Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Cổ phiếu lợi tức cao, sao dòng tiền lại "xa lánh"
 
Một loạt cổ phiếu trên UPCoM chia cổ tức lớn, nhưng giá thấp vì không có thanh khoản. Điều này là dễ hiểu trong trường hợp giá bị điều chỉnh thấp vì chia cổ tức, trong khi nhà đầu tư không muốn bán ra. Thế nhưng, không ít trường hợp khác, doanh nghiệp lại có mức chia cổ tức dự kiến cao, thanh khoản tốt, giá vẫn “lẹt đẹt”. Vì sao dòng tiền không vào?
Dòng tiền trên thị trường thường ưu tiên cho những mã có
Dòng tiền trên thị trường thường ưu tiên cho những mã có "sóng", hơn là những mã lợi tức cao nhưng không đều đặn

Câu chuyện C47

Công ty cổ phần Xây dựng 47 (mã C47) là cái tên không mới trên thị trường chứng khoán khi đã niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) gần 8 năm. Thế nhưng, dường như mã chứng khoán C47 lại không được nhiều nhà đầu tư quan tâm để ý, dù luôn có thanh khoản.

Tại ngày 11/3/2019, cổ phiếu C47 có mức giá 13.700 đồng/cổ phiếu. Năm 2018, Công ty đạt 43,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ, tương đương mức thu nhập là 2.562 đồng/cổ phiếu, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước, với lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ và thu nhập trên mỗi cổ phiếu tương tứng là 21,6 tỷ đồng và 1.269 đồng.

Năm 2018, C47 đã 2 lần thực hiện tạm ứng cổ tức vào các tháng 12/2018 và 1/2019, với tỷ lệ mỗi lần tạm ứng là 10% mệnh giá, bằng tiền. Với mức chia cổ tức này, tỷ lệ chia cổ tức trên cổ phiếu (lợi tức) của C47 lên tới 14,5%, cao hơn nhiều mức lợi suất đầu tư trái phiếu hoặc gửi tiết kiệm.

Giá cổ phiếu C47 đã có lúc tiến đến gần mức 21.000 đồng/cổ phiếu, đưa lợi tức cổ phiếu C47 về còn gần 10%/năm, nhưng sau khi chốt danh sách chia cổ tức, lại bắt đầu suy giảm. Điều này có lẽ một phần xuất phát từ những điều không bình thường tại C47.

Cuối tháng 11/2018, C47 họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018, thông qua một số vấn đề, trong đó có 3 nội dung mà nhà đầu tư quan tâm, bao gồm điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2018, thay đổi tỷ lệ chia cổ tức và thông qua phương án phát hành cổ phiếu.

Theo đó, C47 thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2018 (điều chỉnh) là 100 tỷ đồng, thay vì con số 21,5 tỷ đồng trước đó. Với kế hoạch này, Ban lãnh đạo C47 đề xuất phương án trích thưởng 7% lợi nhuận kế hoạch (nếu hoàn thành) và 3% lợi nhuận vượt kế hoạch từ lợi nhuận sau thuế để chia thưởng cho Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát.

Nội dung thứ hai là điều chỉnh tỷ lệ chia cổ tức từ mức 10% như phương án ban đầu lên 20% mệnh giá cổ phiếu. Vấn đề thứ ba là phát hành cổ phiếu từ các nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1. Kèm theo đó là phát hành ưu đãi cho người lao động 850.000 cổ phần giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng nói, nghị quyết này được thông qua chỉ hơn 1 tháng trước ngày kết thúc năm tài chính 2018 và 2 tháng trước thời điểm C47 ra Báo cáo tài chính quý IV/2018, với lợi nhuận thực tế là 43,6 tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch điều chỉnh.

Nếu sau kiểm toán, lợi nhuận trên không thay đổi thì C47 không thể phát hành được cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu do không đủ nguồn (như phương án xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông). Vốn chủ sở hữu C47 tại ngày 31/12/2018 là 325 tỷ đồng trên vốn điều lệ hơn 170 tỷ đồng.

Một điểm trừ nữa cho niềm tin của nhà đầu tư vào C47 là việc dù đã chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức năm 2018, nhưng ngày 25/1/2019, C47 có thông báo số 123/CV-TKCT về việc thay đổi thời gian thanh toán tiền tạm ứng cổ tức đợt 2/2018. Theo đó, cổ đông có tên trong danh sách nhận cổ tức chốt ngày 18/1/2019 dự kiến sẽ nhận cổ tức ngày 1/4/2019, thay vì dự kiến ban đầu là ngày 31/1/2019 với lý do chưa cân đối và thu xếp được nguồn tiền.

Lịch sử C47 cho thấy, đây là cổ phiếu có lợi tức nằm trong nhóm cao và khá ổn định. Thế nhưng, chuyện khó hiểu từ cách công bố thông tin đến thời gian chia cổ tức là điều khiến C47 trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Ở một số trường hợp khác, những mức chia cổ tức cao nhưng không thường xuyên cũng là điều khiến cho giá cổ phiếu không duy trì được sức hấp dẫn. Cổ phiếu GMD của Công ty cổ phần Gemadept là một ví dụ.

Năm 2018, Công ty đã 2 lần thực hiện chia cổ tức. Trong đó 1 lần tỷ lệ lên tới 80% đầu năm 2018, bao gồm 2 phần (cổ tức năm 2016 tỷ lệ 15% mệnh giá cổ phần và 65% mệnh giá cổ phần do thu nhập từ thoái vốn) và lần 2 tỷ lệ 15% bằng tiền từ lợi nhuận năm 2017.

Với mức chia cổ tức này, lợi tức cổ phiếu GMD lên tới 24% - là nhóm cao nhất trên thị trường (tính những cổ phiếu có thanh khoản tốt). Thế nhưng, cổ phiếu GMD không phải là lựa chọn cho những nhà đầu tư muốn đầu tư cổ phiếu để nhận cổ tức, vì mức chia cổ tức này không kéo dài đều đặn qua các năm. 

C4G cổ tức tốt, nhưng giá ì ạch

Trái với C47 hay GMD là những trường hợp có lợi tức cao, nhưng không ổn định, cổ phiếu C4G của Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 lại là một câu chuyện khác.

Lịch sử chia cổ tức từ trước khi lên sàn khá hấp dẫn (12%/mệnh giá năm 2014, 2015; 18% mệnh giá năm 2016, 2017), C4G được Ban lãnh đạo Công ty cam kết mức chia cổ tức lên tới 18% trong các năm tới đây tại các cuộc gặp nhà đầu tư trước khi đăng ký giao dịch cổ phiếu chính thức. Tuy nhiên, mã C4G vẫn “ì ạch” trên sàn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/3/2019, cổ phiếu C4G có giá 7.900 đồng/cổ phiếu. Năm 2018, C4G đạt doanh thu hợp nhất 3.313 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 170 tỷ đồng trên vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Với kết quả này, C4G sẽ không thể thực hiện được mục tiêu chia cổ tức 18% mệnh giá như kế hoạch, nhưng khá gần với mục tiêu đưa ra ban đầu. Nếu thực hiện chính sách chia 100% lợi nhuận như các giai đoạn trước, C4G có thể chia cổ tức không dưới 16% mệnh giá, tương đương mức lợi tức hơn 20%. Nhưng dòng tiền vẫn thờ ơ, không chọn vào C4G. 

… và những doanh nghiệp khác

Công ty cổ phần Đá Núi Nhỏ (mã NNC) là một trong những doanh nghiệp có lịch sử chia cổ tức ấn tượng trong các năm qua. Đầu năm 2019, Công ty tạm ứng cổ tức đợt 2/2018 tỷ lệ 20% mệnh giá cổ phần, bằng tiền; lần tạm ứng 1 cho năm tài chính 2018 được thực hiện cuối tháng 11/2018,
tỷ lệ 40%.

Tính riêng năm 2018, NNC còn 2 lần chi trả cổ tức trước khi tạm ứng cổ tức lần 1 năm 2018 với tỷ lệ cộng gộp 2 lần lên tới 100% mệnh giá cổ phần. Trong khi đó, giá cổ phiếu NNC ngày 11/3/2019 là 49.000 đồng/cổ phiếu. Mức lợi tức cao hơn nhiều lần so với phương án gửi tiết kiệm.

Lợi nhuận kinh doanh duy trì ở mức ổn định gần 200 tỷ đồng (sau thuế) mỗi năm và dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì khi Công ty đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2019 ổn định ở mức này. NNC cũng có tỷ lệ chia cổ tức ở mức cao, nhưng đồ thị giá của NNC từ cuối năm 2016 đến nay lại cho thấy, giá cổ phiếu (sau đi trừ đi tác động của cổ tức) lại không có nhiều biến động, dù thanh khoản NNC ở mức cao, với trung bình hàng triệu cổ phiếu giao dịch mỗi phiên.

Nhìn dài hạn hơn, nếu nhà đầu tư mua và nắm giữ NNC từ khi niêm yết thì mức lợi nhuận vẫn rất lớn, nhưng dường như đây không phải là kết quả của nhà đầu tư trung hạn. Khi đó, nếu tính đến yếu tố chi phí nhận cổ tức, những nhà đầu tư nắm giữ từ cuối năm 2016 đến nay đang tạm thời bị lỗ chi phí thuế cổ tức (với nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức phải chịu thuế).

Không đạt được mức chia cổ tức bằng tiền ổn định ở mức cao như NNC, nhưng không ít doanh nghiệp khác đang niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung trên UPCoM có mức chia cổ tức bằng tiền khá đều đặn, tính ra mức lợi tức không hề thua kém gửi ngân hàng và định giá hấp dẫn như NT2, MBB, VMC..., thế nhưng giá cổ phiếu vẫn không bứt phá được.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao lại như vậy? Dường như, trừ các nhà đầu tư nắm giữ trung thành, các nhà đầu tư ngắn và trung hạn không mấy mặn mà với chia cổ tức các doanh nghiệp. Một vài ý kiến cho rằng, việc chia cổ tức dẫn đến cổ phiếu bị điều chỉnh giá xuống, một số trường hợp nhận tiền cổ tức còn bị chậm, trong khi phải nộp thuế thu nhập, khiến nhà đầu tư ngắn hạn không mấy hào hứng.

Trong khi đó, nếu nhìn dài hạn, số doanh nghiệp đạt được đồng thời 3 tiêu chí có độ ổn định cao về kết quả kinh doanh và chính sách chia cổ tức, thanh khoản cổ phiếu tốt lại không nhiều.

Và vì thế, dòng tiền trên thị trường vẫn “ưu ái” cho các mã chứng khoán có “sóng”, tức là những cổ phiếu có sự dao động lớn, dễ kiếm lời hơn.

Cổ đông ngân hàng "ngóng" tin cổ tức
Năm 2018, nhiều ngân hàng bứt phá về lợi nhuận, trong khi công tác xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Bên cạnh cổ tức dự kiến ở mức cao là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư