Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
PGS.TS Bùi Hiền tiếp tục công bố cải tiến chữ quốc ngữ phần II
Hoàng Thanh (Infonet) - 26/12/2017 11:58
 
Vừa qua, đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền đang gây xôn xao dư luận thì mới đây, PGS.TS Bùi Hiền tiếp tục công bố cải tiến chữ quốc ngữ phần II.
PGS.TS Bùi Hiền

Theo đó, trong phần II này, tác giả đã tìm cách phát hiện chính xác, đầy đủ hệ thống âm vị nguyên âm của tiếng Việt (Hà Nội) để từ đó chọn ra những chữ cái tương ứng với từng âm vị.

 

PGS.TS Bùi Hiền cho biết: Công trình nghiên cứu "cải tiến chữ quốc ngữ" chỉ nhằm mục đích điều chỉnh bảng chữ cái hiện hành dựa trên hệ thống ngữ âm tiếng Thủ đô Hà nội, chứ không hề tác động vào hệ thống âm vị làm cho tiếng nói khác đi dẫn tới ý nghĩa lời nói cũng khác đi. Về chữ viết chúng tôi cũng giữ nguyên dạng hệ thống chữ cái La tinh, và chỉ tạo thêm 1 chữ cái mới để chỉ âm vị phụ âm “nhờ” mà trong bảng chữ La tinh không có.

Đây chỉ thuần tuý cải tiến cách quy định cho những ước lệ mới giữa các chữ cái (kí tự) với các âm vị tương ứng để đảm bảo theo đúng nguyên tắc “ 1 âm – 1 chữ, 1 chữ - 1 âm” nhằm loại bỏ hoàn toàn các tổ hợp 2-3 phụ âm ghép biểu đạt một âm vị, vốn là nguồn gốc của các lỗi chính tả như hiện nay (ch, th, tr, gi, gh, kh, ng, ngh, nh, ph).

PGS.TS Bùi Hiền cũng chia sẻ thêm: "Vừa qua đã có nhiều người e ngại rằng lợi bất cập hại vì sẽ phải in lại toàn bộ sách báo, ấn phẩm, sách giáo khoa, hợp đồng kinh tế, giấy tờ tuỳ thân…

Thực tế xưa nay ở nước ta cũng như trên thế giới không ai làm như vậy cả, bởi vì những người biết chữ quốc ngữ vẫn hoàn toàn tự do, yên tâm sử dụng tất cả những thứ đó cho đến hết đời. Người ta chỉ in bằng chữ mới các tài liệu mới, báo chí, giấy tờ, công văn mới thôi. Khi Pháp quyết định dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ nho của nhà Nguyễn, người ta có in lại cả đâu, mà chỉ in một số tác phẩm văn thơ cần thiết để phổ cập nhanh chóng hơn. Ngay cả giấy khai sinh cho đến năm 1945 vẫn in cả 3 thứ chữ: chữ Pháp, chữ Nho rồi mới đến chữ quốc ngữ.

 Việc cải tiến chữ quốc ngữ lần này cũng chính là để hướng tới tiếp tục nâng cao hiệu quả của bộ chữ cái La tinh đã trở thành chữ quốc ngữ của Việt Nam trong giai đoạn phát triển và hội nhập vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư được nhanh chóng và thuận lợi hơn. Đặc biệt tạo điều kiện cho ngành thông tin điện tử, các máy tính, máy điện thoại thông minh tiếp tục cải tiến và tiết kiệm được đáng kể nguồn tài nguyên tin học.

Cuối cùng có người cho rằng chữ cải tiến làm mất cả vẻ đẹp, mất tính thẩm mĩ của chữ quốc ngữ. Đúng là thoạt nhìn vào một đoạn văn bản bằng cách viết cải tiến những con chữ La tinh với bố cục ngắn gọn hơn (không còn những chữ có 2-3 phụ âm đầu và cuối như trước nữa) nên thấy không đẹp và tức mắt.

Quả thật vậy, nhưng đó chỉ là thói quen tạo nên các kiểu thẩm mĩ mà thôi. Song thói quen thẩm mĩ cũng thường thay đổi theo hướng thuận lợi và có lợi ích thiết thực: các nhà nho, sinh đồ đã quen nhìn và viết chữ vuông theo từng cột từ trên xuống dưới và từ phải sang trái thì ngay từ ban đầu đâu có thích kiểu chữ viết dài từ trái sang phải, theo từng dòng từ trên xuống dưới. Nhưng sau khi nhận ra cái lợi và cái đẹp của lối viết chữ quốc ngữ, nên họ cũng đã từ bỏ cách viết chữ nho theo cột, mà viết theo dòng như chữ quốc ngữ đó thôi. Với thời gian thì thói quen mới sẽ được hình thành và sẽ lại có cách tạo dáng thẩm mĩ mới cho lối viết cải tiến ngắn gọn này".

Phó thủ tướng: Chính phủ không chủ trương đổi mới chữ viết
Ông Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ tôn trọng sự khác biệt và sáng tạo của mỗi cá nhân, tuy nhiên không có chủ trương đổi mới chữ viết.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư