Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Phiên 10/5: Lại đồng loạt tháo chạy, VN-Index lao dốc
Sau khi lình xình trong 2 phiên vừa qua và trong phiên sáng nay, thị trường đã bất ngờ lao dốc khi bước vào phiên giao dịch chiều nay khi lực bán tháo chạy một lần nữa lặp lại.

Trong phiên giao dịch sáng 10/5, diễn biến lình xình tiếp tục được duy trì như 2 phiên trước đó khi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư dâng cao. Dòng tiền không quá mạnh, trong khi lực cung cũng cầm chừng. Hoạt động giao dịch chỉ tích cực hơn về cuối phiên do cầu bắt đáy hoạt động  khi lực bán ra tại các cổ phiếu lớn mạnh lên.

Tuy nhiên, bước vào phiên chiều nay, đột biến đã diễn ra khi lực bán tháo một lần nữa lập lại, đẩy VN-Index lao dốc lùi xuống dưới mốc 1.030 điểm. Dù hãm đà giảm trong đợt ATC, nhưng VN-Index vẫn không thể lên lại được mốc 1.030 điểm.

Cụ thể, chốt phiên chiều nay, VN-Index giảm 28,10 điểm (-2,66%), xuống 1.028,87 điểm với 77 mã tăng, trong khi có tới 201 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 205 triệu đơn vị, giá trị 6.731,7 tỷ đồng, tăng 27,3% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên 9/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với 61,3 triệu đơn vị, giá trị 2.765,6 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận "khủng" của hơn 33,2 triệu cổ phiếu VIS, giá trị hơn 1.146 tỷ đồng và hơn 7,29 triệu cổ phiếu VIC, giá trị gần 886 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 10/5
Diễn biến VN-Index phiên 10/5

Với giao dịch của VIS, nhiều khả năng đây là số cổ phiếu VIS mà đối tác chiến lược Kyoei Steel mua từ cổ đông lớn Thái Hưng khi số lượng được giao dịch đúng bằng số cổ phiếu đăng ký mua. Sau giao dịch này, Thái Hưng giảm sở hữu tại VIS từ 65% xuống 20% vốn (tương đương 14,767 triệu cổ phiếu), trong khi Kyoei Steel nâng sở hữu từ 20% lên 65% vốn (tương đương 47,99 triệu cổ phiếu).

Áp lực bán tháo khiến 10 cổ phiếu lớn nhất sàn đều không tăng với 9 mã giảm điểm mạnh. VNM giảm 2,7% về 180.000 đồng, PLX giảm 5,5% về 64.000 đồng, GAS cũng quay đầu giảm 2,3% về 105.000 đồng.

Rổ VN30 cũng có tới 24 mã giảm điểm, trong đó các mã VIC, VJC, MSN, SSI, MWG... cùng giảm trên 1,5%. Trong đó, SSI khớp 3,9 triệu đơn vị.

Không chỉ SSI, sắc đỏ cũng phủ lên hầu hết các cổ phiếu chứng khoán hay bảo hiểm. Thậm chí, VND còn giảm sàn về 23.650 điểm (-6,9%) và cũng là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp của mã này, thanh khoản có sự đột biến với lượng khớp hơn 7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE và cũng là mức cao nhất trong hơn 5 năm qua.

Dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE là SBT với 9,9 triệu đơn vị được sang tên, giảm 1,4% về 14.725 đồng.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng tất cả đều giảm điểm, trong đó nhiều mã giảm trên 5%. Cụ thể, VCB giảm 5% về 56.500 đồng, CTG giảm 6,7% về 28.000 đồng, BID giảm 6,6% về 37.700 đồng, VPB giảm 5,8% về 50.000 đồng, MBB giảm 6,7% về 28.000 đồng, HDB giảm 6,8% về 2408.000 đồng. STB giảm 4,4% về 12.900 đồng. Đây cũng là các mã có thanh khoản cao: CTG khớp 7,04 triệu đơn vị; MBB và STB cùng khớp trên 5,5 triệu đơn vị; các mã còn lại khớp từ 2-4 triệu đơn vị.

Trong bối cảnh nhà đầu tư đồng loạt bán mạnh, các cổ phiếu thị trường cũng đều chịu chung số phận. Các cổ phiếu họ "FLC" là FLC, ROS, HAI, AMD, GTN hay SCR, ASM, HHS, KBC, ITA, HAG, HNG... đồng loạt giảm điểm mạnh. Thanh khoản tương đối cao: FLC khớp 5,85 triệu đơn vị, cao nhất nhóm; các mã khác khớp từ 1-4 triệu đơn vị.

Các mã KSA, QCG, HQC, VHG đi ngược thị trường, trong đó KSA và VHG tăng trần, khớp lệnh từ 1-3 triệu đơn vị. Với KSA, đây là phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp và leo lên mức giá... 600 đồng, còn VHG đạt 1.350 đồng.

Mức giảm trên 2% cũng diễn ra trên HNX với bối cảnh tương tự khi sắc đỏ ngập tràn. Các mã trụ như ACB, SHB, VCS, PVS... đều giảm mạnh.

Phó chủ tịch FECON đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu FCN
Ông Hà Thế Phương, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FECON (mã FCN – HSX) vừa đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư