Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Phiên 18/7: Chốt lời bluechips
Sau những phiên tăng gần đây, nhóm cổ phiếu bluechips đã bị chốt lời mạnh trong phiên hôm nay, khiến VN-Index đảo chiều giảm hơn 6 điểm trong phiên 18/7.

Kể từ đầu tháng 7 đến nay, VN-Index đã tăng hơn 15 điểm, lên vùng 980 điểm, tương ứng tăng khoảng 1,7%, trong đó có đóng góp lớn của nhóm bluechips. Thậm chí, ngay cả trong các phiên Index giảm điểm, nhiều mã bluechips vẫn tăng tốt để hỗ trợ chỉ số cho thấy vai trò quan trọng của nhóm cổ phiếu này trong việc nâng đỡ thị trường. Do đó, dễ hiểu khi nhóm cổ phiếu này chịu áp lực chốt lời trong phiên hôm nay. 

Ngay khi mở cửa, nhóm cổ phiếu trụ đỡ này đã bị bán mạnh khiến nhiều mã giảm điểm. Thực tế, áp lực chốt lời đã xuất hiện trong một vài phiên gần đây, nhưng nhờ sức cầu tốt, nên nhóm này vẫn giữ được đà tăng.

Tuy nhiên, điều này đã không lặp lại ở phiên hôm nay khi dòng tiền đã phần nào chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu thị trường. Thiếu dòng tiền đỡ giá, nhiều mã bluechips đã đồng loạt giảm điểm, kéo VN-Index quay đầu giảm điểm theo, thanh khoản cũng sụt giảm mạnh.

Đóng cửa, với 115 mã tăng và 180 mã giảm, VN-Index giảm 6,25 điểm (-0,66%) xuống 976,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 139,84 triệu đơn vị, giá trị 3.608 tỷ đồng, giảm 18% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên 17/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,63 triệu đơn vị, giá trị gần 804 tỷ đồng.

Trước áp lực bán mạnh, rổ VN30 có 24 mã giảm. Tương tự, Top 30 mã vốn hóa lớn nhất cũng có tới 23 mã giảm. Trong đó, MSN giảm tới 5% về 75.800 đồng. Nhiều mã khác như GAS, VRE, VJC, BVH, HVN, NVL, POW, PNJ... giảm từ hơn 1-2%.

Về các nhóm ngành dẫn dắt, ngân hàng và dầu khí cùng bị bán mạnh nên đa phần giữ sắc đỏ, trong đó EIB giảm mạnh 5,5% về 17.300 đồng. MBB và VCB là các sắc xanh hiếm hoi ở các cổ phiếu nhóm này. MBB khớp lệnh 5,14 triệu đơn vị, đứng thứ 3 HOSE. Dẫn đầu sàn là HPG với 8,48 triệu đơn vị, giảm 1,9% về 20.950 đồng.

Cũng trong số mã tăng, chỉ MWG là tích cực nhất với mức tăng 2,3% lên 103.900 đồng, thanh khoản cao với 1,1 triệu đơn vị khớp lệnh, còn lại chỉ nhích nhẹ.

Với nhóm cổ phiếu thị trường, dù nhận dòng tiền khá mạnh, song sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế hơn. Chỉ những mã có thanh khoản cao mới tăng giá như ROS (4,23 triệu đơn vị), ASM (4,22 triệu đơn vị), AAA (3,42 triệu đơn vị), ITA, AMD, HBC, HAG, HSG, TTF... khớp từ 1-2 triệu đơn vị.

HAI và SJF bất ngờ tăng trần lên 1.940 đồng và 3.630 đồng, thanh khoản mạnh với 5,64 triệu và 2,23 triệu đơn vị được khớp. Đây là phiên tăng trần thứ 2 liên tục của SJF.

Ngược lại, GAB có giảm sàn thứ 3 liên tục về 13.300 đồng, khớp lệnh chỉ gần 9.000 đơn vị và dư bán sàn gần 83.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực chốt lời cũng khiến sàn này chìm trong sắc đỏ trong phần lớn thời gian giao dịch, trước khi kịp bứt lên trong thời gian cuối phiên, thanh khoản tăng tích cực.

Đóng cửa, với 66 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,15%) lên 106,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,24 triệu đơn vị, giá trị 554 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên 17/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,3 triệu đơn vị, giá trị 161 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 3,92 triệu cổ phiếu VCG, giá trị 114 tỷ đồng.

Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt diễn biến phân hóa. Đơn cử, ở nhóm dầu khí, trong khi PVB tăng 4,7% lên 20.200 đồng thì PVS giảm 1,7% về 23.300 đồng, còn PVC đứng giá. Tương tự, ở nhóm ngân hàng, ACB tăng 0,3% lên 30.800 đồng thì SHB đứng giá, NVB giảm 1,2% về 8.000 đồng.

Về thanh khoản, PVS dẫn đầu sàn với 6,3 triệu đơn vị khớp lệnh. Tiếp theo là SHB với 3,5 triệu đơn vị. Ngoài 2 mã này, chỉ có thêm 3 mã khớp trên 1 triệu đơn vị là ACB, HUT và CEO, trong đó HUT giảm, CEO đứng giá.

Trên sàn UPCoM, chỉ số sàn này tích cực hơn khi phần lớn diễn biến trong sắc xanh, thanh khoản cao. Đầu và cuối phiên là những thời điểm rung lắc mạnh nhất.

Đóng cửa, với 104 mã tăng và 85 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,37 điểm (+0,64%) lên 57,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,23 triệu đơn vị, giá trị 242 tỷ đồng, tăng 25% về khối lượng và 45% về giá trị so với phiên 17/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12 tỷ đồng.

Các mã lớn tăng điểm khá tốt ở phiên này có thể kể đến như VGI, BSR, VIB, GVR, MPC... trong đó VGI giao dịch ấn tượng với lượng khớp dẫn đầu 1,7 triệu đơn vị, tăng 4,4% lên 30.600 đồng.

Ngược lại, các mã QNS, OIL, LPB, VGT, ACV... giảm điểm. Mã SKV giao dịch đột biến với gần 0,52 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng giảm mạnh -8,3% xuống 23.300 đồng.

Trên thị trường phái sinh, trong số 3 hợp đồng trái phiếu chính phủ, vẫn chỉ duy nhất mã GB05F1909 được giao dịch với 30 hợp đồng thành công.

Ở 4 hợp đồng tương lai VN30 đều quay đầu giảm, trong đó VN30F1908 đáo hạn ngày 15/8 được giao dịch sôi động nhất với 52.990 đơn vị, khối lượng mở 9.285 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, có 10 chứng quyền giảm và 6 chứng quyền tăng. Về thanh khoản, CMWG1902 với 199.490 đơn vị. Tiếp đến là CVNM1901 với 191.540 đơn vị, CMWG1903 với 188.600 đơn vị.

Lãi suất đang tăng, chọn gửi tiết kiệm hay đầu tư vào chứng khoán?
Nhiều mã chứng khoán trên thị trường tiếp tục suy giảm trong bối cảnh lãi suất ngân hàng có chiều hướng tăng dần.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư