Nhịp hồi nhẹ cuối phiên chỉ đảm bảo cho sắc xanh của VN-Index được giữ lại, chứ không đủ giúp chỉ số giữ được mốc 725 điểm. Diễn biến này cho thấy, vùng 725 điểm vẫn là vùng cản mạnh khó vượt của chỉ số ở thời điểm hiện tại.
Điểm tích cực là dòng tiền tiếp tục mạnh mẽ chảy vào thị trường, tạo tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư. Trong bối cảnh áp lực chốt lời ở vùng giá cao luôn trực chờ, thì sự tích cực của dòng tiền rõ ràng đã hỗ trợ rất tốt cho thị trường, giúp VN-Index tích lũy để hướng tới vùng đỉnh 730 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch 11/5, với 127 mã tăng và 138 mã giảm, VN-Index tăng 0,68 điểm (+0,09%) lên 724,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 223 triệu đơn vị, giá trị hơn 5.332 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 11/5 |
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 38,8 triệu đơn vị, giá trị 588,85 tỷ đồng, nhưng phần lớn trong đó đến từ giao dịch của trái phiếu VIC11501 với gần 289 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có thỏa thuận 28,51 triệu cổ phiếu ITA, giá trị gần 98 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý trên sàn HOSE phiên hôm nay là dòng tiền tiếp tục rút dần khỏi các mã thị trường và chuyển hướng sang các mã cơ bản, cũng như nhóm cổ phiếu lớn, phần nào thể hiện qua việc ghi nhận thanh khoản tăng mạnh gần 18% so với phiên trước, nhưng tổng lượng khớp lệnh giảm nhẹ.
ROS, PLX, VCB là các mã lớn hút mạnh dòng tiền, song nổi bật nhất là ROS với 9,78 triệu đơn vị được sang tên, giúp mã này quay đầu tăng 0,1% lên 160.400 đồng/CP. Riêng giá trị khớp lệnh của ROS đã chiếm hơn 29% tổng giá trị giao dịch của HOSE.
PLX khớp 3,35 triệu đơn vị, tăng mạnh 3,2% lên 48.600 đồng/CP. Tương tự, GAS cũng tăng 0,2%. Nhưng với PVD, dường như thông tin tích cực từ việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ không có tác dụng nhiều, khi mã này tiếp tục giảm khá mạnh 1,8% về 16.000 đồng/CP. PVD khớp lệnh 2,976 triệu đơn vị.
Đối với nhóm cổ phiếu cơ bản, các mã tiêu biểu là BHS, SBT, SSI, HPG, HBC, REE, AAA… với lượng khớp lệnh lớn. BHS khớp 6 triệu đơn vị, SBT gần 5 triệu đơn vị, HPG và SSI cùng khớp 3,99 triệu đơn vị… và tất cả đều tăng điểm.
Ngược lại, dòng tiền đã không còn dồn mạnh vào nhóm thị trường như những phiên gần đây. Các mã FLC, HQC, HAG, ITA, HNG, VHG, OGC… có thanh khoản không quá cao.
Chẳng hạn, HNG có thêm 1 phiên khớp vỏn vẹn hơn 1 triệu đơn vị, trong khi phiên 9/5 khớp tới 21,5 triệu đơn vị. HQC hay FLC khớp quanh mức 7 triệu đơn vị. Ngoài ra, việc bị chốt lời mạnh khiến hầu hết nhóm này giữ sắc đỏ.
Dẫn đầu thanh khoản là SCR với hơn 15 triệu cổ phiếu được sang tên, song cũng chìm trong sắc đỏ với mức giảm 1,4% về 10.350 đồng/CP.
Tuy nhiên, vẫn có những mã khác biệt. Điển hình là QCG với phiên tăng trần thứ 10 liên tiếp, qua đó ghi nhận mức giá cao nhất trong vòng 5 năm qua là 13.300 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh cũng khá tích cực hơn 1 triệu đơn vị và còn dư mua trần 5,77 triệu đơn vị.
Đối với HNX, dòng tiền cũng tập trung ở nhóm cổ phiếu HNX30, tuy nhiên các mã lớn lại đa phần giảm điểm. Việc không nhận được hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu lớn khiến HNX-Index chịu sự rung lắc rất mạnh, trước khi chính thức giảm điểm vào cuối phiên.
Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,26 điểm (-0,29%) về 89,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,14 triệu đơn vị, giá trị 479,91 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận là hơn 14 tỷ đồng.
Hầu hết các mã lớn có ảnh hưởng đến chỉ số đều giảm điểm, chẳng hạn ACB, VCS, VCG, PVI, PVC, VND, BVS, CEO, HUT, LAS…
SHB dẫn đầu thanh khoản SHB 8,55 triệu đơn vị được khớp, kết phiên đứng giá tham chiếu. CEO khớp 3,9 đơn vị. Khớp trên 1 triệu đơn vị có NDN, HUT, ACB, VCG và SHS, trong đó chỉ SHS tăng điểm.
Trên sàn UPCoM, đóng cửa phiên giao dịch, UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,3%) lên 57,74 triệu đơn vị. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,8 triệu đơn vị, giá trị 63,79 tỷ đồng.
Việc nhiều mã lớn như HVN, ACV, SAS, VIB, GEX, VOC, MSR, VGT, VGG… đồng loạt tăng điểm đã giúp chỉ số này có phiên tăng điểm trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó.
HVN khớp lệnh 1,03 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn và vượt trội so với phần còn lại. HVN đóng cửa tăng mạnh 4,9% lên 28.100 đồng/CP, bất chấp lợi nhuận ròng quý I/2017 giảm mạnh 43% so với cùng kỳ 2016, đạt 746 tỷ đồng.