Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Phát triển 6G: Xây nền móng cho tương lai
Tú Ân - 26/08/2023 13:05
 
Động thái thành lập Nhóm phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm công nghệ 6G được xem như đặt nền móng xây dựng nghiên cứu phát triển công nghệ cho tương lai.
Việt Nam quyết tâm bắt tay vào nghiên cứu, phát triển công nghệ 6G ngay từ khi chưa thương mại hóa 5G. Ảnh: Đ.T

Tiến quân vào công nghệ mới

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành quyết định thành lập Nhóm phát triển thiết bị 6G, thuộc Ban Chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G. Đáng chú ý, trong nhóm có cả đại diện của 3 doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT và MobiFone.

Một trong các nội dung sẽ được Nhóm phát triển thiết bị 6G tập trung triển khai là nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm; nghiên cứu, rà soát và đề xuất các quy định về quản lý thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm để thúc đẩy triển khai 6G.

Trước đó, tháng 1/2022, Ban Chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G được Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập, Trưởng ban chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Quyết định tiến quân vào công nghệ 6G được đưa ra trong bối cảnh công nghệ 5G của Việt Nam chưa thực sự chín muồi. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa thương mại hóa 5G và số lượng thuê bao kết nối công nghệ mới này cũng hạn chế. Ứng dụng 5G vào các lĩnh vực như logistics, y học, tự động hóa chưa cao. Đặc biệt, 2 lần đấu giá tần số 4G/5G mới đây không thành công khi không có sự tham gia của các nhà mạng.

Trong kế hoạch 6 tháng cuối năm, VNPT và MobiFone không nhắc gì đến phát triển mạng lưới, thương mại hóa 5G. Chỉ Viettel cho biết đã hoàn thành sản xuất 282 trạm, triển khai lắp đặt 265/282 trạm Macro gNodeB 8T8R, tiếp tục thử nghiệm 5G tại 63 tỉnh/thành phố khi có giấy phép. Viettel sẽ phát sóng cung cấp dịch vụ 5G tại 4 địa phương là Hà Nội, Hà Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận theo nhu cầu mạng lưới.

Trong bối cảnh trên, liệu việc bắt tay nghiên cứu, phát triển, “dọn đường” cho công nghệ 6G có phải là quá sớm?

Chuẩn bị cho tương lai

Lý giải cho quyết tâm tham gia phát triển công nghệ 6G, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, hiện thế giới có 5 nhà sản xuất thiết bị 5G và nhiều cường quốc đang bắt tay nghiên cứu 6G. Việt Nam đặt ra mục tiêu đi cùng thế giới về 6G, cụ thể là cùng nghiên cứu, cùng sản xuất, cùng triển khai.

Việt Nam sẽ nghiên cứu, đóng góp vào tiêu chuẩn 6G của thế giới. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, thúc đẩy phát triển công nghệ này. Nhà nước sẽ đầu tư phòng lab cho các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thiết bị 6G. Ngoài việc hợp tác trong nước với các chuyên gia, các trường, viện nghiên cứu về 6G, Việt Nam sẽ mời các chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu về 6G.

“Cơ hội đến với tất cả các quốc gia, nhưng quốc gia nào nắm bắt được sẽ thành công. Hôm nay chúng ta đặt những viên gạch này, thì 10 năm nữa hy vọng mới thành công. Còn nếu không có hôm nay, thì 10 năm nữa chúng ta sẽ không có gì. Nếu chúng ta nghiên cứu và sản xuất được thiết bị 6G, sẽ tạo ra ngành công nghiệp mới cho đất nước”, ông Long chia sẻ.

Theo ông Bùi Hà Long, Trưởng phòng Hợp tác và Phối hợp tần số quốc tế (Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông), một thế hệ di động ra đời cần thời gian khá dài để chuẩn bị. Công nghệ mới như 6G cần 7 - 10 năm. Việt Nam xác định 6G sẽ xuất hiện vào năm 2030 và là nước khởi xướng tìm kiếm tần số để quy hoạch tần số cho 6G, dự kiến năm 2027 - 2028 có thể quy hoạch tần số cho 6G.

Đối với cuộc chơi 6G, các “ông lớn” viễn thông Việt Nam cũng không thờ ơ. Viettel bắt đầu tiếp cận 6G từ vài năm trước và đã bắt tay nghiên cứu sản xuất thiết bị 6G và tham gia các bằng sáng chế về 6G. Tại Hội nghị Di động thế giới (MWC) 2023, Viettel và Qualcomm đã công bố nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open RAN. Đây là bước tiến lớn tạo đà cho Viettel trong nghiên cứu 6G.

VNPT cho biết, sẽ tập trung nghiên cứu hệ sinh thái 6G. Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám VNPT, quốc gia nào làm chủ được công nghệ mới của thế giới, thì sẽ có rất nhiều lợi thế. Việc nghiên cứu sớm công nghệ 6G từ thời điểm 5G bắt đầu thương mại hóa không phải là quá sớm, bởi quá trình nghiên cứu một thế hệ mới thường kéo dài 8-10 năm.

Trên thế giới, công nghệ 6G đã được các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu từ năm 2018 - 2020. Điển hình như Hàn Quốc vừa công bố đang chuẩn bị cho kỷ nguyên 6G với mục tiêu thương mại hóa các dịch vụ 6G vào khoảng năm 2028. Hàn Quốc sẽ đầu tư các dự án nghiên cứu và phát triển trị giá 625,3 tỷ won (482,7 triệu USD) nhằm phát triển công nghệ 6G.

Việt Nam là một trong số ít các nước đang phát triển tham gia cuộc đua nghiên cứu, phát triển công nghệ 6G. Cuộc chơi phát triển công nghệ mới không hề đơn giản, đòi hỏi nền tảng công nghệ, tiềm lực tài chính rất lớn của quốc gia và các doanh nghiệp, nhưng nếu thành công, sẽ dẫn dắt được công nghệ của cả thế giới. Do đó, việc khởi động nghiên cứu, phát triển công nghệ mới 6G ở thời điểm này là cần thiết đối với một Việt Nam khát khao trở thành cường quốc số.

6G ước đạt tốc độ 1 terabit/giây, tức là trung bình mỗi giây, người dùng có thể tải 142 giờ nội dung video ở độ phân giải cao nhất. Như vậy, tốc độ lý thuyết của mạng 6G nhanh gấp 100 lần so với 5G.

6G ra đời và thương mại hóa dự kiến vào năm 2030, lúc đó IoT có thể không chỉ là Internet vạn vật nữa, mà sẽ thay đổi thành “Internet của các giác quan” (IoS). Thị trường IoS toàn cầu dự kiến đạt 33,67 tỷ USD vào năm 2033, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 25,6% từ năm 2023 - 2033.
Công nghệ 6G sẽ được thương mại hóa trên phạm vi toàn cầu vào năm 2030
Công nghệ 6G sẽ được thương mại hóa toàn cầu vào năm 2030 và sẽ tích hợp với máy tính tiên tiến, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư