Sang tới phiên chiều, trong khi VRE vẫn neo ở mức trần 46.350 đồng do không còn lực cung, thì VNM lại nới rộng đà tăng, có lúc lên gần mức giá trần 185.900 đồng (tương đương với mức giá đấu trúng thành công trong đợt thoái vốn vừa qua của SCIC), VIC cũng lên mức cao nhất phiên, VCB, BID, ROS cũng nhích bước, giúp VN-Index nới rộng đà tăng ngay đầu phiên và tăng vọt lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa phiên chiều. Tuy nhiên, vẫn thiếu một chút may mắn để chỉ số này chinh phục luôn mốc 880 điểm trong phiên hôm nay.
Cụ thể, chốt phiên chiều, VN-Index tăng 11,13 điểm (+1,28%), lên 879,34 điểm với 110 mã tăng và 168 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 282,1 triệu đơn vị, giá trị 13.440 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 94,36 triệu đơn vị, giá trị 8.776,8 tỷ đồng, chủ yếu là thỏa thuận VNM trong phiên sáng.
Diễn biến VN-Index phiên 13/11 |
Phiên tăng điểm hôm nay của VN-Index xét về điểm số tuyệt đối là phiên tăng mạnh nhất kể từ phiên 11/8/2016, còn xét về số tuyết đối là phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 22/5/2017.
Dù số mã tăng đã nhiều hơn so với phiên sáng, nhưng đà tăng mạnh của VN-Index phiên chiều này vẫn chủ yếu nhờ một vài mã cổ phiếu lớn. Trong đó, VNM chính là mã có sức mạnh lớn nhất khi tăng 6,44%, lên 185.000 đồng với 4,33 triệu đơn vị được khớp. Mức giá này chỉ còn cách giá đấu giá thành công 1.000 đồng.
Ngoài VNM, trong top 10 mã có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, còn có thêm 7 mã khác cũng tăng giá, như SAB tăng 1,27%, lên 282.800 đồng, VIC tăng 3,03%, lên mức cao nhất ngày 68.000 đồng, VCB tăng 0,7%, lên 43.700 đồng, GAS tăng 2,99%, lên 79.200 đồng, VRE vẫn neo ở mức giá trần 46.350 đồng, ROS tăng 0,8%, lên 179.500 đồng, BID tăng 0,85%, lên 23.950 đồng. Chỉ có 2 mã trong nhóm này giảm nhẹ là CTG giảm 0,25% về 20.600 đồng và MSN giảm 0,84% về 59.900 đồng.
VNM đã có 2 phiên khởi sắc sau thông tin về cuộc đấu giá bán vốn nhà nước thành công, trong khi VIC liên tục tạo đỉnh mới, VRE có phiên tăng trần thứ 3 kể từ ngày chào sàn.
Trong nhóm ngân hàng, ngoài CTG, sắc đỏ còn xuất hiện tại MBB, VPB, EIB, STB, trong đó MBB có thanh khoản tốt nhất nhóm với 6,36 triệu đơn vị (đứng thứ 2 toàn sàn sau FLC), chốt phiên giảm 2,12%, xuống 23.600 đồng.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thị trường, ngoại trừ TCH giữ được sắc tím 17.700 đồng, HAR, QCG tăng giá, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó có mã đóng cửa ở mức sàn.
Đáng chú ý, ngoại trừ ROS hồi phục sau khi mất hơn 18% trong tuần qua, các mã còn lại thuộc “họ FLC” đều bị bán mạnh trong phiên hôm nay. Trong đó, HAI và AMD đóng cửa ở mức sàn 7.420 đồng (4,77 triệu đơn vị được khớp) và 6.910 đồng (2,26 triệu đơn vị được khớp), còn FLC nhờ lực cầu đỡ giá cuối phiên mới thoát khỏi mức giá sàn.
Đóng cửa phiên đầu tuần, FLC giảm 6,52%, xuống 6.020 đồng với 38,55 triệu đơn vị được khớp, vượt trội so với phần còn lại của thị trường.
Các mã khác như HQC, ITA, KBC, DLG, FIT, SCR, HAG, HNG, TSC cũng đều đóng cửa trong sắc đó, thậm chí 2 mã khoáng sản KSA và KSH còn dư bán sàn rất lớn. Cũng có mức sàn còn có AAA, HTT, DHM, PJT, CMT…
Trên HNX, sau khi hụt chân cuối phiên sáng, HNX-index đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch chiều nhờ sự hỗ trợ của VCG, PVS, PVI, VCS, VGC, đặc biệt là mức trần của NTP.
Cụ thể, chốt phiên, HNX-Index tăng 0,31 điểm (+0,3%), lên 106,69 điểm với 54,68 triệu đơn vị được khớp, giá trị 669,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1 triệu đơn vị, giá trị 18,77 tỷ đồng.
Trong đó, KLF là mã được khớp lớn nhất sàn với 16,21 triệu đơn vị, nhưng cũng giống những người anh em của mình trên HOSE, KLF cũng đóng cửa ở mức sàn 3.400 đồng khi chốt phiên.
Trong nhóm ngân hàng, ACB vẫn giảm 0,63%, xuống 32.300 đồng với 1,86 triệu đơn vị được khớp, SHB giảm 1,27%, xuống 7.900 đồng với 3,91 triệu đơn vị được khớp, NVB lùi về tham chiếu 7.000 đồng.
Trong khi đó, PVS đã đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 1,24%, lên 17.000 đồng với 3,5 triệu đơn vị được khớp, PVI tăng 5,63%, lên 33.800 đồng. Ngoài ra, trong top 5 mã có vốn hóa lớn nhất sàn HNX, ngoại trừ ACB và SHB giảm nhẹ, còn lại đều tăng, trong đó VCS và VCG tăng mạnh.
Cụ thể, chốt phiên VCG tăng 8,33%, lên 24.700 đồng với 8,46 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 2 về thanh khoản sau KLF; VCS tăng 3,51%, lên 233.800 đồng, nhưng thanh khoản thấp.
Trong khi đó, trái ngược với 2 sàn niêm yết, UPCoM-Index lại nới rộng đà giảm trong phiên cuối tuần khi đóng cửa ở mức 52,47 điểm, giảm 0,37 điểm (-0,7%) với 7 triệu đơn vị được khớp, giá trị 130,78 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 339.977 triệu đơn vị, giá trị 12,56 tỷ đồng.
Trên sàn này, LPB là mã có thanh khoản tốt nhất với 1,66 triệu đơn vị được khớp, nhưng đóng cửa giảm nhẹ 0,76%, xuống 13.000 đồng, bằng mức giá đóng cửa phiên sáng. Trong khi đó, 2 mã có thanh khoản tốt tiếp theo là DVN và HVN (với 739.800 đơn vị và 658.600 đơn vị), đều tăng giá. Cụ thể, DVN tăng 1,86%, lên 16.400 đồng và HVN tăng 1,72%, lên 29.500 đồng.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, phiên hôm nay chỉ có 7.873 hợp đồng được giao dịch, giá trị 677,7 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 57% so với phiên cuối tuần qua. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp về giao dịch trên thị trường phái sinh.