Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sửa Luật Đất đai
Nguyễn Lê - 24/10/2021 11:13
 
Giám sát từ sau kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV đến kỳ họp thứ 2 (khóa XV), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi báo cáo đến Quốc hội, nêu nhiều kiến nghị về sửa Luật Đất đai.
.
Theo MTTQ, đối tượng chịu sự tác động của Luật Đất đai rất rộng, do vậy việc tổ chức sửa đổi Luật Đất đai phải được thực hiện công phu, nghiêm túc (Ảnh minh hoạ) 

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV đã quyết định Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Tại báo cáo nói trên, Ban Thường Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết đã tổ chức hội nghị xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về những nội dung trọng tâm cần giám sát trong Luật Đất đai, đề nghị một số tổ chức thành viên, cơ quan tư pháp và Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo làm rõ hơn một số bất cập trong các quy định của Luật Đất đai; đề xuất các quy định cần sửa đổi, bổ sung của Luật Đất đai nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra.

Bên cạnh việc nghiên cứu, xem xét các quy định của Luật Đất đai, Ban Thường trực cũng đã nghiên cứu, xem xét và các tài liệu liên quan, qua đó đã đánh giá những ưu điểm và hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi luật này.

Theo đó, Luật Đất đai năm 2013 đã thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và các quy định Hiến pháp năm 2013 về đất đai, tạo hành lang pháp lý trong công tác tổ chức, quản lý, sử dụng đất đai. Công tác tổ chức, quản lý về đất đai những năm qua đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần thực hiện dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cá nhân, tổ chức được bảo đảm hơn; thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất từng bước được hoàn thiện, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được giao quyền sử dụng đất được bảo đảm và phát huy, nguồn lực từ đất đai được khai thác và sử dụng hiệu quả hơn...

Bên cạnh đó, qua gần 10 năm thực hiện các quy định của Luật Đất đai cho thấy, Luật Đất đai đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 chưa tương thích với Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan, những vướng mắc, bất cập trong quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vướng mắc, bất cập trong quy định về giao đất, cho thuê đất, quy định về tài chính với đất đai.

Luật Đất đai hiện hành cũng chưa phân cấp xác định rõ trách nhiệm, kiểm soát quyền lực trong giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện trong đất đai còn nhiều; vướng mắc, bất cập trong qui định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết tranh chấp về đất đai; bất cập, vướng mắc của pháp luật đất đai hiện hành về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vướng mắc, bất cập trong quy định về quyền sử dụng đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số; vướng mắc, bất cập về tham vấn người dân trong lĩnh vực đất đai...

Sau khi thực hiện giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Quốc hội chỉ đạo sửa đổi, bổ sung luật Đất đai và đồng bộ, thể chế những nội dung mới qua hoạt động giám sát mà MTTQ Việt Nam đề xuất, kiến nghị, hoàn thiện khung pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu phát huy tốt nhất nguồn lực của đất theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các đạo luật.

Đối tượng chịu sự tác động của Luật Đất đai rất rộng, do vậy việc tổ chức sửa đổi Luật Đất đai phải được thực hiện công phu, nghiêm túc, toàn diện, triệt để, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan theo đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tích cực, chủ động, đồng hành cùng Chính phủ trong xây dựng luật, chuẩn bị việc thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, hiệu lực và hiệu quả trong thực tế cuộc sống.

Đối với Chính phủ, cơ quan giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo tích cực chuẩn bị nội dung sửa đổi, bổ sung, làm rõ những vấn đề có ý kiến khác nhau; tổ chức các hình thức tọa đàm, trao đổi, lấy ý kiến rộng rãi để đạt sự đồng thuận cao. Chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác nghiên cứu, tổ chức sửa đổi Luật Đất đai; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các chuyên gia, nhà khoa học nhằm huy động hiệu quả trí tuệ tập thể, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy sự pháp triển của đất nước.

Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan  giám sát đề nghị Bộ thực hiện nghiêm túc, công phu, khách quan, khoa học việc đánh giá tác động chính sách, làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau để Luật đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát huy nguồn lực đất đai trong giai đoạn mới. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai theo quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn ngừa sai phạm; phối hợp đề xuất, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư