Bước sang phiên giao dịch chiều, sự khởi sắc ở một số mã lớn đã giúp VN-Index nhanh chóng lấy lại được ngưỡng kháng cự trên chỉ sau vài phút thị trường nhập cuộc. Mặc dù sau đó có đón nhận thêm những nhịp rung lắc nhưng trụ đỡ VNM cùng các cổ phiếu bluechip đã làm tốt nhiệm vụ nâng đỡ giúp thị trường nới rộng đà tăng hơn về cuối phiên.
Cụ thể, mặc dù trong gần suốt cả phiên, “ông lớn” VNM chỉ lình xình trên mốc tham chiếu nhưng đã nới rộng khoảng cách về cuối phiên với mức tăng 1,5% và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày 130.100 đồng/CP.
Bên cạnh đó, VIC, VCB cũng đã nhích nhẹ, BVH và VRE đảo chiều hồi phục với mức tăng 0,7%, GAS tăng 1,2% lên 107.900 đồng/CP, NVL tăng 1,2% lên 58.400 đồng/CP… cũng góp phần hỗ trợ cho thị trường.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì đà hồi phục sau những phiên giao dịch thiếu tích cực trước đó, điển hình BID tăng 2,9% lên mức 32.000 đồng/CP, TCB tăng 1,5% lên 23.150 đồng/CP, TPB tăng 4,7% lên mức cao nhất ngày 22.500 đồng/CP, CTG tăng 1% lên 20.300 đồng/CP, HDB tăng 1,7% lên 27.200 đồng/CP…
Trong khi đó, VHM vẫn giảm nhẹ 0,6% xuống 84.000 đồng/CP; một số mã khác như VJC hay thành viên mới của sàn HOSE là HVN cũng điều chỉnh nhẹ.
Cổ phiếu ROS vẫn là vua thanh khoản trên sàn HOSE với khối lượng khớp lệnh gần 10,22 triệu đơn vị, tuy nhiên kết phiên tiếp tục giảm nhẹ 0,7%, xuống mức giá 30.100 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong phiên cuối tuần.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường cũng có diễn biến khá tích cực với nhiều mã đảo chiều tăng vọt cả về giá và thanh khoản. Điển hình, PVD tăng 2,3% lên 20.250 đồng/CP và khớp 6,46 triệu đơn vị, HSG tăng 1,4% lên 8.110 đồng/CP và khớp 4,74 triệu đơn vị, AAA tăng 1,8% lên 17.200 đồng/CP và khớp 4,24 triệu đơn vị, FLC tăng nhẹ 0,4% lên 4.520 đồng/CP và khớp hơn 4 triệu đơn vị…
Ngoài ra, các mã DXG, ITA, TTF, PPI… cũng khởi sắc với khối lượng khớp một vài triệu đơn vị.
Đóng cửa, VN-Index tăng 5,54 điểm (+0,58%) lên 952,55 điểm với 181 mã tăng và 102 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 131 triệu đơn vị, giá trị 2.892,94 tỷ đồng, giảm 27,78% về lượng và giảm tới 53,55% về giá trị so với phiên trước do không còn yếu tốt thỏa thuận khủng.
Cụ thể, khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 16,39 triệu đơn vị, giá trị đạt 576,2 tỷ đồng, trong đó trái phiếu VHM11802 đạt lớn nhất với hơn 140 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 10/5 |
Trên sàn HNX, mặc dù mở cửa phiên chiều vẫn biến động giằng co quanh mốc tham chiếu nhưng sự hỗ trợ khá tích cực của các cổ phiếu lớn đã giúp HNX-Index bật tăng.
Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,6 điểm (+0,57%) lên 105,86 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ phiên trước 23,56 triệu đơn vị, giá trị 290,4 tỷ đồng, tăng 15,7% so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 10 triệu đơn vị, giá trị 141,72 tỷ đồng, trong đó NVB thỏa thuận 5,6 triệu đơn vị, giá trị 50,4 tỷ đồng; VGC thỏa thuận 3,79 triệu đơn vị, giá trị 83,33 tỷ đồng.
Các mã hỗ trợ giúp thị trường khởi sắc như ACB tăng 0,7% lên 29.300 đồng/CP, PVS tăng 2,2% lên 23.400 đồng/CP, MAS tăng 3,8% lên 49.500 đồng/CP, L14 tăng 5,5% lên 40.000 đồng/CP, VGC tăng 2,5% lên 20.600 đồng/CP, TV2 tăng 2,6% lên 153.000 đồng/CP…
Trái lại, VCG dù mở cửa vẫn giữ được sắc xanh nhạt nhưng sau đó nhanh chóng đảo chiều giảm 1,1% và đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày 26.500 đồng/CP
Mới đây, Công ty TNHH An Quý Hưng và công ty con Công ty TNHH An Quý Hưng Land, các cổ đông lớn của Vinaconex, đã không phát hành được 1 trái phiếu nào trong đợt chào bán vừa qua.
Cụ thể, An Quý Hưng chào bán 2.600 tỷ đồng trái phiếu, An Quý Hưng Land chào 2.700 tỷ đồng, với kỳ hạn 3 năm và mức lãi suất lên tới 12%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên, kỳ điều chỉnh lãi 06 tháng/lần. Đáng chú ý, tài sản đảm bảo là tài sản được đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu là tổng cộng gần 255 triệu cổ phiếu VCG, tương đương toàn bộ gần 58% cổ phần Vinaconex mà An Quý Hưng sở hữu sau thương vụ đấu giá đình đám vào tháng 11 năm ngoái.
Các cổ phiếu thanh khoản tốt trên sàn HNX gồm PVS khớp lệnh 4,37 triệu đơn vị, VGC khớp hơn 1,88 triệu đơn vị, ART khớp gần 1,3 triệu đơn vị.
Tương tự, trên UPCoM, giao dịch cũng diễn ra khởi sắc.
Kết phiên, UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (+0,5%) lên 55,15 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 8,72 triệu đơn vị, giá trị 117,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 5,28 triệu đơn vị, giá trị 67,62 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR hồi phục sau phiên điều chỉnh hôm qua, với mức tăng 1,5% lên 13.400 đồng/CP với giao dịch khá sôi động đạt gần 2,65 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Còn lại các mã chỉ có khối lượng giao dịch trên dưới nửa triệu đơn vị như AVF đứng thứ 2 chỉ với 523.200 đơn vị được chuyển nhượng thành công.