọng đặt ra tại văn bản số 3254/UBND-TM5 của UBND tỉnh ban hành ngày 15/5/2019, có 07 chỉ số đạt mục tiêu và 03 chỉ số không đạt mục tiêu. Trong tổng số 128 chỉ số con so với năm 2018, chỉ có 30/128 chỉ số con đạt mục tiêu (chiếm 23.44%) và 98/128 chỉ số con không đạt mục tiêu (chiếm 76.56%). Do vậy, Quảng Ninh vẫn còn rất nhiều dư địa để cải cách.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với điểm cầu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với điểm cầu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thu Lê.

Nhìn vào bảng xếp hạng 10 chỉ số thành phần PCI 2019 và so sánh với năm 2018, thì có 06 chỉ số tăng điểm và tăng hạng, 02 chỉ số tăng điểm nhưng giảm hạng và 02 chỉ số giảm điểm và giảm hạng. Đáng lưu ý, năm nay chỉ số Chi phí Gia nhập thị trường tiếp tục giảm điểm và giảm 24 bậc, từ vị trí thứ 01 (trong 02 năm liên tiếp 2016 và 2017), rơi xuống vị trí thứ 12/63 năm 2018 và vị trí thứ 36/63 năm 2019. Hơn nữa, Quảng Ninh không có chỉ số thành phần nào đứng đầu bảng xếp hạng so với các địa phương khác. "Nên có thể nói, Quảng Ninh dù đứng đầu về tổng điểm trung vị nhưng chưa thể coi là đạt kết quả cao nhất", ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

“Báo cáo phân tích kết quả PCI từng chỉ số thành phần và từng chỉ số con năm 2019 đã chỉ ra rằng, các sở, ngành và địa phương còn rất nhiều việc phải làm, phải nỗ lực hết sức để khắc phục những hạn chế, điểm yếu trong năm 2019”, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh trong lời mở đầu Hội nghị. Ông Ký đề nghị các đại biểu cùng tham gia phân tích thẳng thắn cũng như đóng góp các giải pháp thiết thực giúp Quảng Ninh cải thiện các chỉ số thành phần, giữ vững thứ hạng.

Hội nghị phân tích chuyên sâu đánh giá chỉ số PCI 2019 của Quảng Ninh đã chỉ ra những hạn chế cần phải khắc phục trong năm 2020.
Hội nghị phân tích chuyên sâu đánh giá chỉ số PCI 2019 của Quảng Ninh đã chỉ ra những hạn chế cần phải khắc phục trong năm 2020.

Đóng góp với Quảng Ninh, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI phân tích: trong năm 2019, số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng 10 ngày so với 2018; số doanh nghiệp gặp khó khăn tăng đến 15%; việc cung cấp thông tin về đất đai chưa thuận lợi, nhanh chóng tăng 13%. Vậy nên, Quảng Ninh cần cải thiện mạnh mẽ việc tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh. Đây là 1 trong 2 yếu tố có tính “mặt tiền” trong việc thu hút nhà đầu tư.

Thủ tục hậu đăng ký doanh cũng cần thuận lợi hơn, bởi hiện điểm số Gia nhập thị trường của Quảng Ninh mới chỉ đứng thứ 6/63 tỉnh thành và có xu hướng chững lại.  Về thủ tục hậu đăng ký kinh doanh, ông Tuấn cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải mất hơn 1 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục và chính thức đi vào hoạt động đã tăng từ 13% năm 2018 – lên 20% năm 2019.

Doanh nghiệp vẫn đòi hỏi chính quyền tỉnh Quảng Ninh phải nỗ lực cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính nhiều hơn nữa dù vẫn nằm trong top 10. Đến 50% số doanh nghiệp lớn cũng phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật.

Trong năm 2019, số giờ trung vị cho mỗi cuộc làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế đã tăng từ 8h (năm 2018) lên 22 giờ; số ngày doanh nghiệp chờ đợi để nhận được thông tin và văn bản sau khi đã đề nghị cơ quan địa phương cung cấp tăng từ 4 lên 5 ngày. Gánh nặng chi phí không chính thức nhìn chung giảm nhưng vẫn chưa có cải thiện rõ ràng trong hoạt động thanh, kiểm tra và thủ tục hành chính về đất đai.

Quảng Ninh phải minh bạch hơn nữa về thông tin và sự nhất quán trong thực thi chính sách. Theo khảo sát, có đến 64% doanh nghiệp siêu nhỏ không bao giờ hoặc hiếm khi dự liệu được các thay đổi quy định pháp luật của địa phương; đến cả các doanh nghiệp lớn được khảo sát thì đều có nhận định là thi thoảng dự liệu được.

Theo đánh giá PCI 2019, Quảng Ninh nằm trong top 8 tỉnh thành phố được nhiều doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn nhiều nhất để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. “Tuy nhiên, để các nhà đầu tư đi từ ý định đến hành động thì bên cạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như đã phân tích ở trên thì Quảng Ninh cần tiếp tục phát huy các thế mạnh của địa phương để mời gọi đầu tư.”, ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư