Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
PGS.TS Văn Như Cương và triết lý giáo dục đào tạo người tử tế
Hải Hà - 01/10/2019 22:24
 
PGS.TS Văn Như Cương được biết đến là không chỉ là người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục mà ông còn nổi tiếng với triết lý đào tạo làm người tử tế trước khi trở thành người thành công trên đường đời.
.
PGS.TS Văn Như Cương không chỉ biết đến là người mở đường cho giáo dục tư thục mà ông còn biết tới với đường hướng phát triển giáo dục vừa hồng, vừa chuyên, những mục tiêu mà nền giáo dục hiện đại đang theo đuổi.

Trong khuôn khổ chuỗi kỷ niệm 30 năm thành lập trường Lương Thế Vinh, hội thảo “Thầy Văn Như Cương - Người mở đường” tổ chức sáng nay, 1/10, tại Hà Nội đã thu hút đông đảo nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục và đặc biệt là nhiều thế hệ thầy trò trường Lương Thế Vinh, những người đã có cơ hội được học tập, làm việc cùng thầy giáo Văn Như Cương để cùng nhìn lại cuộc đời một nhà giáo mẫu mực.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội đã nhắc tới hình mẫu trường Lương Thế Vinh như "hiện tượng lạ" của nền giáo dục ngay từ khi mới ra đời sánh ngang với những ngôi trường nổi tiếng của các nền giáo dục khác như trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku ở Nhật Bản đầy tình yêu thương, trường học Waldorf dựa trên lý thuyết nuôi dạy trẻ của triết gia người Áo Rudolf Steiner để mỗi trường học giống như ngôi nhà, khu vườn, khu phố của trẻ, … hay những trường học của Khổng Tử, của Chu Văn An, ....

Theo PGS. Thơ, mặc dù với vai trò dẫn đường, không phải là người thầy dạy trực tiếp, nhưng GS.Văn Như Cương, một nhà giáo tâm huyết, thực sự thấu hiểu thực trạng và nhu cầu giáo dục của người dân, am hiểu chuyên môn và giải pháp giáo dục, ông đã tiên phong với theo đuổi triết lý dạy thật – học thật cho ngôi trường mình sáng lập ra.

“Mới đây tổ chức UK Aid đã tài trợ một nghiên cứu cho đại học Oxford với công bố lương, thưởng vật chất không phải là yếu tố quyết định cho sự gắn kết, cho phát huy năng lực của mỗi cá nhân của một tổ chức, mà chính là văn hóa làm việc, mà yếu tố người đứng đầu rất quan trọng. Trường Lương Thế Vinh ngay từ đầu đã quy tụ được những người thầy giàu kinh nghiệm và tâm huyết đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các nhà giáo uy tín của Thủ đô và trường luôn giữ phương châm chỉ tuyển những người giỏi, tâm huyết. Và tôi tin, điều này không chỉ xuất phát từ niềm tin vào chất lượng của cơ sở này mà còn là niềm tin của những thế hệ giáo viên với người dẫn đầu”, PGS. Thơ nói. 

Trong khi đó, ấn tượng của cô giáo Vũ Thị Tuyết Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vietschool Pandora với người tiên phong trong quá trình đổi mới giáo dục là PGS. Văn Như Cương luôn nhắc nhở các thế hệ thầy cô giáo và học sinh về những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt.

“Trong bối cảnh nhiều trường công đang không chú tâm đến giáo dục nhân cách truyền thống cho học sinh thì một số trường tư với các chương trình giáo dục nhập khẩu tiên tiến trong thời đại công nghệ 4.0 đã chủ động đi theo giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã tìm hiểu khá kỹ khi nhận thấy, những giá trị đạo đức mà GS. Văn Như Cương để lại cho thế hệ các học sinh vẫn nguyên giá trị. Chúng tôi luôn tin rằng, khi học sinh hiểu văn hóa, hiểu con người Việt thì các em mới yêu quý và có ý thức giữ gìn bảo vệ, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp đó. Chính tình yêu đó sẽ giúp các em mong muốn phấn đấu để xây dựng đất nước tốt đẹp hơn. Với kiến thức, nhân cách và và tâm thế sẵn sàng, các em sẽ tạo nên nhiều đột phá”, cô giáo Thu nói.

Nhìn nhận trong bối cảnh chuyển đổi nền giáo dục theo hướng thay đổi toàn diện, căn bản nền giáo dục, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Khoa tâm lý học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn cho rằng, những giá trị về học thật, dạy thật vẫn vẹn nguyên tính ứng dụng khi dạy thật được hiểu rõ vai trò quyết định của người thầy với việc thành bại của sự nghiệp giáo dục. Trong khi đó, học thật: đó là học không phải để lấy điểm để lấy kiến thức đơn thuần mà học để có kỹ năng thu nhận kiến thức, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng xử lý và khả năng thích ứng toàn cầu.

PGS Văn Như Cương: Tôi không tán thành tổ chức những cuộc thi Toán trên mạng
"Theo tôi không nên tổ chức bất cứ cuộc thi dạng trắc nghiệm nào trên mạng. Nhất là với Văn, Toán, tiếng Anh"- PGS Văn Như Cương – Chủ tịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư