Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 23 tháng 01 năm 2025,
Phiên 11/5: Cổ phiếu ngân hàng khởi sắc, thị trường đảo chiều ngoạn mục
 
Sau 2 lần thử thách ngưỡng hỗ trợ 1.015 điểm trong phiên sáng và đứng vững, VN-Index đã đảo chiều ngoạn mục trong phiên chiều, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 11/05
Diễn biến VN-Index phiên ngày 11/05

Trong phiên giao dịch sáng, dư âm của phiên bán tháo chiều thứ Năm khiến VN-Index lao thẳng xuống vùng 1.015điểm, HNX-Index cũng đất mất mốc 120 điểm. Tuy nhiên, ở vùng điểm này, lực cầu bắt đáy ở một số mã lớn đã kéo cả 2 chỉ số trở lại vùng tham chiếu. Dù vậy, với lực cầu thận trọng, chỉ cần lực cung gia tăng có thể ép các chỉ số giảm trở lại và điều đó đã xảy ra sau gần 1 tiếng các chỉ số lình xình sát mức tham chiếu.

Một lần nữa, thị trường bị đẩy mạnh trở lại với VN-Index xuyên qua mốc 1.015 điểm, HNX-Index cũng tạo đáy mới trong phiên. Tuy nhiên, một lần nữa, lực kéo từ một số mã lớn tiếp tục phát huy tác dụng, giúp cả VN-Index và HNX-Index hãm đà rơi.

Trong phiên giao dịch chiều, với việc VN-Index đứng vững sau 2 lần thử thách ngưỡng hỗ trợ, bên bán đã không còn quá vội vã, trong khi lực cầu cũng túc tắc nhập cuộc, giúp thị trường dần hồi phục và chính thức bứt qua ngưỡng tham chiếu. Đà tăng của cả 2 chỉ số chính được nới rộng dần về cuối phiên với sự hỗ trợ của nhóm VN30 và HNX30 và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Cụ thể, chốt phiên cuối tuần, VN-Index tăng 15,98 điểm (+1,55%), lên 1.044,85 điểm với 143 mã tăng và 125 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 134,8 triệu đơn vị, giá trị 4.110,82 tỷ đồng, giảm 34,2% về khối lượng và giảm 38,9% về giá trị so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, phiên hôm qua có sự đóng góp lớn của giao dịch thỏa thuận, trong đó riêng VIS đã đóng góp 33,22 triệu cổ phiếu, giá trị 1.146,2 tỷ đồng, trong khi phiên hôm nay, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 12 triệu đơn vị, giá trị 660,5 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 1,82 điểm (+1,5%), lên 122,77 điểm với 45,97 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 631 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng và 12,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,8 triệu đơn vị, giá trị 104 tỷ đồng.

Ngoài VIC, GAS, CTG và VRE, trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, nhiều mã khác cũng đã đảo chiều tăng giá thành công, chỉ còn VNM giảm 1,11%, xuống 178.000 đồng, MSN giảm 0,11%, xuống 93.900 đồng và VJC giảm 1,15%, xuống 189.900 đồng.

Cụ thể, VIC tăng 2,9%, lên 124.000 đồng với 1,35 triệu đơn vị; GAS tăng mạnh 5,81% lên 111.100 đồng với 0,81 triệu đơn vị; VCB tăng 2,48%, lên 57.900 đồng với 3,95 triệu đơn vị; SAB tăng 0,85% lên 236.000 đồng; BID tăng 3,98%, lên 34.000 đồng với 2,16 triệu đơn vị; CTG tăng 5%, lên 29.400 đồng, với 8,68 triệu đơn vị, thậm chí có lúc lên mức trần 29.950 đồng; VRE tăng 1,33%, lên 45.700 đồng với 0,86 triệu đơn vị.

Trong nhóm ngân hàng, ngoài 3 ông lớn VCB, BID, CTG, các mã còn lại niêm yết trên HOSE cũng đều đua sắc xanh đậm. Trong đó, VPB tăng 3,4%, lên 51.700 đồng với 2,74 triệu đơn vị; MBB tăng 3,38%, lên 30.550 đồng với 3,36 triệu đơn vị; HDB tăng 3,5%, lên mức cao nhất ngày 41.400 đồng với 3,36 triệu đơn vị; STB tăng 1,55%, lên 13.100 đồng với 5 triệu đơn vị; EIB tăng 2,02%, lên 15.150 đồng với 0,56 triệu đơn vị; TPB tăng 1,02%, lên 29.800 đồng với 0,73 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán cũng đảo chiều tăng giá, đặc biệt là VND đảo chiều ngoạn mục từ mức sàn 22.000 đồng khi mở cửa, leo lên mức trần 25.300 đồng khi đóng cửa. VND tăng trần trong phiên hôm nay có thể nhờ thông tin Chủ tịch HĐQT Công ty Phạm Minh Hương lên tiếng trấn an nhà đầu tư vì thông tin liên quan tới HOMEDIRECT.

Ngoài ra, còn có hàng loạt mã tăng giá, trong đó SBT có thanh khoản cao nhất sàn với 11,25 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 3,77%, lên mức cao nhất ngày 17.900 đồng; ASM tăng 4,16%, lên 13.800 đồng với 5,13 triệu đơn vị…

Trên HNX, ACB tăng 3,77%, lên 44.000 đồng với 3,94 triệu đơn vị; VCS tăng 1,33%, lên 114.000 đồng với; VGC tăng 1,24%, lên 24.400 đồng với 1,44 triệu đơn vị; VCG tăng 0,55%, lên 18.300 đồng với 0,3 triệu đơn vị và SHB đứng ở tham chiếu 10.600 đồng với 7,5 triệu đơn vị. Các mã còn lại trong Top 10 đều giảm nhẹ.

Trên UPCoM, sau khi giảm sâu trong phiên sáng, UPCoM-Index cũng dần hồi phục trở lại trong phiên chiều theo diễn biến tích cực trên sàn sàn niêm yết và kịp vượt qua tham chiếu khi chốt phiên.

Chốt phiên cuối tuần, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,05 điểm (+0,09%), lên 56,08 điểm với 12,87 triệu đơn vị, giá trị 196,37 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,11 triệu đơn vị, giá trị 2,4 tỷ đồng.

Bất chấp các thông tin liên quan đến bắt bớ lãnh đạo cao cấp, cổ phiếu BSR tiếp tục tăng 4,57%, lên 20.600 đồng với 2,7 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu thị trường. BSR liên tiếp tăng mạnh trong mấy phiên vừa qua nhờ thông tin không bị truy thu hơn 5.300 tỷ đồng.

Ngoài BSR, chỉ có thêm 1 mã nữa trên sàn này có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị là LPB với 1,45 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 1 bước giá, lên 14.000 đồng.

Các mã POW, OIL, HVN, DNV, TIS, KLB cũng chỉ tăng nhẹ, trong khi SDI, MSR, MCH, VIB… đóng cửa trong sắc đỏ.

Hôm nay có nhiều mã nhỏ đua sắc tím như TOP, AVF, NAW, VNH, CMW…, trong khi ART dù mở cửa với mức trần 11.700 đồng, nhưng đóng cửa giảm 1%, xuống 10.000 đồng.

Cổ phiếu ngân hàng: Có cơ sở đặt niềm tin
Cổ phiếu ngân hàng vẫn là nguồn cảm hứng kéo thị trường bật mạnh trở lại phiên đầu tuần. Vai trò dẫn dắt của nhóm này chưa bị phai nhạt.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư