Sức ép bán ra xuất hiện các mã tăng nóng trong thời gian qua, lan dần ra các nhóm cổ phiếu khác, khiến thị trường giảm điểm mạnh ngay khi mở cửa.
Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền vẫn chảy mạnh và thị trường được hỗ trợ bởi các mã lớn, trong đó đáng kể là nhóm ngân hàng, dầu khí và bia, VN-Index lấy lại sắc xanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, những thông tin liên quan đến kế hoạch xử lý nợ xấu sắp được trình lên Quốc hội đã hỗ trợ các nhóm cổ phiếu này tăng điểm mạnh, tạo lực đỡ cho các chỉ số.
Điểm tích cực là dòng tiền vẫn chảy mạnh vào thị trường, giúp thanh khoản tiếp tục được duy trì ở mức rất cao, đạt gần 5.700 tỷ đồng trên 2 sàn chính.
Đóng cửa phiên giao dịch 18/5, với 182 mã giảm và 83 mã tăng, VN-Index giảm 0,21 điểm (-0,03%) về 726,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 219,68 triệu đơn vị, giá trị 5.082 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 18/5 |
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt gần 12 triệu đơn vị, giá trị 530 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 2,35 triệu cổ phiếu GMD, giá trị 94,3 tỷ đồng; 1,28 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 87 tỷ đồng; 2,56 triệu cổ phiếu MBB ở mức giá trần, giá trị gần 45 tỷ đồng…
Trong phiên chiều này, bên cạnh ROS và VNM giảm điểm mạnh, nhiều mã bluechips như BVH, REE, STB, HPG, HSG, PVD, CII, CTD… cũng chìm trong sắc đỏ, góp phần đè VN-Index.
ROS giảm 2,2% về 157.100 đồng/CP và khớp 6,889 triệu đơn vị. HPG giảm 1,9% về 28.500 đồng/CP và khớp 3,9 triệu đơn vị…
Sự ổn định của nhóm cổ phiếu ngân hàng với VCB, MBB, CTG, BID, chứng khoán với SSI, HCM… cũng chỉ giúp VN-Index không lùi sâu.
MBB có phiên tăng ấn tượng cả về thanh khoản lẫn điểm số, với mức tăng 3,9% lên 17.200 đồng/CP và khớp tới 4,7 triệu đơn vị.
SSI ghi dấu ấn với thanh khoản tăng vọt, đạt 10,3 triệu đơn vị (đứng thứ 3 trên HOSE), cao nhất kể từ tháng 12/2015, kết phiên tăng 1,7% lên 24.500 đồng/CP.
Ở nhóm dầu khí, PLX là đầu tàu với mức tăng mạnh 3,9% lên 53.000 đồng/CP và khớp 3,07 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản - xây dựng vẫn hút mạnh dòng tiền, song đa phần giữ sắc đỏ khi gặp áp lực bán lớn. Chỉ một số mã là là còn tăng điểm như HQC tăng 3,4% lên 3.030 đồng/CP và khớp 20,869 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE. QCG ghi nhận phiên trần thứ 16 lên 18.500 đồng/CP (+ 6,9%), thanh khoản cũng tăng vọt với 3,359 triệu đơn vị được sang tên và còn dư mua trần 1,79 triệu đơn vị…
Ngược lại, FLC giảm 2,3% về 7.740 đồng/CP và khớp 16,35 triệu đơn vị. SCR thậm chí còn giảm sàn về 12.100 đồng/CP (-6,9%) và khớp 8,688 triệu đơn vị… Cặp đôi HAG và HNG cũng giảm khá mạnh phiên này và cùng khớp hơn 3 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, đóng cửa, với 116 mã giảm và 60 mã tăng, HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,26%) về 91,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 63,64 triệu đơn vị, giá trị 668,37 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ là hơn 8 tỷ đồng.
Nhiều mã bluechips trên sàn này cũng giảm điểm, đáng kể có SHB, PVI, PVS, CEO, DBC, HUT, LAS, VCG…
SHB giảm 1,4% về 6.900 đồng/CP và khớp 16,657 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. VCG giảm 2,1% về 18.300 đồng/CP và khớp 4,5 triệu đơn vị…
Ngược lại, ACB tăng 0,4% lên 24.500 đồng/CP và khớp tới 4,43triệu đơn vị. SHS tăng 1,1% lên 9.400 đồng/CP và khớp 1,76 triệu đơn vị…
Trên sàn UPCoM, chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,76 điểm (-1,28%) về 58,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,4 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 55,98 tỷ đồng.
Giao dịch thỏa thuận đạt 12 triệu đơn vị, giá trị trên 352 tỷ đồng. Phần lớn trong đó lến từ thỏa thuận của 8,21 triệu cổ phiếu VOC, giá trị 271,488 tỷ đồng và STV là 2,044 triệu đơn vị, giá trị 40,49 tỷ đồng.
Trong khi HVN, GEX, VIB, QNC, SEA… giảm điếm, thì ACV, SAS, NAS, MCH… tăng điểm. Đáng chú ý, VIB phiên này giảm mạnh tới 12% về 24.200 đồng/CP, sau 5 phiên tăng liên tiếp.
Thanh khoản các mã trên cũng không có đột biến. Dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM là PFL và PXL, với lượng khớp tương ứng 1,689 triệu và 1,578 triệu đơn vị, kết cùng tăng trần.