Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Phá giá đồng nhân dân tệ: Hàng Trung Quốc càng thêm rẻ, ào ào vào Việt Nam?
Thế Hải - 14/08/2015 08:07
 
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lo ngại hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn vào thị trường, gây sức ép lớn với hàng hóa sản xuất trong nước khi Trung Quốc quyết định phá giá mạnh đồng NDT so với USD.

Hàng Trung Quốc giá thấp đổ về Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Secoin cho rằng, Secoin không có hàng hóa xuất, nhập khẩu với thị trường Trung Quốc, nên sẽ không có ảnh hưởng từ xuất khẩu, nhưng ông Kỳ thừa nhận, chắc chắn thị trường trong nước sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể nhất là từ nay đến cuối năm do lượng lớn hàng xuất xứ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ rẻ hơn so với trước đây và điều này khiến các doanh nghiệp phải cạnh dữ dội hơn.

“Muốn bán được hàng, giảm tồn kho, thì phải hạ giá bán, nhưng như vậy sẽ đồng nghĩa với hiệu quả kinh doanh kém đi”, ông Kỳ nói.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó duy trì khi NDT bị phá giá mạnh
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó duy trì khi NDT bị phá giá mạnh

 

Trên thực tế, chưa chờ việc hạ giá đồng NDT, từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát Việt Nam đã “khóc dở mếu dở” với hàng nhập khẩu cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch từ Trung Quốc có mức giá rẻ hơn khoảng 20% do lợi thế về quy mô sản xuất lớn. Nổi cộm nhất trong thời gian gần đây là doanh nghiệp thép, do thép Trung Quốc giá rẻ đổ bộ vào nội địa.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu sắt thép các loại đạt 6,9 triệu tấn, với tổng trị giá 3,82 tỷ USD, tăng 38,6% về lượng và tăng 14,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng qua từ Trung Quốc là 4,1 triệu tấn, tăng 77,3% so với cùng kỳ.

Chưa chờ việc hạ giá đồng NDT, từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát Việt Nam đã “khóc dở mếu dở” với hàng nhập khẩu cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch từ Trung Quốc có mức giá rẻ hơn hàng trong nước khoảng 20%

 

Bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: “Chúng tôi không quá lo ngại về hàng giá rẻ Trung Quốc ồ ạt vào thị trường, do đã có sự lường trước các tình huống, cũng như đánh giá kỹ về thị trường và mức độ cạnh tranh thông qua các hiệp định thương mại lớn như TPP, hay FTA với EU, với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á - Âu…”. Tuy nhiên, về tổng thể, chắc chắn là có cạnh tranh.

Giám đốc một doanh nghiệp dệt may chuyên làm hàng nội địa, đóng tại Hưng Yên lại cho rằng, hàng dệt may Việt Nam nhiều năm nay đã chật vật cạnh tranh với hàng may mặc Trung Quốc, với giá siêu rẻ. Nay phá giá đồng NDT có nghĩa là hàng hóa Trung Quốc vốn đã rẻ, giờ lại càng rẻ hơn nữa, tràn vào thị trường nội địa, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chủ yếu tại  nội địa.

Thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 14 tỷ USD, nhưng nhập khẩu lên tới 43,7 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2013 và chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Việt Nam vốn có tỷ lệ nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, nên khi giá các mặt hàng của Trung Quốc rẻ hơn nữa lại càng hấp dẫn và sẽ làm tăng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc.

Đơn cử, như với nhóm hàng vải, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép… vốn chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, thì nay nguy cơ sẽ tăng mạnh hơn khi các doanh nghiệp giảm được giá nhập khẩu và ở một góc độ nào đó, những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu nội sẽ khó bán được hàng nếu không điều chỉnh giá bán.

Xuất khẩu sẽ khó hơn

Xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 3 triệu tấn gạo, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2014. Đơn giá xuất khẩu bình quân 6 tháng qua giảm 4,6%, nên trị giá xuất khẩu là 1,29 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ. 

Đáng lưu ý, xuất khẩu gạo sang thị trường lớn là Trung Quốc chỉ đạt 1,2 triệu tấn, giảm 9,1% so với cùng kỳ.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong bối cảnh xuất khẩu gạo suy giảm, lượng tồn kho lớn thì chính sách về biên mậu của Trung Quốc càng khiến cho hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường này gặp nhiều khó khăn.

NDT hạ giá, giá xuất khẩu gạo nước ta sang Trung Quốc sẽ khó duy trì, do một số quốc gia xuất khẩu trong khu vực cũng có chính sách hạ giá để giữ đà xuất khẩu.

Đối với mặt hàng thủy sản, sức ép giảm giá xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ đến ngay trong nay mai, khi các doanh nghiệp ký kết các đơn hàng mới. Nguy cơ khó tăng được giá trị xuất khẩu càng hiện hữu hơn khi Trung Quốc và ASEAN là thị trường chiếm đến 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Chuyên gia tiền tệ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NDT giảm giá so với đồng USD sẽ ảnh hưởng đến VND, đồng NDT mất giá với USD thì cũng mất giá với VND và khi đó hàng Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị tăng giá, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh.

Giải pháp cho các doanh nghiệp hiện nay để cân đối hiệu quả sản xuất, kinh doanh có lẽ chỉ là bám vào việc tăng chất lượng hàng hóa để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Việt Nam mất gì và được gì khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ?
Nhân dân tệ mất giá sẽ tác động tiêu cực lên cán cân thương mại Việt Nam và tạo áp lực lên tiền đồng, chứng khoán... song cũng có thể làm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư