Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
PCI Quảng Ninh - Giải bài toán đụng trần thể chế
Thu Lê - 22/04/2019 08:49
 
Năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp, Quảng Ninh giữ ngôi quán quân trong Bảng Xếp hạng PCI của cả nước. Có những chỉ số thành phần khó như Tiếp cận đất đai, Chi phí không chính thức… đã được cải thiện mạnh mẽ. Song, Quảng Ninh vẫn còn nhiều trăn trở khi khoảng cách đến mức điểm tuyệt đối còn rất lớn.
TIN LIÊN QUAN
Năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp, Quảng Nĩnh giữ ngôi vị quán quân trong Bảng Xếp hạng PCI cả nước.
Năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp, Quảng Nĩnh giữ ngôi vị quán quân trong Bảng Xếp hạng PCI cả nước.

Dư địa còn lớn

Khi công bố Bảng Xếp hạng PCI 2018, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), đại diện Nhóm Nghiên cứu PCI 2018 đã khẳng định: “Lĩnh vực thường khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư khó hài lòng là thủ tục hành chính đất đai. Nhưng với Quảng Ninh, có tới 65% doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục này trong 2 năm qua lại không thấy gặp khó khăn. Và Quảng Ninh cũng đứng đầu cả nước về chỉ tiêu này”.

Có tới 80% doanh nghiệp trả lời điều tra PCI tại Quảng Ninh cho biết, thời gian thực hiện thủ tục hành chính rút ngắn hơn so với quy định và 74% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản. Nhờ đó, trong Bảng Xếp hạng PCI 2018, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giành chiến thắng thuyết phục khi đứng đầu với 70,36 điểm.

Tuy tổng điểm có giảm nhẹ so với năm 2017, song điều đó không phản ánh rằng, địa phương này đang giảm động lực cải cách. Nhiều chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI đã có sự tăng điểm và tăng thứ hạng so với năm 2017. 

Nhưng nhìn lại những chỉ số giảm điểm của Quảng Ninh và điểm số của các địa phương trong top 10, sẽ thấy được những áp lực lớn dành cho đơn vị dẫn đầu này. Đó là áp lực từ đòi hỏi ngày càng cao của chính cộng đồng doanh nghiệp, là áp lực tự vượt qua chính mình để nâng cao điểm số và giữ vững ngôi vị quán quân.

Nhìn sang Đồng Tháp - địa phương xếp thứ hai này đã tiếp tục phá vỡ kỷ lục của mình, khi đạt 70,19 điểm và xác lập năm thứ 11 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Các địa phương xếp thứ hạng sau cũng có điểm số bám sát nhau và cách biệt không lớn.

Hơn nữa, sau nhiều năm thực hiện xếp hạng PCI, các địa phương có ngưỡng điểm cao nhất không thay đổi nhiều, chỉ quanh mốc 70 điểm. Báo cáo PCI 2018 - Hồ sơ 63 tỉnh, thành phố đã chỉ rõ: “Những tỉnh đứng đầu, sau khi đã triển khai nhiều sáng kiến ở những khâu dễ cải cách như đăng ký doanh nghiệp, dường như lại vấp phải hiện tượng ‘đụng trần thể chế’, nên khó có thể triển khai các sáng kiến để tăng tốc cải cách”.

Và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã nhắc đến việc tạo ra “làn sóng cải cách lần thứ hai” của môi trường kinh doanh, để tạo dư địa cho các địa phương bứt phá.

“Vậy nên, nếu tiếp tục tạo được làn sóng cải cách mạnh mẽ hơn, đi vào chiều sâu hơn, thì khoảng cách gần 30 điểm so với điểm số tuyệt đối sẽ là cơ hội lớn trong hành trình để Quảng Ninh tự nâng hạng chính mình”, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

Vượt trần thể chế chứ không bất chấp để “xé rào”

Mới đây, chia sẻ quan điểm về làn sóng cải cách từ địa phương, ông Đậu Anh Tuấn đã nhắc lại những hệ quả từ sự năng động, sáng tạo từ địa phương khi không có khung khổ pháp luật phù hợp và giám sát chặt chẽ. Các địa phương thi nhau “xé rào” ưu đãi, dẫn đến tình trạng “cạnh tranh xuống đáy”; các địa phương cạnh tranh đầu tư xây dựng các hạ tầng lớn mà thiếu tính quy hoạch tổng thể, thiếu tính kết nối… đã khiến Chính phủ phải có những biện pháp mạnh để chấn chỉnh tình trạng đó.

Vậy vấn đề đặt ra, phải giải bài toán “đụng trần thể chế” bằng cách nào để không mắc lại sai lầm như trong lịch sử?

Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 1/1/2019 đã trao cho các địa phương lời giải - đó là cơ hội được đóng góp ý kiến vào quá trình cải cách mạnh mẽ của Chính phủ. Cụ thể, mục III của Nghị quyết đã yêu cầu các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số cũng như các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần có trách nhiệm kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số được phân công.

Ông Tuấn từng chia sẻ: “Làn sóng cải cách âm thầm, nhưng mạnh mẽ nhất lại đến từ chính các tỉnh, thành phố. Chúng ta thường thấy chính sách được ban hành, nhưng ít khi thấy được những đóng góp âm thầm từ thực tế các địa phương”. Vậy nên, vai trò của chính quyền địa phương càng quan trọng trong việc giải quyết vấn đề “đụng trần thể chế” khi nói về PCI trong vài năm trở lại đây.

“Bất kỳ chính sách, hay quy định pháp lý nào cũng cần một độ trễ để đi vào cuộc sống, để bộc lộ những ưu, khuyết điểm. Hay cả với những chính sách đang tham vấn ý kiến cộng đồng thì chính quyền các địa phương, theo tôi, không riêng gì Quảng Ninh, phải đi cùng với doanh nghiệp, lắng nghe thường xuyên tiếng nói của họ, để thấy và hiểu những khó khăn, vướng mắc mà họ đang gặp phải. Vấn đề nào trong phạm vi quyền hạn của địa phương thì phải giải quyết ngay, vấn đề nào vượt trần thì nhanh chóng ghi nhận và gửi kiến nghị về Trung ương. Chính những tiếng nói từ địa phương, từ cộng đồng doanh nghiệp được phản ánh trung thực sẽ là cơ sở để Trung ương có những điều chỉnh, những quyết sách đúng đắn”, ông Thắng bày tỏ quan điểm.

Đích đến cuối cùng là vì doanh nghiệp

Nghị quyết 02/NĐ-CP năm 2019 được ban hành với những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia. Chỉ khi vị thế, uy tín của địa phương mình, của quốc gia được thăng hạng thì mới tạo động lực để hút dòng vốn, các nguồn lực, nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Uy tín của cộng đồng doanh nghiệp địa phương, quốc gia cũng từ đó mà nâng lên, gia tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Nói cách khác, những hành động quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đang hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tạo động lực phát triển cho quốc gia. Sau khi Nghị quyết 02 được ban hành, ngày 8/3/2019, Quảng Ninh đã chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch 61/KH-UBND để triển khai cụ thể, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong triển khai Nghị quyết 02.

Ở Quảng Ninh, việc điều tra, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương - DDCI năm 2018 đã có một điểm mới mà chưa địa phương nào làm được, đó là thu thập thông tin dữ liệu về doanh nghiệp để đánh giá năng lực điều hành (CMI) và trách nhiệm xã hội (CSR) của cộng đồng doanh nghiệp. “Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện điều này. Không chỉ sử dụng bộ chỉ số DDCI làm hàn thử biểu chính quyền, mà còn là thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua tiếng nói của chính họ”, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá cao sáng kiến của Quảng Ninh.

“Việc bổ sung đánh giá năng lực và sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh là cách để chính quyền tỉnh Quảng Ninh hiểu được doanh nghiệp của mình đang ở tình trạng nào, còn yếu ở vấn đề gì mà có chính sách hỗ trợ sao cho thiết thực”, bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng ban Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh chia sẻ.

Báo cáo PCI 2018 của VCCI đã tiến hành một nghiên cứu đặc biệt với chủ đề mới “liệu việc hội nhập toàn cầu có tác động thúc đẩy doanh nghiệp trong hoạt động giải quyết tranh chấp và mở rộng kinh doanh hay không”. Từ đây, nhìn lại DDCI 2018 của Quảng Ninh, có thể thấy ngay tính kịp thời, sự chủ động và sáng tạo của địa phương. Nhận rõ các thách thức mới dành cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại tự do đang và sẽ có hiệu lực (trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP), Quảng Ninh đã chủ động “khám bệnh” cho doanh nghiệp để có những “toa thuốc” hiệu nghiệm.  

Sắp tới, bên cạnh Hội nghị Phân tích, đánh giá kết quả PCI năm 2018, Quảng Ninh sẽ tổ chức đánh giá lại 3 năm thực hiện DDCI, để rút ra những kinh nghiệm, tìm ra cách làm mới nhằm giúp doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi nhiều hơn; để niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư dành cho tỉnh ngày càng được nhân lên. Như ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh từng nhấn mạnh, nếu Quảng Ninh để tụt hạng thì cái mất không chỉ là vị trí quán quân, mà là niềm tin - đó là “cái mất rất lớn”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư