Đà tăng vẫn duy trì khá ổn định khi bước sang giao dịch chiều. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 giờ giao dịch cầm chừng, áp lực chốt lời bất ngờ tăng mạnh đẩy thị trường lùi về dưới mốc tham chiếu. Dù sau đó thị trường được cứu vớt bởi lực cầu hấp thụ mạnh nhưng lực cung giá thấp tăng mạnh trong đợt khớp ATC đã nhấn chìm thị trường trong sắc đỏ.
Đóng cửa, sàn HOSE có 178 mã giảm và 122 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 4,25 điểm (-0,42%) xuống 1.012,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 247,86 triệu đơn vị, giá trị 5.919,66 tỷ đồng, giảm 3,58% so với phiên cuối tuần trước.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,82 triệu đơn vị, giá trị 958,15 tỷ đồng. Trong đó, riêng CMG thỏa thuận 4,75 triệu đơn vị, giá trị 106,19 tỷ đồng; PAN thỏa thuận 2,68 triệu đơn vị, giá trị 147,39 tỷ đồng; ROS thỏa thuận 6,68 triệu đơn vị, giá trị 273,88 tỷ đồng; VNM thỏa thuận 1,22 triệu đơn vị, giá trị gần 166 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 1/10 |
Tương tự, lực bán cũng tăng mạnh sau hơn 1 giờ giao dịch đã khiến sàn HNX quay đầu lao về dưới mốc tham chiếu. Kết phiên, sàn HNX có 83 mã giảm và 54 mã tăng, HNX-Index giảm 0,76 điểm (-0,65%) xuống 115,52 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,44 triệu đơn vị, giá trị 759,8 tỷ đồng, tăng 10,75% về lượng và 2,97% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có đóng góp thêm 1,69 triệu đơn vị, giá trị 28,65 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang tạo gánh nặng lớn lên thị trường với hầu hết các mã đều chuyển đỏ và nới rộng biên độ giảm như VCB giảm 0,8% xuống 62.500 đồng/CP, CTG giảm 1,8% xuống 27.050 27.050 đồng/CP, VPB giảm 1,5% xuống 26.400 đồng/CP, BID giảm 1,3% xuống 34.750 đồng/CP.
Trong khi đó, áp lực bán cũng khiến “ngôi sao” STB hạ nhiệt và chỉ còn tăng nhẹ nhờ lực cầu ngoại khá mạnh. Kết phiên, STB tăng 2,6% lên 13.850 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường đạt 22,13 triệu đơn vị và khối ngoại mua ròng mạnh nhất hơn 8,29 triệu đơn vị.
Cũng nằm trong vòng xoáy chung của thị trường, dòng bank trên sàn HNX cũng lần lượt điều chỉnh như ACB quay đầu giảm 1,2% xuống mức thấp nhất ngày 33.700 đồng/CP; SHB giảm 1,1% xuống 9.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng đảo chiều giảm hoặc nới rộng biên độ giảm như VNM, VJC, NVL, MWG…, hay bộ 3 họ Vingroup cũng chịu tác động khi VIC chỉ còn tăng nhẹ 0,2% lên 98.500 đồng/CP, còn VRE và VHM cùng giảm 2,75% xuống mức giá thấp nhất ngày, lần lượt 40.750 đồng/CP và 103.100 đồng/CP.
Không chỉ những mã lớn trong ngành, nhiều mã bất động sản khác cũng chìm trong sắc đỏ như FLC giảm 1,62% xuống 6.090 đồng/CP và khớp 11,13 triệu đơn vị, DXG giảm 3,65% xuống 29.000 đồng/CP, HBC giảm 1,8% xuống 24.450 đồng/CP… Hay trên sàn HNX có VCG giảm 3,1% xuống 18.600 đồng/CP, VGC giảm 2,6% xuống 18.600 đồng/CP, CEO giảm 1,4% xuống 13.800 đồng/CP…
Dù cũng chịu áp lực bán về cuối phiên nhưng nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn là điểm sáng của thị trường nhờ thông tin tích cực từ việc giá dầu thô tăng cao. Cụ thể, GAS đóng cửa tại mức giá 119.600 đồng/CP, tăng 3,4%; PLX tăng 0,8% lên 71.600 đồng/CP, PVD tăng 4,8% lên 21.700 đồng/CP, PVS tăng 0,4% lên 23.300 đồng/CP.
Không chỉ dừng ở sàn niêm yết, trên sàn UPCoM, lực bán dâng cao về cuối phiên cũng khiến thị trường quay đầu giảm.
Kết phiên, UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,13%) xuống 54,14 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 26,15 triệu đơn vị, giá trị 426,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 816.869 đơn vị, giá trị 30,52 tỷ đồng.
Các mã lớn đua nhau giảm, là tác nhân chính nhấn chìm thị trường trong sắc đỏ như BSR giảm 0,5% xuống 20.200 đồng/Cp, VGT giảm 3,79% xuống 12.700 đồng/CP, HVN giảm gần 1% xuống 41.000 đồng/CP, VGI giảm 8,5% xuống 26.800 đồng/CP, VEA giảm 3,2% xuống 33.000 đồng/CP…
Trong đó, BSR vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn với 5,48 triệu đơn vị được giao dịch. Tiếp đó là LPB và POW với khối lượng giao dịch lần lượt 4,15 triệu đơn vị và 3,47 triệu đơn vị.