Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và trong nước
Minh Hạnh (Báo Lao Động) - 24/12/2017 14:31
 
Doanh nghiệp FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội.
 Phát triển công nghiệp hỗ trợ tăng cường liên kết giữa DN FDI và DN trong nước. Ảnh: PV
Phát triển công nghiệp hỗ trợ tăng cường liên kết giữa DN FDI và DN trong nước. Ảnh: PV

Hiện FDI chiếm 25% đầu tư toàn xã hội, trên 20% GDP và trên 70% kim ngạch xuất khẩu. Việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ - tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực tại Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ KHĐT, tính đến tháng 11/2017, Việt Nam đã thu hút được 24.580 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 316,91 tỷ USD. Vốn thực hiện ước đạt 170,85 tỷ USD (bằng 53,9% tổng vốn đăng ký). Tuy nhiên các chính sách về công nghiệp hỗ trợ còn chậm so với sự phát triển của KTXH và năng lực sản xuất của doanh nghiệp còn hạn chế. Hiện phần lớn các doanh nghiệp FDI thực sự chủ động trong việc kết nối với các doanh nghiệp trong nước, chuyển giao về công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn rất ít.

Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khu vực FDI có tác động lan toả rất lớn tới nền kinh tế, tạo ra công nghệ, năng suất lao động, việc làm, xuất khẩu, thu ngân sách, GDP. Đồng thời, du nhập phương thức sản xuất, phân phối, kinh doanh tiên tiến của nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, tác động lan toả của doanh nghiệp FDI chưa được như kỳ vọng. Các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cũng theo GS. TSKH Nguyễn Mại, để tác động lan tỏa của khu vực FDI đối với doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cần tự tin, chủ động tiếp cận với doanh nghiệp FDI, đồng thời đầu tư đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực, tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Đối với doanh nghiệp FDI, cần có chiến lược kết nối, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và tìm ra mô hình hợp tác thích ứng với từng sản phẩm.

30 năm FDI: Dự luật lịch sử và những chuyên cơ chở tỷ phú
Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới vào giữa tháng 12/1986. Một năm sau, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời. Bởi thế,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư