Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Petrolimex “đánh bạc” với hàng tồn kho?
Chí Tín - 13/05/2017 08:11
 
Hàng tồn kho tăng mạnh trong quý I/2017 đang đặt đại gia số 1 ngành xăng dầu trước “canh bạc” lớn khi khó đoán định giá xăng dầu thời gian tới.
TIN LIÊN QUAN

Doanh thu tăng vọt

Trong quý I/2017, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX, sàn HOSE) đạt mức tăng trưởng doanh thu khá ấn tượng, với tổng doanh thu thuần hợp nhất là 35.801 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân chính khiến doanh thu của Petrolimex tăng là do giá dầu thô thế giới tăng. Cụ thể, giá dầu thô bình quân quý I/2017 là 51,78 USD/thùng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2016 (giá bình quân quý I/2016 là 33,63 USD/thùng).

Doanh thu tăng mạnh, nhưng tổng lợi nhuận trước thuế của Petrolimex vẫn giảm nhẹ, chỉ đạt 1.350 tỷ đồng, bằng 98,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi cơ bản trên cổ phiếu của đại gia ngành xăng dầu này đạt 868 đồng/cổ phiếu, giảm gần 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

.
.

Trong các hoạt động kinh doanh cụ thể, lợi nhuận trước thuế của kinh doanh xăng dầu của Petrolimex là 755 tỷ đồng, chiếm 55,9% tổng lợi nhuận hợp nhất. Các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu đạt tổng lợi nhuận trước thuế 595 tỷ đồng, chiếm 44,1%.

Cổ phiếu PLX vừa lên sàn tháng 4/2017 và hiện được giao dịch quanh mức 47.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, PLX là một trong những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Canh bạc” hàng tồn kho

Điểm đáng chú ý nhất trong hoạt động của Petrolimex trong quý I/2017 là hàng tồn kho tăng vọt. Theo bảng cân đối kế toán, giá trị hàng tồn kho cuối quý I/2017 là 11.600 tỷ đồng, tăng  3.000 tỷ đồng so với con số 8.600 tỷ đồng hồi cuối năm 2016. Tại báo cáo lưu chuyển tiền tệ, số tăng/giảm hàng tồn kho của Petrolimex trong quý I/2017 âm tới 2.980 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này trong quý I/2016 là dương 1.455 tỷ đồng.

Các khoản lợi nhuận ngoài xăng dầu của Petrolimex trong quý I/2017
Lĩnh vực hóa dầu, nhựa đường, hóa chất đạt 224 tỷ đồng;
Lĩnh vực kinh doanh gas đạt 45 tỷ đồng;
Lĩnh vực kinh doanh vận tải viễn dương, vận tải đường sông, vận tải bộ đạt 53 tỷ đồng;
Lĩnh vực kinh doanh nhiên liệu hàng không đạt 83 tỷ đồng;
Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng đạt 57 tỷ đồng;
Lĩnh vực kinh doanh kho đạt 57 tỷ đồng;
Lợi nhuận của 2 công ty tại nước ngoài đạt 15 tỷ đồng;
Xây lắp, cơ khí, hạ tầng, tin học, xuất nhập khẩu… đạt 61 tỷ đồng.

Giải thích về hiện tượng trên, ông Lưu Văn Tuyển, Giám đốc tài chính Petrolimex cho biết, giá xăng dầu năm nay đã tăng đáng kể so với năm ngoái, khiến giá trị hàng tồn kho cũng tăng lên tương ứng. Ngoài ra, trong năm nay, khối lượng hàng bán ra giảm, trong khi hàng nhập vào nhiều hơn.

Cụ thể, sản lượng xuất bán hợp nhất quý I/2017 là 2.734.851 m3, chỉ bằng 95,2% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó sản lượng xuất bán xăng dầu nội địa của các công ty trong nước là 1.978.533 m3, bằng 94,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Vốn lưu động đọng nhiều trong hàng tồn kho, khiến Petrolimex đang phải chịu khá nhiều áp lực trong việc cân đối nguồn tiền kinh doanh. Theo đó, cho dù quý I/2017, Petrolimex đã thực hiện công tác thu nợ khá tốt (tăng, giảm các khoản phải thu chỉ bị âm 400 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức âm hơn 1.700 tỷ đồng năm ngoái), nhưng tổng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn bị âm tới hơn 1.800 tỷ đồng. Do vậy, trạng thái dòng tiền đầu năm 2017 đang xấu hơn nhiều so với con số dương 1.700 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016.

Để bù đắp dòng tiền, trong quý I/2017, đại gia số 1 ngành xăng dầu này đã phải gia tăng vay nợ, với mức chênh lệch (vay thêm và trả bớt nợ) lên tới 3.167 tỷ đồng.

Trong kinh doanh, việc dự trữ khối lượng lớn hàng tồn kho sẽ giúp công ty tối ưu hóa lợi nhuận nếu giá nguyên vật liệu tăng dần đều theo thời gian, nhờ có thể bán được hàng ra thị trường với giá cao hơn, trong khi đã nhập hàng khi giá còn ở mặt bằng thấp trước đó. Tuy nhiên, lá bài này có 2 mặt và “canh bạc” với hàng tồn kho cũng ẩn chứa khá nhiều rủi ro, bởi nếu diễn biến giá đi xuống thì đồng nghĩa việc doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lợi nhuận (thậm chí có thể lỗ) để trả giá cho việc mua cao - bán thấp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư