Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Phải đóng cửa nhiều điểm giao dịch, ngân hàng ngỡ ngàng khi doanh số giao dịch tăng vọt
Thùy Liên - 09/09/2021 10:37
 
Mặc dù nhiều điểm giao dịch phải đóng cửa, song lượng khách hàng mở tài khoản và giao dịch trực tuyến của khách hàng tăng vọt khiến nhiều ngân hàng ngỡ ngàng.
f
Doanh số giao dịch trực tuyến tại ACB tăng gấp đôi 8 tháng đầu năm 2021.

Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho hay, dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát khiến ACB phải đóng cửa hơn 2/3 hệ thống phân phối tại TP.HCM (tạm đóng cửa 100/137 phòng giao dịch tại TP.HCM). Mặc dù vậy, nhờ hệ thống hàng trăm máy ATM, CDM và kênh giao dịch trực tuyến, hệ thống ngân hàng vẫn hoạt động bình thường.

“Sau khi tổng kết 8 tháng, chúng tôi ngỡ ngàng khi doanh số và lượng giao dịch trực tuyến tăng gấp đôi. Lượng khách hàng mở mới tài khoản online bằng e-KYC cũng tăng gấp 3 lần. Chuyển đổi số đang giúp ngành ngân hàng cùng chính quyền, người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch. Chúng tôi nhận thấy, dịch bệnh gây ra khó khăn rất lớn song cũng mở ra cơ hội cho ngân hàng vì nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến của người dân tăng vọt”, ông Phát cho biết.

Trong khi đó, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho rằng, chuyển đổi số là quá trình tất yếu bởi sẽ giúp ngân hàng tiếp cận khách hàng nhanh hơn, hiểu khách hàng hơn, giảm chi phí tốt hơn. Tuy nhiên, Covid 19 đã giúp các ngân hàng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Đơn cử, với MB, tại thời điểm năm 2018 - khi mới thành lập Khối ngân hàng số -lượng giao dịch trên kênh số chỉ là 8 triệu giao dịch/năm. Tuy nhiên, hiện mỗi ngày MB đã có 1,1 triệu giao dịch trong đó có khoảng 93% là giao dịch trên kênh số hóa (tức hơn 1 triệu giao dịch trên kênh số mỗi ngày).   

Theo Hiệp hội Ngân hàng, hiện nay, 90% ngân hàng thương mại đã tham gia chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái ngân hàng số. Nhiều ngân hàng có tầm nhìn xa và rất “khôn ngoan” trong việc tăng trải nghiệm, tạo hệ sinh thái cho khách hàng, miễn các loại phí để xây dựng tệp khách hàng lớn.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, quá trình chuyển đổi số của ngân hàng Việt Nam chưa mang tính tổng thể, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp thời những thay đổi của công nghệ, chuyển đổi số mới tập trung chủ yếu là số hóa kênh phân phối, các hoạt động cho vay, bảo lãnh vẫn ở quy mô nhỏ lẻ hoặc “bán tự động”…

Một trong những nguyên nhân khiến chuyển đổi số của các ngân hàng vẫn còn vướng mắc là khung pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu quy chuẩn chung khiến mỗi ngân hàng lại xây dựng hệ sinh thái số rời rạc, chưa có sự tương tác, thống nhất lẫn nhau.

Ngoài ra, một số ngân hàng ở Hàn Quốc mong muốn trở thành công ty công nghệ về tài chính - ngân hàng. Đây là bước đi lâu dài và táo bạo nhưng cũng có thể là hướng các ngân hàng Việt Nam có thể nghĩ đến.

Về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái cho rằng, trong tương lai, các ngân hàng có thể quản trị như công ty công nghệ tài chính - ngân hàng, vấn đề là sắp xếp nhân sự và quản trị ngân hàng như thế nào cho phù hợp.

Điện toán đám mây: xu thế tất yếu của tương lai ngân hàng số Việt Nam
Cùng với AI và Big Data, điện toán đám mây (Cloud Computing) đang tạo ra cuộc cách mạng đối với nhiều ngành công nghiệp trên thế giới, và ngành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư