Đúng như đánh giá nay, ngay khi VN-Index về ngưỡng 705 điểm và HNX-Index về 88,5 điểm, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc, nhất là ở nhóm cổ phiếu bluechip, hãm đà rơi của thị trường.

Bước sang phiên giao dịch chiều, tiếp nối lực cầu bắt đáy của phiên sáng, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh khi thị trường bước vào phiên chiều, giúp HNX-Index có ngay sắc xanh ngay đầu phiên. Không mất quá nhiều thời gian, VN-Index cũng nhanh chóng theo bước để vượt qua mức tham chiếu.

Lực cầu càng về cuối phiên càng mạnh, kéo cả 2 chỉ số lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa phiên hôm nay với thanh khoản tăng mạnh.

Cụ thể, VN-Index tăng 4,10 điểm (+0,58%), lên 714,93 điểm với 150 mã tăng, gần gấp đôi so với phiên sáng, trong khi số mã giảm chỉ còn 101 mã so với 152 mã của phiên sáng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 178,13 triệu đơn vị, giá trị 4.207 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,2 triệu đơn vị, giá trị 691,57 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận 2,12 triệu cổ phiếu VNM, giá trị 304,54 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 18/4
Diễn biến VN-Index phiên 18/4

HNX-Index thậm chí còn tăng mạnh 0,83 điểm (+0,93%), lên 89,12 điểm với 85 mã tăng và 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 56,2 triệu đơn vị, giá trị 542,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 19,77 triệu đơn vị, giá trị 380,78 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận 17,7 triệu cổ phiếu ACB, giá trị 359,6 tỷ đồng trong phiên chiều.

Lực cầu gia tăng trên diện rộng đã giúp nhiều mã đảo chiều tăng giá, các mã bluechip khác cũng nới rộng đà tăng, đặc biệt là “bộ tứ” hỗ trợ của VN-Index trong phiên sáng.

Cụ thể, VNM tăng 1,69%, lên 144.400 đồng với 1,9 triệu đơn vị được khớp. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua ròng tới gần 1,24 triệu cổ phiếu VNM.

VCB tăng 0,99%, lên 35.850 đồng, mức giá cao nhất ngày, MSN cũng lên mức giá cao nhất ngày 46.000 đồng, tăng 4,55%, trong khi GAS dù hụt mất mức giá cao nhất ngày, nhưng cũng tăng 2,04%, lên 55.100 đồng. Ngoài ra, hàng loạt mã lớn khác cũng đảo chiều tăng như BHN, FPT, DPM, BID, MBB, CTG…

Không chỉ các mã lớn, hàng loạt mã nhỏ khác cũng lũ lượt tăng trở lại như ITA, HQC, FIT, HHS, DLG…, trong khi FLC nới rộng đà tăng lên mức cao nhất ngày 7.800 đồng (+3,31%) với 21,77 triệu đơn vị được khớp, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 5,2 triệu đơn vị.

ITA tăng nhẹ 1 bước giá với 9,76 triệu đơn vị được khớp, HQC tăng 2,07%, lên 2.460 đồng với 8,6 triệu đơn vị được khớp.

Trong khi đó, QCG vẫn không thể đảo chiều thành công khi đóng cửa giảm 2,82%, xuống 6.890 đồng.

Hai mã lớn khác cũng không thể đảo chiều thành công là SAB và VJC khi giảm lần lượt 0,97%, xuống 205.000 đồng và 2,05%, xuống 129.000 đồng.

Trên HNX, ACB cũng bứt tăng lên mức cao nhất ngày 22.900 đồng khi đóng cửa, tăng 1,78% với gần 2 triệu đơn vị được khớp. SHB cũng tăng 2,78%, lên 7.400 đồng với 28,74 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại bán ròng 5,8 triệu đơn vị.

VCG, PVS, VGC, VCS cũng có sắc xanh, trong khi CEO, LAS không thể đảo chiều thành công.

Trái ngược với 2 sàn niêm yết, sàn UPCoM lại dao động suốt phiên ở dưới tham chiếu và đóng cửa với mức giảm nhẹ 0,06 điểm (-0,1%), xuống 56,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,61 triệu đơn vị, giá trị 60,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 117.326 đơn vị, giá trị 2,11 tỷ đồng.

Đà giảm của GEX, MRS, FOX, VOC, VGG, VEF chính là tác nhân khiến chỉ số sàn này giảm, bất chấp HVN đã đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 2,26%, lên 27.200 đồng với 806.900 đơn vị được khớp. Thanh khoản HVN vẫn đứng sau PFL với 906.000 đơn vị.