Đối với nhiều nhà đầu tư, áp lực bán mạnh trong phiên giảm 11/9 là bình thường, bởi trước đó, thị trường đã có chuỗi tăng điểm ấn tượng, với điểm nhấn là chinh phục thành công mốc 800 điểm.

Tuy nhiên, trong phiên hôm nay, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại, lực cầu gia tăng mạnh, kéo nhiều mã phục hồi, nhất là sau khi VN-Index lùi xuống dưới ngưỡng 795 điểm.

Khác với các phiên tăng trước, trong phiên hôm nay, số mã tăng giá đã chiếm ưu thế trên bảng điện tử, giúp VN-Index hồi phục sau phiên điều chỉnh hôm qua.

Tuy nhiên, việc SAB và ROS đảo chiều giảm khá mạnh sau chuỗi tăng ấn tượng trước đó, cùng với việc VNM chưa trở lại khiến VN-Index không thể lấy lại được mốc 800 điểm khi chốt phiên.

Thanh khoản thị trường phiên này cũng có sự cải thiện, nhưng nhìn chung, hoạt động giao dịch chưa thực sự tích cực. Diễn biến này đã kéo dài trong khoảng nửa tháng qua, song đây đang là tuần giao dịch mà các quỹ ETFs sẽ chốt danh mục quý III/2017, nên việc thị trường giao dịch thận trọng cũng là dễ hiểu.

Đóng cửa phiên giao dịch 12/9, với 145 mã tăng và 98 mã giảm, VN-Index tăng 2,47 điểm (+0,31%) lên 799,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 153,19 triệu đơn vị, giá trị 3.885,59 tỷ đồng, giảm 1,76% về khối lượng, nhưng tăng 5,24% về giá trị so với phiên 11/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,74 triệu đơn vị, giá trị 480 tỷ đồng, đáng chú ý trong đó là thỏa thuận của 8,9 triệu cổ phiếu EIB, giá  trị gần 102 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 12/9
Diễn biến VN-Index phiên 12/9

MBB chính là ngôi sao của dòng bank nói riêng và thị trường nói chung trong phiên hôm nay, khi tăng tốt cả về điểm số lẫn thanh khoản. MBB phiên này khớp tới 6,4 triệu đơn vị, đứng 2 toàn thị trường và tăng 2,4% lên 23.000 đồng/CP.

Sắc xanh cũng đồng loạt xuất hiện ở nhiều mã ngân hàng khác, chỉ còn duy nhất STB là giảm điểm. Về thanh khoản, trừ CTG khớp 0,7 triệu đơn vị, còn lại đều trên 1 triệu đơn vị.

Cùng với MBB, AAA cũng là một điểm sáng khác với mức tăng 6,6% lên 34.800 đồng/CP, tức gần chạm trần và khớp 3,7 triệu cổ phiếu, đứng thứ 8 về thanh khoản trên sàn HOSE. Đây cũng là lượng khớp cao nhất trong 3 tháng qua của AAA.

Nhóm cổ phiếu thép cũng đã tích cực trở lại sau phiên chịu áp lực khá mạnh liền trước đó. Hai cổ phiếu đầu ngành là HPG và HSG cùng tăng khá tốt, khớp lệnh tương ứng 3,1 triệu và 1,7 triệu đơn vị.

Ngược lại, một loạt mã trụ khác như VNM, VIC, GAS, ROS, SAB… lại không tích cực, làm hãm đà tăng của chỉ số. Đáng chú ý, ROS bất ngờ giảm mạnh bởi áp lực chốt lời lớn, song với sức cầu tốt nên mã này vẫn giao dịch khá tích cực. ROS chốt phiên giảm 5,4% về 114.000 đồng/CP và chính thức chấm dứt chuỗi 20 phiên tăng liên tiếp trước đó, khớp lệnh 5,4 triệu đơn vị, đứng thứ 3 thị trường.

Tương tự, chuỗi 8 phiên tăng liên tục của SAB cũng ngừng lại với phiên giảm 1,4% này, về mức 281.000 đồng/CP. Tuy nhiên, một cổ phiếu bia khác là BHN lại giữ vững đà tăng trần lên 98.300 đồng/CP (+7%). SAB chỉ khớp được 28.500 đơn vị, còn BHN khớp 127.360 đơn vị.

Trong khi nhóm cổ phiếu lớn giao dịch khá ấn tượng, thì nhóm cổ phiếu nhỏ lại không mấy nổi bật. Thanh khoản vẫn tập trung ở một số mã thị trường như FLC, FIT, HAI, HQC, OGC, DXG, SCR… Tuy nhiên, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế hơn so với sắc đỏ.

FLC dẫn đầu thị trường với 8,5 triệu cổ phiếu được sang tên, tăng 1% lên 7.400 đồng/CP. FIT lại giảm mạnh 6,5% về 11.500 đồng/CP và khớp 5,4 triệu đơn vị.