Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phải thống nhất quản lý hợp tác xã từ Trung ương
Mạnh Bôn - 08/06/2016 08:08
 
Cả nước hiện có trên 20.000 hợp tác xã (HTX), 150.000 tổ hợp tác, nhưng cơ quan quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể gần như không có. “Nhất thiết phải thành lập một cơ quan quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với khu vực kinh tế này”, TS. Phùng Quốc Chí, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ.
TIN LIÊN QUAN

Kinh tế tập thể có tới 13,5 triệu thành viên, sử dụng tới 30 triệu lao động đang được quản lý ra sao, thưa ông?

Theo Luật HTX năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ quản lý nhà nước về HTX, nhưng cả Vụ HTX chỉ có hơn chục biên chế. Ngoài ra còn có 6 bộ khác cũng có chức năng quản lý đối với HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau như Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Tuy nhiên, hầu hết các bộ gần như không thành lập tổ chức, thậm chí không bố chí nhân sự để quản lý, theo dõi, hỗ trợ kinh tế tập thể, ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn ở địa phương, biên chế dành cho công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể là con số không.

.
.

Còn các nước trong khu vực quản lý kinh tế tập thể thế nào?

Indonesia có Bộ HTX, Malaysia có Bộ HTX và Bảo vệ người tiêu dùng, Thái Lan thành lập Cục Phát triển HTX với hơn 4.000 nhân viên và tổ chức theo ngành dọc từ trung ương tới địa phương. Ở các nước phát triển khác như Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Canada…, nước nào cũng có số lượng nhân viên chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể  hàng ngàn người.

Và đây chính là một trong những nguyên nhân vì sao HTX của các nước phát triển mạnh mẽ còn Việt Nam lại… lẹt đẹt. Vì vậy, Kết luận 56-KL/TW yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ Trung ương đến địa phương, thưa ông?

Đúng vậy. Kết luận 56-KL/TW yêu cầu phải kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể như tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX và quy định của Luật HTX năm 2012, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, tập trung và thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Trong cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, phát triển kinh tế tập thể và HTX. Còn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, nghiên cứu để kiện toàn lại bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể theo hướng xây dựng bộ máy quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương tới cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo ông, nên thành lập cơ quan quản lý kinh tế tập thể theo mô hình nào?

Quản lý nhà nước đối với kinh tế nhà nước theo Luật HTX năm 2012 có rất nhiều nhiệm vụ. Ngoài ban hành, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về kinh tế tập thể; xây dựng bộ máy và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, liên hiệp HTX…, còn phải thanh tra, kiểm tra; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của HTX, liên hiệp HTX và của cá nhân, tổ chức có liên quan; thực hiện hợp tác quốc tế về phát triển HTX, liên hiệp HTX.

Vì vậy, chỉ thành lập tổng cục mới có thể thực hiện được nhiệm vụ. Tổng cục này trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới tổng cục có cấp cục ở tỉnh, với những địa phương mà kinh tế tập thể phát triển có thể thành lập chi cục ở cấp huyện

Nhưng nhiều người lo ngại, thành lập tổng cục sẽ khiến biên chế tăng lên?

Ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 6 bộ nữa có chức năng quản lý nhà nước đối với HTX, nhưng không thành lập tổ chức riêng, thậm chí không bố trí nhân sự để làm việc này. Điều này có nghĩa là 6 bộ đã sử dụng biên chế đáng ra phải làm công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể để làm công việc khác. Vì thế, nếu bỏ chức năng quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể của 6 bộ sẽ giảm biên chế của 6 bộ và số biên chế này bổ sung cho tổng cục thì tổng số biên chế nhà nước không tăng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư