Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhân sự, tăng vốn, cổ tức… sẽ là điểm nóng mùa đại hội
Vân Linh - 25/02/2019 08:29
 
Mùa đại hội cổ đông đang cận kề khi các nhà băng rầm rộ chốt lịch họp sớm hơn so với năm trước. Những vấn đề về nhân sự, tăng vốn, cổ tức… được dự báo sẽ là điểm nóng.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Nhiều ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu

Ngày 28/3, LienVietPostBank sẽ tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 tại TP.HCM. Ngoài các nội dung quen thuộc như báo báo tình hình hoạt động năm 2018 và kế hoạch kinh doanh năm 2019, phương án phân phối lợi nhuận, LienVietPostBank sẽ thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và chuyển sang niêm yết trên HoSE.

Năm ngoái, Đại hội đồng cổ đông ngân hàng này đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 10.300 tỷ đồng bằng việc phát hành gần 287 triệu cổ phiếu LPB cho cổ đông hiện hữu và cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, kế hoạch đã không hoàn thành và đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của nhà băng này mới đạt mức 7.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, VietBank vừa phát hành thêm 100,7 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trước khi chuẩn bị lên sàn UPCoM. Ngày 10/12/2018, TPBank đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng tỷ lệ 28%. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này dự kiến tăng lên 8.566 tỷ đồng.

ACB cho biết, sẽ chia cổ tức năm 2018 mức 30% bằng cổ phiếu tăng vốn. HDBank, VPBank, Techcombank, MB… cũng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Ngay cả Vietcombank, một trong các nội dung đáng chú ý nhất trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, dự kiến diễn ra ngày 26/4, là tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2019. Cuối năm 2018, Vietcombank đã phát hành riêng lẻ 111,1 triệu cổ phiếu VCB với giá 55.510 đồng/cổ phiếu cho Ngân hàng Nhật Bản Mizuho và Quỹ GIC từ Singapore, huy động được 6.167 tỷ đồng. Tuy nhiên, số cổ phiếu đã phân phối chỉ bằng 30,88% tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán. Năm 2019, Vietcombank có thể thực hiện tiếp đợt phát hành riêng lẻ hoặc sẽ trình cổ đông phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (chia cổ phiếu thưởng) hay chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Cổ phiếu ‘vua” ra sao?

2018 được xem là năm thành công của ngành ngân hàng khi các nhà băng gặt hái lợi nhuận cao. Trong đó, Vietcombank đạt trên 18.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Techcombank đạt hơn 10.000 tỷ đồng, VPBank đạt trên 9.600 tỷ đồng… Chính điều này đã tác động tích cực lên cổ phiếu của các nhà băng nói trên và cổ phiếu “vua” nói chung. Tuy nhiên, năm 2019 lợi nhuận ngân hàng được đánh giá có thách thức không nhỏ.

Ngành ngân hàng đã đạt tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2018, nhưng lại có tín hiệu gia tăng nợ xấu mới do đẩy mạnh cho vay mảng bán lẻ và tiêu dùng.

Theo báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành ngân hàng đã đạt tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2018, nhưng lại có các tín hiệu gia tăng nợ xấu mới do các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mảng bán lẻ và tiêu dùng.

Đồng thời, năm 2019, VDSC nhận định khả năng duy trì hoặc tăng NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) và diễn biến chi phí dự phòng sẽ phân hóa giữa các ngân hàng. Việc đầu tư nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi và đầu tư vào ngân hàng số sẽ khiến các ngân hàng khó có thể tiết kiệm chi phí hoạt động trong vài năm tới. Đây được đánh giá là một trong những nhân tố đóng vai trò chủ chốt trong việc quyết định tăng trưởng lợi nhuận của từng ngân hàng.

Đánh giá triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2019, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, cầu tín dụng sẽ tăng trưởng chậm lại khi mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ là 14% cho năm nay và cung tín dụng sẽ chịu áp lực từ vốn chuẩn bị cho Basel II, do hệ số an toàn vốn (CAR) đụng trần cho phép.

BVSC cũng dự báo, NIM toàn ngành năm 2019 sẽ duy trì ở mức 3,2%. Hai yếu tố tác động tiêu cực tới NIM là việc đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn phải về 40% kể từ ngày 1/1/2019 và nguồn vốn giá rẻ từ Kho bạc Nhà nước có thể sẽ giảm trong 2019 do tình hình giải ngân đầu tư công tốt hơn so với năm 2018.

BVSC dự báo, lợi nhuận sau thuế của nhóm ngân hàng niêm yết tăng 13,5% trong năm 2019. Tuy cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại năm nay, nhưng định giá quay về mức hấp dẫn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư