Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phiên 13/3: Chỉ số vững vàng trước sức ép lớn
 
Áp lực bán gia tăng tại một số mã lớn như VIC, VNM, nhóm dầu khí được bù đắp bởi đà tăng tốt của nhóm ngân hàng, cùng SAB, VRE, giúp VN-Index đứng vững trong phiên giao dịch chiều nay.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 13/3
Diễn biến VN-Index phiên ngày 13/3

Trong phiên sáng, dòng tiền chảy mạnh ngay đầu phiên giúp VN-Index tiến thẳng lên sát ngưỡng 1.010 điểm sau hơn 1 tiếng giao dịch. Tuy nhiên, lực cầu là chưa đủ để giúp VN-Index có thể chiến thắng được ngưỡng cản mới sau khi vừa nhọc nhằn chinh phục ngưỡng cản tâm lý lịch sử 1.000 điểm trong phiên trước đó.

Điểm tựa cho thị trường trong phiên sáng đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng khi dòng tiền chảy mạnh vào nhóm này, giúp nhiều mã tăng tốt. Ngoài ra, cũng phải kể đến sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu họ Vingroups khi cả 3 mã đều có sắc xanh.

Bước vào phiên giao dịch chiều, VN-Index chỉ nhích nhẹ trong ít phút đầu phiên trước khi hạ nhiệt do nhiều mã lớn đảo chiều như VIC, VNM, nhóm dầu khí. Tưởng chừng VN-Index sẽ lùi thẳng về tham chiếu, nhưng nhờ sự hỗ trợ tốt của nhóm ngân hàng, cùng một số mã lớn khác, VN-Index cuối cùng vẫn đứng vững trên ngưỡng 1.005 điểm.

Chốt phiên, VN-Index tăng 5,08 điểm (+0,51%), lên 1.006,4 điểm với 158 mã tăng và 131 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 229,38 triệu đơn vị, giá trị 5.106,24 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 31,76 triệu đơn vị, giá trị 676,95 tỷ đồng.

Như đã đề cập, VIC chịu áp lực bán khá lớn trong phiên chiều nên quay đầu giảm giá, chốt phiên mất 0,93% xuống 117.500 đồng với 1,26 triệu đơn vị được khớp. Cùng với VIC, VNM cũng giảm 0,5% xuống 138.300 đồng, GAS giảm 0,29% xuống 101.600 đồng, PLX giảm 0,32% xuống 61.800 đồng, PVD giảm 1,6% xuống 18.500 đồng.

Ngoài ra, còn có thể kể đến VJC giảm 0,58% xuống 119.800 đồng, NVL giảm 2,08% xuống 61.200 đồng, FPT giảm 0,65% xuống 46.200 đồng.

Ngược lại, nhóm ngân hàng vẫn giữ được sự hấp dẫn với nhà đầu tư. VCB sau khi gặp khó trong phiên sáng, cũng đã quay đầu tăng giá khi đóng cửa phiên hôm nay, chốt phiên tăng 0,62% lên 65.200 đồng với 1,68 triệu đơn vị được khớp. BID tăng 0,28% lên 35.600 đồng với 2,86 triệu đơn vị. TCB tăng 1,31% lên 27.150 đồng với 4,6 triệu đơn vị. CTG tăng 2,04% lên 22.550 đồng với 14,63 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HOSE. VPB cũng tăng mạnh 2,33% lên 22.000 đồng với 4,51 triệu đơn vị. MBB tăng 0,22% lên 22.600 đồng với 6 triệu đơn vị. HDB tăng 0,32% lên 31.000 đồng với 2 triệu đơn vị. STB tăng 0,79% lên 12.800 đồng với 6,15 triệu đơn vị. EIB cũng tăng 0,56% lên 17.800 đồng và TPB tăng 0,47% lên 21.300 đồng.

Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, ngoài DLG, FIT, DCL, TSC, phiên chiều còn xuất hiện thêm các sắc tím tại CSV, LMH, DAH, HAX, TLD và có đôi lúc là TTF.

TTF dù không giữ được sắc tím, nhưng đóng cửa phiên hôm nay cũng tăng mạnh 6% lên 3.510 đồng với hơn 5 triệu đơn vị được khớp.

GTN tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên chiều nay và chốt phiên ở mức 16.000 đồng, giảm 2,44% với 1,62 triệu đơn vị. VNM đang chào mua công khai gần 47% vốn điều lệ GTN với giá chỉ 13.000 đồng/cổ phiếu.

Trên HNX, việc VCG, VGC, SHB nới rộng đà giảm và PVS quay đầu gây áp lực lớn tới chỉ số chung. Tuy nhiên, sự vững vàng của ACB giúp HNX-Index vẫn trụ lại trên tham chiếu.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,27 điểm (+0,25%), lên 109,82 điểm với 79 mã tăng và 81 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 74,16 triệu đơn vị, giá trị 949 tỷ đồng, tăng 14,9% về khối lượng và 37,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,35 triệu đơn vị, giá trị 295 tỷ đồng.

Trên HNX, ngoại trừ ACB và sau đó có thêm VCS đảo chiều, còn lại các mã lớn đều đóng cửa trong sắc đỏ. Cụ thể, ACB tăng 1,62% lên 31.400 đồng với 5,47 triệu đơn vị được khớp, VCS tăng 0,6% lên 66.900 đồng với 0,15 triệu đơn vị được khớp. VCG giảm 1,39% xuống 28.400 đồng với 1,29 triệu đơn vị, PVS giảm 0,93% xuống 21.400 đồng với 1,88 triệu đơn vị, VGC giảm 0,92% xuống 21.600 đồng với 1,24 triệu đơn vị, SHB giảm 2,47% xuống 7.900 đồng với 15,34 triệu đơn vị, dẫn đầu về thanh khoản trên HNX.

Một mã ngân hàng khác trên sàn này là NVB lại nới rộng đà tăng, đóng cửa ở mức cao nhất ngày 8.700 đồng (+2,35%) với 1,28 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, tương tự 2 sàn niêm yết, chỉ số UPCoM-Index cũng có những phút rung lắc trong phiên chiều, nhưng cuối cùng vẫn đóng cửa với sắc xanh.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (+0,34%), lên 56,77 điểm với 104 mã tăng 83 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,3 triệu đơn vị, giá trị 404 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,26 triệu đơn vị, giá trị 35,3 tỷ đồng.

Giống các đồng nghiệp của mình trên 2 sàn niêm yết, các mã ngân hàng trên thị trường UPCoM cũng tăng tốt trong phiên chiều nay. Trong đó, LPB tăng 2,17% lên 9.400 đồng với 1,48 triệu đơn vị được khớp. VIB tăng 2,59% lên 19.800 đồng với 0,93 triệu đơn vị. KLB tăng 1% lên 10.200 đồng, trong khi BAB đứng giá tham chiếu.

Đứng đầu về thanh khoản trên UPCoM vẫn là BSR với gần 3 triệu đơn vị được khớp, nhưng đóng cửa lại giảm 1,42% xuống 13.900 đồng. Hai 2 nữa có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị hôm nay là VEA và HVN, nhưng VEA tăng 3,25% lên 50.900 đồng, trong khi HVN lại giảm 0,73% xuống 40.800 đồng.

Thị trường chứng khoán: Canh sự phản ứng của chỉ số để đưa ra hành động
Thị trường đang bước vào giai đoạn trống thông tin nên việc mất động lực tăng là dễ hiểu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư