Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Petrosetco xoay sở với khoản lỗ từ đầu tư chứng khoán
Duy Bắc - 07/08/2022 08:28
 
Thay vì giống các doanh nghiệp có gốc từ PVN dùng tiền mặt gửi ngân hàng, Petrosetco (mã PET) lại đẩy mạnh đầu tư chứng khoán và gây thua lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm 2022.
Petrosetco đang chịu sức ép tài chính lớn từ đầu tư chứng khoán. Ảnh: Lê Toàn

Lỗ lớn do đầu tư chứng khoán

Tính tới cuối quý II/2022, giá trị chứng khoán kinh doanh của Petrosetco là 582,3 tỷ đồng, nhưng trích lập dự phòng lên tới 171,8 tỷ đồng, bằng gần 30% tổng danh mục, điều này đồng nghĩa tạm lỗ 30% tổng danh mục đầu tư chứng khoán. Mặc dù vậy, Công ty không thuyết minh chi tiết danh mục đầu tư cổ phiếu. Được biết, giá trị gốc đầu tư chứng khoán đầu năm là 231,6 tỷ đồng, tới cuối quý II là 582,3 tỷ đồng (tăng 350,7 tỷ đồng). Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Trước đó, tính tới 31/12/2021, Petrosetco có thuyết minh đầu tư 231,6 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán. Trong đó, 27,8 tỷ đồng vào GEX; 25,8 tỷ đồng vào VIX và 178 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác.

Nếu danh mục không thay đổi, GEX và VIX giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, nhiều khả năng, việc đẩy mạnh mua thêm và cổ phiếu tiếp tục giảm là nguyên nhân chính dẫn tới Công ty phải trích lập dự phòng 171,8 tỷ đồng.

Chính vì đầu tư chứng khoán, mặc dù, Petrosetco báo cáo quý II với doanh thu đạt 3.472,95 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế ghi nhận 24,92 tỷ đồng, giảm tới 57,9% so với cùng kỳ. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 8.288,7 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 113,66 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận chi phí tài chính tăng 196,02 tỷ đồng lên 241,18 tỷ đồng, chủ yếu do dự phòng tổn thất đầu tư tài chính tăng 130,07 tỷ đồng lên 130,64 tỷ đồng, đây là khoản tiền liên quan tới đầu tư cổ phiếu.

Nếu nhìn rộng ra, từ năm 2019 tới nay, hoạt động kinh doanh thuần (lợi nhuận gộp - chi phí bán hàng - chi phí quản lý doanh nghiệp) đều tăng trưởng, tuy nhiên, hoạt động tài chính thì liên tiếp thua lỗ, trong đó, năm 2019 lỗ 35,4 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 35,2 tỷ đồng, năm 2021 (thị trường chứng khoán bùng nổ) lãi nhẹ 9,2 tỷ đồng, và 6 tháng đầu năm lỗ kỷ lục lên tới 171,2 tỷ đồng.

Có thể thấy trong nhiều năm qua, kết quả kinh doanh của Petrosetco bị kéo lùi bởi hoạt động tài chính, chủ yếu là do đầu tư chứng khoán, điều này đang đi ngược với sự thận trọng của các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Tính tới cuối quý II, PVN đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 23,19% vốn điều lệ tại Petrosetco.

Được biết, Petrosetco được thành lập từ năm 1996, niêm yết trên sàn HoSE năm 2007. Tại thời điểm niêm yết, Công ty có 3 cổ đông lớn là PVN sở hữu 51% vốn điều lệ; CTCP Chứng khoán Sài Gòn tại Hà Nội sở hữu 13,55% vốn điều lệ; CTCP Chứng khoán TP. HCM sở hữu 11,13% vốn điều lệ và còn lại 24,32% thuộc nhóm cổ đông khác. Trong đó, cổ đông sáng lập là PVN.

Cần phải biết rằng, các doanh nghiệp lớn khác thuộc PVN rất thận trọng khi sử dụng vốn đi đầu tư. Trong đó, tính tới cuối quý II, PV Gas (mã GAS) sở hữu lên tới 36.672 tỷ đồng và đầu tư tài chính; PV Trans (mã PVT) đang sở hữu 3.551,3 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính; PTSC (mã PVS), sở hữu 10.171,9 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, nhưng cả 3 công ty này đều không đầu tư chứng khoán.

Có thể thấy, tất cả các doanh nghiệp liên quan tới PVN đều và đang sở hữu lượng tiền mặt lớn so với quy mô tài sản. Tuy nhiên, đa phần các lãnh đạo đều rất thận trọng trong việc tham gia thị trường chứng khoán do biến động mạnh, rủi ro cao, điều này ngược lại với Petrosetco, mặc dù liên tục lỗ hoạt động tài chính, nhưng đang có dấu hiệu đẩy mạnh tham gia thị trường chứng khoán.

Bán lẻ đồ điện tử đang có dấu hiệu chậm lại

Trong năm 2021, xét về cơ cấu lợi nhuận trước thuế, lĩnh vực phân phối đóng góp 61% tổng lợi nhuận, tăng từ mức 44% trong năm 2020; mảng dịch vụ bất động sản đóng góp 19% tổng lợi nhuận; mảng dịch vụ đời sống đóng góp 9% tổng lợi nhuận gộp; mảng đầu tư chứng khoán đóng góp 8% tổng lợi nhuận; mảng cung ứng và hậu cần góp 2% tổng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, lĩnh vực phân phối đang và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Petrosetco.

Thực tế, mảng phân phối của Petrosetco tăng trưởng mạnh từ tháng 6/2020 (thời điểm chính thức trở thành nhà phân phối ủy quyền của Apple tại Việt Nam), thời điểm này cũng trùng với giai đoạn nhu cầu mua sắm đồ điện tử tăng đột biến do giãn cách xã hội, nhu cầu vừa học, vừa làm tại nhà tăng đột biến.

Tuy nhiên, bước sang 6 tháng đầu năm 2022, khi kinh tế bắt đầu bước vào trạng thái “bình thường mới”, nhu cầu đồ điện tử, công nghệ có dấu hiệu chậm lại, điều này cũng bắt đầu thể hiện bằng tốc độ tăng trưởng chậm lại trong quý II so với quý I của các doanh nghiệp Thế giới Di Động (mã MWG), FPT Retail (mã FRT) và Digiworld (mã DGW).

Không chỉ kết quả kinh doanh có dấu hiệu chậm lại, giá cổ phiếu nhóm 4 doanh nghiệp gồm PET (giảm gần 55%), DWG (giảm gần 40%), MWG (giảm gần 25%) và FRT (giảm hơn 37%) đều đã giảm quá 20% từ đỉnh tháng 4/2022 tới nay mặc dù báo cáo kết quả kinh doanh khả quan đầu năm. Đây là dấu hiệu báo hiệu nhóm cổ phiếu đã và đang bước vào chu kỳ giảm giá dài hạn.

Petrosetco chào bán 44,92 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng để bổ sung vốn kinh doanh
Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET - sàn HoSE) công bố tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, đại hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư