Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Phản pháo chuyện ngân hàng quá "chặt tay" với doanh nghiệp
Thùy Liên - 02/07/2015 10:23
 
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có bất kỳ chính sách nào thắt chặt thêm điều kiện vay vốn.

Tín dụng 6 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng khả quan, với mức tăng trên 6%. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn những doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng do thiếu tài sản thế chấp, nhất là DN nhỏ và vừa.

Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhiều DN hiện nay không vay được vốn do ngân hàng quá chặt tay. “Tiếp cận vốn hiện nay cực kỳ khó khăn, ngân hàng “chắc ăn”, đòi phải thế chấp bằng tài sản, nên DN không vay được vốn”, ông Hậu nói.

Nhiều doanh nghiệp khó vay vốn ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp. Ảnh: Hà Thanh
Nhiều doanh nghiệp khó vay vốn ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp. Ảnh: Hà Thanh

 

Cũng theo ông Hậu, ngân hàng nên cho phép DN, người dân được thế chấp bằng sản phẩm, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn. Đơn cử, tại Quảng Ninh có trang trại trồng ba kích, trồng 3 năm sẽ cho thu hoạch với năng suất 30 - 40 tấn/ha. Ông Hậu cho biết, giá ba kích là 100.000 - 200.000 đồng/kg, có nghĩa thu hoạch từ mỗi ha lên tới 1 - 2 tỷ đồng.

Thừa nhận tình trạng vẫn còn một bộ phận DN chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, nhưng Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian qua, NHNN không có quy định nào thắt chặt thêm điều kiện cho vay.

“Chúng tôi thấy rằng, thời gian qua, có DN không tiếp cận được vốn ngân hàng, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do DN không có tài sản, tình hình tài chính yếu kém, không chứng minh được khả năng trả nợ… Tổ chức tín dụng chỉ là trung gian tài chính, huy động vốn của người dân để cho vay, nên hoạt động cho vay phải đảm bảo an toàn”, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Riêng về ý kiến của Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó thống đốc khẳng định, nếu DN nào trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện, nhưng lại không thể tiếp cận vốn vay, chỉ cần tỉnh thông tin về trường hợp cụ thể, NHNN sẽ ngay lập tức xử lý.

Với tư cách là một đại diện DN đồng thời là lãnh đạo một ngân hàng, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, kiêm Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á phân tích kỹ hơn về câu chuyện tiếp cận vốn: “Ngân hàng phải quản vốn rất chặt, nhưng ở đâu có lợi, ở đâu an toàn là họ đầu tư ngay. DN kêu vay vốn khó là do chưa có đề án khả thi. Tất cả những dự án mà TH đứng ra tư vấn cho hàng loạt DN đầu tư vào nông nghiệp đều không thiếu vốn, vì với những dự án khả thi, ngân hàng đều muốn tài trợ. Tôi khẳng định, dứt điểm phải có đề án khả thi ngân hàng mới cho vay vốn”.

Tán thành ý kiến này, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, để cải thiện khả năng tiếp cận vốn, các DN phải chủ động lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh, phải có ý tưởng khả thi, phải chứng minh được khả năng quản trị dòng tiền, khả năng trả nợ… Thời gian qua, nhiều DN đến ngân hàng vay vốn, nhưng lại không có đủ các yếu tố trên.

Về việc lấy sản phẩm nông nghiệp để làm tài sản thế chấp như ý kiến của ông Đặng Huy Hậu, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, đây là yêu cầu khó khả thi, vì ngân hàng không thể quản lý được sản phẩm nông sản làm ra, chưa kể giá cả và thị trường tiêu thụ cũng rất bấp bênh.

“Theo khảo sát của chúng tôi, giá ba kích ở Quảng Ninh chỉ 50.000 đồng/kg và tiêu thụ rất khó, chứ không có chuyện mỗi ha thu về 1 - 2 tỷ đồng. Hơn nữa, danh mục tài sản nhận thế chấp cũng đã được quy định rõ, không phải cái gì ngân hàng cũng có thể nhận làm tài sản thế chấp”, lãnh đạo một ngân hàng TMCP ở Quảng Ninh trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư khi được hỏi về vấn đề tài sản đảm bảo.

Phải thừa nhận thực tế rằng, thời gian qua, NHNN đã rất nỗ lực trong giảm lãi suất và tăng tín dụng. Theo đó, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm chỉ bằng 40 - 50% so với lãi suất năm 2011, lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên chỉ còn tối đa 7%/năm.

Tuy vậy, vẫn có tình trạng DN làm ăn hiệu quả, có dự án khả thi, có khả năng trả nợ, nhưng vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng do vướng mắc về tài sản đảm bảo. Ông Nguyễn Đình Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Rừng hoa Đà Lạt cho hay, mỗi héc-ta đất trồng hoa, DN này phải đầu tư 1 - 3 tỷ đồng nhà kính. Tuy vậy, các ngân hàng lại không chấp nhận sử dụng nhà kính làm tài sản thế chấp, làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của DN.

Liên quan vướng mắc này của DN, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, hiện chưa có quy định về cấp giấy chứng nhận tài sản trên đất. Phó thống đốc cũng cho rằng, NHNN và các bộ, ngành cần nghiên cứu, ban hành hướng dẫn về cấp chứng nhận sở hữu với tài sản trên đất để tạo điều kiện cho DN sử dụng tài sản này thế chấp ngân hàng.

Thống đốc Bình: Tăng trưởng tín dụng có thể điều chỉnh lên mức 17%
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 diễn ra ngày 24/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư